Tính đến hết năm 2007, toàn thị trường điện thoại Việt Nam (bao gồm cố định và di động) có khoảng 46 triệu thuê bao danh nghĩa, trong đó thuê bao di động chiếm 74%. Nokia, Samsung và Motorola vẫn giữ 3 vị trí hàng đầu về máy ĐTDĐ tại Việt Nam. Người Việt Nam cũng đã bỏ ra gần 1 tỷ USD cho việc mua sắm ĐTDĐ trong năm 2007.

Nhen nhóm thương mại di động

Một điều chắc chắn là năm 2008, Việt Nam chỉ còn 2 thay vì 3 nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ sử dụng công nghệ CDMA như năm 2007 bởi HT Mobile đã công bố việc chuyển sang sử dụng công nghệ GSM vào những ngày đầu của năm 2008.

MobiFone và Viettel đang có ý định triển khai 3G ngay trong năm 2008. Dù MobiFone và Vinaphone đều đã công bố thử nghiệm 3G từ nhiều năm qua, nhưng theo quan sát của chúng tôi, có khả năng Viettel sẽ đi trước Vinaphone thậm chí là MobiFone trong vấn đề này. Trong khi đó, được biết, trong năm 2008, S-Fone sẽ tiếp tục đầu tư khai thác những tiện ích trên nền công nghệ CDMA EV-DO 2000 1x theo chuẩn 3G như tin MMS, Mobile-Payment (thanh toán qua ĐTDĐ), Location Service (dịch vụ xác định địa điểm)... Nếu S-Fone triển khai các dịch vụ này, họ sẽ có được những thuận lợi mới trong việc gia tăng số lượng thuê bao. Một thông tin cũng đáng lưu ý là đã có những dự báo cho rằng thuê bao di động Việt Nam đang dần tiến đến ngưỡng bão hòa.

Ngoài việc S-Fone có ý định triển khai Mobile-Payment trong năm 2008, ngân hàng Đông Á cũng đã chính thức công bố dịch vụ Donga Home Bangking, giúp người dùng có tài khoản tại ngân hàng này có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch ngay trên ĐTDĐ với hạn mức lên tới 500 triệu đồng. Ông Thái Nguyễn Hoàng Nhã giám đốc trung tâm điện toán của ngân hàng Đông Á, cho biết: “Trong 2 hình thức giao dịch điện tử mà nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã triển khai là SMS (qua ĐTDĐ) và Internet thì hình thức giao dịch qua SMS rất hạn chế, một trong những nguyên nhân chính là do cú pháp lệnh quá phức tạp, khó nhớ, người dùng lại không tin vào vấn đề bảo mật khi thực hiện các giao dịch với số tiền lớn”. Chính từ những lý do này mà hơn ai hết, nhiều người am hiểu thị trường ĐTDĐ Việt Nam cho rằng nếu không nhanh chóng triển khai 3G thì Việt Nam vẫn là một trong những nước có dịch vụ ĐTDĐ nghèo nàn nhất thế giới.

Có khả năng, số lượng thuê bao di động trong năm 2008 sẽ không tăng mạnh như 2007 bởi các đợt giảm cước lớn sẽ có thể không xảy ra. Chính sách quản lý thuê bao trả trước được triển khai từ năm 2007 của nhà nước cũng sẽ có tác động không nhỏ đến vấn đề này. Chính vì thế, có thể các nhà khai thác sẽ tăng cường khuyến mãi cũng như phát triển thêm nhiều gói cước mang tính đột phá. Điển hình như ngay trong những ngày đầu năm 2008, S-Fone đã công bố việc cho ra đời gói cước 1 đồng; một trong những gói cước chiến lược của S-Fone trong năm 2008. “Với kế hoạch tiếp tục đa dạng hóa các gói cước, chúng tôi hy vọng gói cước này sẽ giúp chúng tôi hoàn thành mục tiêu đạt 5,5 triệu thuê bao trong năm 2008”, ông Hồ Hồng Sơn, giám đốc điều hành của S-Fone đã cho biết.

Không thể không nhắc tới thị trường kinh doanh SIM số đẹp, khi bỗng nhiên sản phẩm này trở thành mặt hàng “béo bở” của giới kinh doanh trong năm 2007. Khá nhiều cửa hàng trước đây kinh doanh điện thoại nay chuyển hướng sang kinh doanh SIM (chủ yếu là SIM số đẹp) và cũng xuất hiện nhiều website cung cấp sản phẩm này vì lợi nhuận khá lớn và nó sẽ tiếp tục là ngành nghề kinh doanh hái ra tiền trong năm 2008.

ĐTDĐ – không có nhiều thay đổi.

Thị trường sản phẩm ĐTDĐ Việt Nam năm 2008, theo chúng tôi, phần lớn vẫn thuộc về Nokia, Samsung, Motorola và Sony Ericsson. Hơi buồn cho Motorola trong năm 2007, số lượng model mới của họ xuất hiện khá hạn chế, nên tuy vẫn là nhãn hiệu thứ 3 tại Việt Nam trong năm 2007 xét về thị phần, nhưng nếu tình hình này không được cải thiện thì năm 2008 rất có thể sẽ không có nhiều tin tốt cho Motorola trên góc độ thị trường. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy việc Sony Ericsson có thể qua mặt được Motorola để nắm vị trí thứ 3 tại thị trường Việt Nam không phải là điều dễ dàng như một số thông tin gần đây đồn đoán. Theo nguồn tin đáng tin cậy từ một công ty nghiên cứu thị trường có uy tín, toàn bộ năm 2007, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng hơn 5 triệu chiếc ĐTDĐ (so với hơn 3,5 triệu chiếc của năm 2006), với giá trị khoảng gần 800 triệu USD (không tính hàng nhập lậu). Và rất có thể số lượng ĐTDĐ tiêu thụ trong năm 2008 cũng chỉ đạt khoảng 5 triệu chiếc bởi như phân tích ở trên, số lượng thuê bao di động khó lòng tăng đột biến như năm 2007.

Các sản phẩm ĐTDĐ được các công ty Việt Nam đặt hàng sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc và các sản phẩm mang thương hiệu Trung Quốc, Thái Lan đã có những cuộc đổ bộ khá rầm rộ trong năm 2007. Nhiều sản phẩm mới thậm chí là có tính năng mới trước các sản phẩm của các nhà sản xuất lớn (tính năng 2 SIM chẳng hạn). WellcoM, iMobile... có những hoạt động cho thấy họ cam kết với thị trường Việt Nam lâu dài. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các sản phẩm nói trên dường như vẫn chỉ nhắm vào phân khúc thị trường phổ thông mà thôi.

Giống như S-Fone và cũng là cách làm của hầu hết các nước phát triển, Viettel đã chính thức tham gia vào thị trường phân phối ĐTDĐ, đồng thời cũng trở thành một trong hai nhà phân phối chính thức ĐTDĐ của Samsung. Xu hướng nhập khẩu ĐTDĐ và bán trực tiếp không thông qua nhà phân phối xuất hiện trong năm 2007 cũng sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2008 và nhiều nhà bán lẻ ĐTDĐ lớn đã tỏ dấu hiệu cho thấy điều đó. Nếu thuận lợi, việc này chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết đại diện của các nhà sản xuất ĐTDĐ lớn tại Việt Nam đều cho biết họ không ủng hộ việc nhập và bán hàng không thông qua nhà phân phối được chỉ định. Tất nhiên, chúng ta đều biết Việt Nam đang phải tuân thủ các cam kết của WTO về việc mở cửa thị trường bán lẻ.

Theo nhiều chuyên gia, cũng như năm 2007, iPhone vẫn tiếp tục là hàng “hot” của dòng smartphone. Không thấy dấu hiệu giảm sút sự hào hứng của khách hàng Việt Nam trước iPhone dù người dùng trong nước chỉ có thể dùng sản phẩm này ở dạng “bẻ khoá” nên không tận dụng hết tính năng của sản phẩm. Hy vọng về một nhà phân phối chính thức iPhone trong năm 2008 cũng có thể không thành hiện thực, bởi chưa có dấu hiệu nào từ phía Apple về việc này.

Xu hướng quay trở lại với các model ĐTDĐ đơn giản, với 1 vài chức năng truyền thông di động cơ bản (basic phone) của những năm 1990 có khả năng sẽ “bùng nổ” trong năm nay. Tuy nhiên, cũng giống xu hướng chơi xe máy cổ, nhóm người ưa thích ĐTDĐ có tính năng cơ bản sẽ không đáng kể so với tổng thể thị trường trong năm 2008.

Theo nhiều dự báo, các tính năng sau sẽ được đẩy mạnh hơn và sẽ trở thành cơ bản trong ĐTDĐ năm 2008: Bluetooth 2.0 với A2DP, màn hình 16 triệu màu, USB mini, máy ảnh 3,2 megapixel, thẻ nhớ mở rộng, nhạc số, radio FM, e-mail; các tính năng như 2 SIM, GPS, WLAN, 3G, và các ứng dụng web... sẽ bùng nổ trong năm 2008 trên ĐTDĐ.

Trong khi đó, phía công nghệ CDMA, S-Fone đã tỏ những dấu hiệu cho thấy quyết tâm để có được vị thế tốt hơn trong “làng” di động Việt Nam khi hứa hẹn sẽ tung ra nhiều mẫu mã điện thoại ở tất các dòng cao cấp, trung cấp, phổ thông để người tiêu dùng ngày càng có nhiều chọn lựa hơn.

(Theo TGVT)



Bình luận

  • TTCN (0)