Tuy không phải luôn miễn phí sử dụng nhưng phần mềm nguồn mở đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển ngành CNTT, đặc biệt là tại những quốc gia đang phát triển - Ảnh: InfoWorld.

Giải Bossie 2012 vừa được công bố, vinh danh hàng loạt phần mềm nguồn mở hay nhất trong năm, đóng góp tích cực cho cộng đồng người dùng và góp phần phát triển ngành công nghệ thông tin.

Bossie, viết tắt của Best of Open Source Software Awards, là giải thưởng uy tín thường niên của tạp chí InfoWorld tổ chức bầu chọn nhằm vinh danh những dự án nguồn mở được yêu thích nhất, tỉ lệ sử dụng phổ biến nhất và mức độ đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT trên toàn thế giới.

Giải Bossie 2012 có độ phủ rộng hơn, gồm 100 sản phẩm nguồn mở tốt nhất được chia làm bảy nhóm lĩnh vực, bao gồm:

  • Phần mềm ứng dụng
  • Công cụ phát triển
  • Phần mềm Dữ liệu Trung tâm (Data center) và Điện toán đám mây
  • Cơ sở dữ liệu
  • Ứng dụng desktop
  • Phần mềm mạng và Bảo mật
  • Trò chơi và Giải trí: nhóm lĩnh vực mới được bổ sung trong năm nay.

Theo danh sách năm nay, tư tưởng "phần mềm nguồn mở không nhiều đổi mới" đã không còn chính xác. Phần mềm nguồn mở đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ ở nhóm công cụ phát triển mà còn ở nhóm nền tảng điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu.

Một số "anh tài" đáng nể nhận giải Bossie phải kể đến MongoDB thuộc nhóm cơ sở dữ liệu quản lí tài liệu từ 10gen, đã góp mặt hai năm, được sử dụng rộng rãi bao gồm cả những tổ chức lớn như MTV Networks, Disney, trang rao vặt hàng đầu tại Mỹ Craiglist. Cùng nhóm lĩnh vực cơ sở dữ liệu, Couchbase và NoSQL cũng đang "làm mưa làm gió" với khả năng hoạt động linh hoạt và tích hợp dễ dàng, bên cạnh ba đại diện Neo4J, Riak và Redis có cơ chế hoạt động riêng biệt.

Điện toán đám mây (cloud computing) đang góp phần rất quan trọng trong xu hướng phát triển CNTT. Nhóm phần mềm nguồn mở "đám mây" bắt đầu thu hút được giới quản trị xây dựng hạ tầng mạng doanh nghiệp và thậm chí đối với người dùng cá nhân. OpenStack là dự án độc đáo được khởi xướng bởi NASA và Rackspace Hosting với một tầm nhìn lớn, thống nhất quản lí đối với các nguồn tài nguyên trung tâm dữ liệu ảo hóa. Ba cái tên khác trong danh sách gồm CloudStack của Citrix hay Ganeti từ ông lớn Google và Eucalyptus không hề kém cạnh, mang định hướng khác biệt về đối tượng sử dụng, đưa "đám mây" đến cho người dùng với tư duy chủ đạo: "cá nhân hóa đám mây".

Ảnh
Làm việc trên nền tảng "đám mây" là xu hướng then chốt trong tương lai gần và trong đó, phần mềm nguồn mở đóng góp vai trò quan trọng - Ảnh minh họa: Internet

Open vSwitch nghiễm nhiên có mặt trong Bossie 2012, cái tên sát cánh cùng hai giải pháp ảo hóa phổ biến hiện nay gồm vSphere 5 và Hyper-V 2012, cung cấp khả năng chuyển đổi nền tảng ảo hóa với hàng tá chức năng ấn tượng, thậm chí là các chức năng thường gặp trong các thiết bị phần cứng mạng (switch) như NetFlow, sFlow, 802.1ag, LACP, SPAN, RSPAN và QoS. Open vSwitch đóng góp phần quan trọng dẫn đến quyết định chi ra đến 1,26 tỉ USD của hãng VMWare vào tháng 8 năm nay để thâu tóm Nicira, một công ty khởi nghiệp chuyên về giải pháp mạng ảo hóa "đám mây" sở hữu Open vSwitch và OpenFlow.

Mặc dù có trong danh sách Bossies 2011 nhưng Google Chrome đã không có mặt trong danh sách năm nay. Thị phần sử dụng của trình duyệt web này ngày càng tăng, thậm chí có thời điểm dẫn đầu, vượt qua cả Internet Explorer và FireFox.

Không thể không nhắc đến nhóm "Trò chơi và Giải trí khác" mới được đưa vào Bossie 2012. Tại đây, cộng đồng nguồn mở có thể tiếp cận OpenRemote, giúp phát triển bảng điều khiển cảm ứng cho các ngôi nhà điện tử hiện đại, hay trò chơi chiến lược gồm 0 A.D. hoặc phần mềm giả lập Stella, giúp các game thủ mê game cổ dạng Atari 2600 có thể rinh về thưởng thức trên các dòng máy mới hiện đại ngày nay.

Về phía người dùng cuối, nhiều phần mềm nguồn mở vẫn âm thầm giúp sức cho công việc của bạn mỗi ngày từ sự đóng góp miệt mài của cộng đồng phát triển được vinh danh qua Bossie. Những cái tên đã quá quen thuộc như hệ điều hành Ubuntu và Chromnium, các bộ công cụ văn phòng OpenOffice, LibreOffice hay AbiWord, trình duyệt web FireFox, công cụ xử lí ảnh GIMP tương tự Adobe Photoshop hay InkScape tương tự Adobe Illustrator, CamStudio ghi lại màn hình.

Không thể thiếu phần mềm biên tập âm thanh Audacity mạnh mẽ không thua kém gì các phần mềm thương mại như Sony SoundForge và trình media player VLC, công cụ nén/giải nén tập tin 7-Zip.

Theo Nhịp Sống Số (TTO)




Bình luận

  • TTCN (0)