Không quá lời khi khẳng định, năm 2007 khép lại đầy sóng gió với các mạng CDMA ở Việt Nam. Trong khi còn chưa tạo được đột phá, họ lại tiếp tục lâm vào thế bí liên tiếp nhận được “hung tin”từ thị trường. Đáng kể nhất là sự kiện 3 doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế Viettel, MobiFone, Vinaphone gần đây lại đồng loạt giảm cước từ 15 - 20%. Câu hỏi đặt ra: Liệu các mạng CDMA còn đủ lực trong những cuộc chạy đua sắp tới?

Khó khăn chồng chất

Năm 2007, thực sự là một năm có nhiều điều bất lợi đến với các mạng CDMA. Nhà sản xuất thiết bị đầu cuối Nokia vừa tuyên bố ngừng sản xuất điện thoại sử dụng công nghệ CDMA với lý do thủ tục xin giấy phép bản quyền từ tập đoàn Qualcomm - nhà cung cấp chip độc quyền cho điện thoại này - quá đắt đỏ. Thông tin này cho thấy, vấn đề thiết bị đầu cuối đắt đỏ, khó sử dụng - vốn đang là thách thức lớn nhất trong việc chinh phục khách hàng của các mạng CDMA - càng lúc càng nan giải. Hệ quả, các dịch vụ không phát huy hết ưu thế dẫn tới khả năng cạnh tranh với các mạng GSM cực kỳ thấp và khách hàng sẽ chịu tác động tâm lý không tích cực từ tuyên bố trên.

Song yếu tố quan trọng hơn khiến cả S-Fone, EVN Telecom và HT Mobile đều lâm vào cảnh khó khăn chồng chất chính là những thay đổi về giá cước của các đối thủ GSM và chính sách quản lý cước viễn thông.

Cả 3 doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế Viettel, MobiFone, Vinaphone đồng loạt giảm cước từ 15 - 20%.

Sau khi giảm cước, Viettel dự đoán con số thuê bao sẽ tăng khoảng 20%. Không công bố dự đoán nhưng số lượng thuê bao thu hút mới do giảm giá cước của Vinaphone và MobiFone cũng sẽ xấp xỉ con số của Viettel. Với thị phần có sẵn là 92%, giả sử mỗi mạng tăng trung bình khoảng 15% thuê bao mới, thị phần của 3 mạng GSM sẽ tăng ít nhất lên đến 94-95% chỉ trong năm 2008. Mặc dù vậy, theo thông tin từ các nhà mạng GSM, họ vẫn thấy chưa mấy hài lòng với con số % cước được giảm vừa qua. Bởi, theo để xuất ban đầu, Viettel muốn giảm cước tới 25%. Vinaphone và MobiFone cũng muốn có mức cước ngang bằng Viettel.

Cuối năm 2007, các mạng này đã gần như khấu hao xong để có thể thoải mái giảm cước, cạnh tranh trực tiếp bằng giá. Các chuyên gia dự đoán với quyết định 39/2007/QĐ- TTg cho phép các mạng viễn thông tự quyết định điều chỉnh giá cước, sẽ là chiến lược cạnh tranh chủ yếu của 3 mạng GSM. Nếu không nhanh chóng phản đòn, các mạng CDMA nhiều khả năng sẽ bị “nhấn chìm” trong cơn lốc giảm giá này.

Kháng cự yếu ớt…

Sau hơn một tháng kể từ khi mức cước mới của MobiFone, Vinaphone, Viettel áp dụng, các đối thủ công nghệ CDMA vẫn tỏ ra khá kín tiếng. Chưa một cú “phản đòn” đủ mạnh nào được đưa ra, nếu có cũng lại chưa thu hút như mong đợi.

Có vẻ đủ sức kháng cự hơn cả trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, S-Fone chứng tỏ “sức chiến đấu” với gói cước “1 đồng”. Theo đó, thuê bao trả trước của S-Fone sẽ chỉ phải trả 216 đồng cho 6 giây đầu tiên và 36 đồng cho mỗi giây tiếp theo ở phút gọi thứ nhất (không phân biệt liên lạc nội hay ngoại mạng). Từ phút gọi thứ hai trở đi, thuê bao chỉ trả 1 đồng cho mỗi giây khi liên lạc nội mạng và 36 đồng khi liên lạc ngoại mạng. Với cách tính này, “1 đồng” trở thành gói cước rẻ nhất của S-Fone hiện nay. S-Fone cũng chính thức giảm cước cuộc gọi với các gói cước Economy, Forever và Standard. Cụ thể, gói Economy giảm 20% cước gọi nội mạng, giảm 10,5% gọi ngoại mạng; gói Standard giảm 16,3% gọi nội mạng, giảm 15,1% gọi ngoại mạng; gói Forever giảm 17,5% gọi nội mạng. Tuy nhiên, xem xét kỹ, mức cước này chỉ áp dụng cho một bộ phận khách hàng của S-Fone và chưa cho thấy yếu tố cạnh tranh đủ mạnh của S-Fone trước 3 “đại gia” GSM.

Trả lời phỏng vấn của e-Chip MOBILE xung quanh vấn đề giảm giá, ông Đỗ Văn Quất - Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Trung tâm ĐTDĐ S-Telecom thừa nhận: “Việc giảm giá cước vẫn được xem là một trong các phương thức tốt nhất để thu hút thêm thuê bao mới và giành thêm thị phần”. Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược kinh doanh đã đề ra của mình, tuy nhiên có thể xem xét điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh mới của thị trường”. Nhưng dù điều chỉnh thế nào thì một quan chức khác của S-Fone, ông Hồ Hồng Sơn - Giám đốc điều hành - cũng thừa nhận trên báo chí: S-Fone đã phải thận trọng xem xét đến bài toán cạnh tranh về cước trong tình thế hết sức khó khăn như hiện nay.

Xét trong tình hình chung, S-Fone đã phần nào giữ lại “thể diện” cho các mạng CDMA ở Việt Nam. Bởi cho tới giờ phút này, 2 “người anh em” với S-Fone, HT Mobile và EVN Telecom, hoàn toàn không động tĩnh. Có chăng, chỉ là động thái kéo dài chương trình khuyến mãi.

Vì đâu nên nỗi…?

Phản ứng yếu ớt của các mạng CDMA trước “cơn lốc” giảm cước thực chất rất dễ hiểu.

Nếu trên thế giới, các mạng CDMA từng “ăn nên làm ra” với khoảng 130 triệu thuê bao thì tình hình lại có vẻ trái ngược tại thị trường Việt Nam. S-Fone xuất hiện đã 4 năm nhưng mới chỉ tiến tới gần con số 4 triệu thuê bao. Con số này càng trở nên ít ỏi nếu biết, tại thời điểm xuất hiện ban đầu, S-Fone đã tạo ra cơn sốt thực sự trên thị trường. Nhưng sức nóng đã nguội nhanh và hiện giờ S-Fone đang không có được sự phát triển đúng tiềm năng cũng như hứa hẹn ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu là thiết bị đầu cuối sử dụng các DV GTGT của S-Fone đắt đỏ, khó sử dụng, các dịch vụ hứa hẹn cạnh tranh của S-Fone cũng không phát huy được ưu thế do cơ sở hạ tầng mạng chưa cho phép phát triển rộng rãi. Thêm vào đó, thời gian kinh doanh chưa hết khấu hao dẫn đến tiềm lực tài chính không quá dồi dào để tiếp tục giảm cước nhiều hơn nữa. EVN và HT Mobile cũng không tránh khỏi hạn chế này.

Mặt khác, chiến lược phát triển của các mạng CDMA gặp không ít “vấn đề”. EVN Telecom - mạng viễn thông có nhiều dịch vụ đa dạng và riêng biệt thì luôn luôn vấp phải luật. Một số vụ tranh chấp, khiếu nại giữa EVN và VNPT đã đi đến kết luận: EVN phạm luật như dịch vụ E-phone. Và vì thế, nỗ lực tạo dựng đột phá về dịch vụ có phần thất bại. Một vài dịch vụ được coi là đột phá như E-com thì liền sau đó bị các “đại gia” Viettel, VNPT cạnh tranh dữ dội bằng dịch vụ cùng loại là HomePhone và G-Phone. Đó là chưa kể, hiện tượng sóng bị can nhiễu, các chương trình khuyến mãi chưa đủ rầm rộ hay nói đúng hơn là không thể cạnh tranh với khuyến mãi của MobiFone, Vinaphone hay Viettel.

Nhưng nói tới khuyến mãi, HT Mobile - mạng viễn thông ra đời gần thời điểm với EVN cũng là một tên tuổi không thể bỏ qua. Không cần nói nhiều, ai cũng hiểu rằng, HT Mobile với những gói cước gần như “cho không, biếu không” nếu liên lạc nội mạng đã phần nào làm nên sức hấp dẫn ban đầu của mạng này. Nhưng giá cước gọi ngoại mạng không rẻ là bao, dịch vụ không khác biệt đã làm HT Mobile chững lại. Các chương trình khuyến mãi ồ ạt cũng làm nhà mạng này khốn đốn. Sức phát triển của HT Mobile càng khiến nhiều người đặt câu hỏi khi mạng này chưa bao giờ công bố con số thuê bao chính xác. Nhưng theo nhiều chuyên gia viễn thông dự kiến, số lượng này chỉ khoảng hơn 700.000 thuê bao.

Kết quả, tính tới cuối năm 2007, số thuê bao của cả 3 mạng cộng lại mới chỉ chiếm 8% thị phần. Trong khi 3 mạng GSM chiếm tới 92% thị phần viễn thông Việt Nam. Thậm chí mới đây, thị trường viễn thông Việt Nam đã xôn xao với việc HT Mobile đệ đơn xin chuyển sang công nghệ GSM. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của HT Mobile. Thực tế, từ tháng 9/2007, HT Mobile đã ngưng xây dựng cơ sở hạ tầng. Như vậy, HT Mobile đã là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi: CDMA có cạnh tranh được với GSM tại thời điểm này ở Việt Nam không?.

Tổng hợp tất cả khó khăn ấy, nhiều chuyên gia cho rằng dường như các mạng CDMA giờ đã không còn thích hợp với thời cuộc, trừ phi có một phép nhiệm mầu về công nghệ.

(Theo e-Chip MOBILE)



Bình luận

  • TTCN (0)