Một nhóm nhà khoa học Hà Lan trong lễ trao giải Ig Nobel

Là giải thưởng được trao cho những khám phá kì quặc và hài hước nhất thế giới, Ig-Nobel 2012 đã vinh danh nhiều nghiên cứu thoạt nghe đã đủ khiến người ta cười bể bụng.

Với bất kì ai cảm thấy mệt mỏi với những bài diễn thuyết dài lê thê, nghiên cứu sau đây của các nhà khoa học Nhật Bản có thể sẽ rất hữu ích. Với tên gọi SpeechJammer, thiết bị này có tác dụng phá bĩnh bài phát biểu của ai đó bằng cách “nhại” lại giọng của chính người đó sau khi tạm dừng khoảng vài trăm mili giây.

Hiệu ứng âm thanh vọng lại mà thiết bị này tạo ra sẽ khiến bất kì nhà diễn thuyết nào cũng phải khó chịu mà dừng bài phát biểu. Đây chính là thiết bị được trao Giải âm thanh trong lễ trao giải Ig-Nobel 2012 vừa diễn ra. Đây là giải thưởng thường niên do tạp chí Biên niên sử những nghiên cứu khó tin trao tặng cho những khám phá khoa học kì quặc và hài hước nhất.

Đây là sản phẩm của các nhà nghiên cứu Kazutaka Kurihara và Koji Tsukada nhằm giúp các nhà diễn thuyết bằng cách cảnh báo cho họ rằng họ đang nói quá nhanh hoặc đã nói quá thời gian được phép.

“Công nghệ này…có thể cũng hữu ích trong việc đảm bảo rằng các nhà diễn thuyết trong một buổi họp sẽ phát biểu trong khung thời gian của mình, tránh ai đó cứ tiếp tục nói lấn cả sang thời gian của người khác”, Kurihara, nhà nghiên cứu của Viện khoa học công nghiệp và công nghệ quốc gia của Nhật chia sẻ. “Việc giành giải Ig Nobel chính là giấc mơ của tôi”.

Một nghiên cứu khác được trao giải cũng kì quặc không kém đó là nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Hà Lan để trả lời câu hỏi: Vì sao khi nghiêng người sang trái tháp Eiffel Tower lại trông có vẻ nhỏ hơn. Hay một nhóm các nhà khoa học đã giành Giải vật lý vì đã giải thích được vì sao bím tóc đuôi ngựa lại nảy lên mỗi khi chủ nhân của nó di chuyển.

Rouslan Krechetnikov, một giáo sư kĩ thuật tại đại học California Santa Barbara cùng với sinh viên của mình là Hans Meyer thì được trao giải vì đã lí giải được vì sao li cà phê lại sóng sánh khi chủ nhân của nó cầm trên tay và di chuyển. Vậy lí do vì sao cà phê lại đổ ra? Câu trả lời là do tốc độ của người đi bộ, sự tập trung của người đó và…tiếng ồn.

Ứng dụng của nghiên cứu này là gì? Bạn có thể thiết kế một li đựng cà phê tốt hơn bằng cách sử dụng cái Krechetnikov gọi là: “những vách ngăn hình khuyên được sắp xếp ở phía trong thành dụng cụ chứa cà phê để triệt tiêu hết sự…sóng sánh”. Dù vậy giải pháp này là hoàn toàn không thể thực hiện được. “Chúng tôi chỉ muốn thỏa mãn trí tò mò và với những kết quả có được, chia sẻ chúng với cộng đồng khoa học”.

Danh sách các nghiên cứu được trao giải Ig-Nobel 2012:

  • Giải tâm lí học: thuộc về Anita Eerland và Rolf Zwaan (Hà Lan) và Tulio Guadalupe (Peru/Nga/Hà Lan) vì đã lí giải được vì sao khi nghiêng về bên trái thì tháp Eiffel trông có vẻ nhỏ hơn.
  • Giải hòa bình: thuộc về SKN Company (Nga) vì đã “biến” được các viên đạn của Nga cũ thành kim cương.
  • Giải âm thanh: thuộc về Kazutaka Kurihara và Koji Tsukada (Nhật) vì đã tạo ra SpeechJammer – một thiết bị “phá bĩnh” bài phát biểu bằng cách khiến người nói nghe chính giọng nói của mình sau một quãng ngắt ngắn.
  • Giải khoa học thần kinh: thuộc về Craig Bennett, Abigail Baird, Michael Miller, và George Wolford (Mỹ) vì đã chứng tỏ rằng các nhà nghiên cứu não bộ với việc sử dụng các trang thiết bị phức tạp và các phương pháp thống kê đơn giản có thể nhìn thấy những hoạt động ý nghĩa của bộ não ở bất kì đâu, ngay cả ở những con cá hồi đã chết.
  • Giải hóa học: thuộc về Johan Pettersson (Thụy Điển/ Rwanada) vì đã giải được câu đó vì sao, ở một vài ngôi nhà tại thị trấn Anderslöv, Thụy Điển tóc người lại đổi thành màu xanh lá cây.
  • Giải văn học: thuộc về Văn phòng trách nhiệm giải trình tổng hợp của chính phủ Mỹ vì đã xuất bản một báo cáo về những báo cáo mà báo cáo về những báo cáo khuyến cáo các bước chuẩn bị cho một báo cáo về các báo cáo về những báo cáo về báo cáo.
  • Giải vật lí: thuộc về Joseph Keller (Mỹ), Raymond Goldstein (Mỹ/Anh), Patrick Warren và Robin Ball (Anh) vì đã tính toán sự cân bằng của các lực tạo nên hình dáng và sự chuyển động ở mái tóc kiểu đuôi ngựa. Ngoài ra giáo sư Keller còn từng được nhận giải thưởng Ig vì những nghiên cứu đối với ấm pha trà không chảy nhỏ giọt năm 1999 nhưng vào thời điểm đó ông lại không được ghi nhận đúng mức.
  • Giải động lực học chất lỏng: thuộc về Rouslan Krechetnikov (Mỹ/Nga/Canada) và Hans Mayer (Mỹ) vì đã nghiên cứu động lực của chất lỏng, để phát hiện chuyện gì xảy ra khi một người vừa đi bộ với vừa bưng li cà phê trên tay.
  • Giải giải phẫu học: thuộc về Frans de Waal (Hà Lan/Mỹ) và Jennifer Pokorny (Mỹ) vì phát hiện ra rằng loài tinh tinh có thể nhận ra một con khác bằng cánh nhìn vào bức ảnh chụp mông của con này.
  • Giải y khoa: thuộc về Emmanuel Ben-Soussan and Michel Antonietti (Pháp) vì đã tư vấn cho các bác sĩ soi ruột kết cách để giảm thiếu khả năng bệnh nhân của mình sẽ...phát nổ.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (1)
Lâm Hằng  43221

Like cái giải văn học:
"Giải văn học: thuộc về Văn phòng trách nhiệm giải trình tổng hợp của chính phủ Mỹ vì đã xuất bản một báo cáo về những báo cáo mà báo cáo về những báo cáo khuyến cáo các bước chuẩn bị cho một báo cáo về các báo cáo về những báo cáo về báo cáo".