Những thắc mắc về thủ tục hành chính cấp phường xã đã có thêm nguồn thông tin đáng tin cậy chỉ từ các cuộc gọi được trợ cước. Ảnh: Thế Phong.

Hôm 20/2, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổ chức Action Aid VN và tập đoàn Markom khai trương cổng thông tin giải đáp thủ tục hành chính qua số điện thoại 1900 1715, với một cơ sở dữ liệu đồ sộ về thủ tục hành chính cấp xã phường.

Thắc mắc về thủ tục hành chính? Hãy bấm điện thoại

Toàn bộ hoạt động của cổng thông tin giải đáp thủ tục hành chính (VAPG) đều thông qua đầu số điện thoại dịch vụ 1900 1715. Khi cần các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính, người dân chỉ cần gọi theo đầu số này, ấn phím tiếp theo theo hướng dẫn để sau đó được trả lời bằng các giải đáp tự động về quy trình thủ tục mà mình yêu cầu, vừa nhanh chóng, vừa đầy đủ.

Nội dung của các thông tin giải đáp tại VAPG do Bộ Nội vụ cung cấp, đảm bảo hoàn toàn về tính tin cậy và chính xác. Ban quản lý cổng thông tin cũng hứa hẹn, cơ sở dữ liệu này luôn được cập nhật kịp thời.

Giải quyết nỗi khổ dân bị cán bộ "hành"?

Theo ông Nguyễn Thành Lưu - đại diện Markom và Ban quản lý VAPG, cổng thông tin này sẽ có tác động tích cực đối với việc chống quan liêu, cửa quyền trong bộ máy hành chính.

Ông Lưu chỉ ra một viễn cảnh: những người dân đi làm thủ tục hành chính tại cấp xã, bị cán bộ địa phương gây khó dễ, có thể rút ngay điện thoại di động, bấm số gọi đến cổng thông tin giải đáp thủ tục hành chính. Tại đây có quy chuẩn về thủ tục hành chính do Bộ Nội vụ đưa ra, nếu người dân thực hiện đầy đủ mà cán bộ vẫn gây khó dễ, người dân sẽ phản hồi thông tin về tiêu cực tại địa phương cho Bộ Nội vụ ngay lập tức bằng điện thoại.

"Tất nhiên VAPG không phải là một nơi giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, người dân có thể gọi đến đây để góp ý, phản hồi thông tin, toàn bộ các file âm thanh do người dân phản hồi qua cổng thông tin này sẽ được lưu tại máy chủ, sau đó được gõ lại dưới dạng file word và chuyển sang cho Bộ Nội vụ. Như thế, hàng tháng Bộ Nội vụ cũng sẽ có những báo cáo rất chi tiết về quan điểm, thái độ của người dân ở các địa phương cụ thể.", một cán bộ khác của Bộ Nội vụ nhận định.

VAPG đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/2/2008, hiện có ba ngôn ngữ chính là tiếng Kinh, Thái và H’mông. Ban quản lý cho biết, sắp tới sẽ cập nhật thêm ngôn ngữ của một số dân tộc khác là Ê Đê, Tày, Nùng, Khơ Me. Tổ chức Action Aid cũng tuyên bố đã làm việc với các mạng di động để có trợ giá cho người dân khi gọi đến 1900 1715, nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin của VAPG hơn.

Trước tiên người dân ở 4 tỉnh thuộc vùng dự án bao gồm: Hà Tĩnh, Hoà Bình, Đắc Lắc và Điện Biên sẽ được tài trợ lắp đặt điện thoại và miễn phí cước gọi dịch vụ. Thông qua số điện thoại 1900 1715 đã được hoà mạng viễn thông quốc gia với cước phí 500 đồng/phút, mọi người dân trên toàn quốc có thể nghe hướng dẫn thủ tục hành chính 24/24 giờ.

Khó khăn còn lại hiện nay, có lẽ là việc phổ biến thông tin về Cổng thông tin VAPG đến với đông đảo người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn và vùng xa, nơi mặt bằng dân trí chưa cao, cũng như hoàn thiện trơn tru bộ máy làm việc tại VAPG, bởi theo ghi nhận thực tế của PV VietNamNet, có thể do vừa mới hoạt động, các điện thoại viên vẫn còn khá lúng túng và mất nhiều thời gian khi giúp đỡ người dân tìm đúng thông tin giải đáp tự động mà họ cần.

(Theo Thế Phong - VNN)



Bình luận

  • TTCN (0)