Ông Hoàng Ngọc Diệp.

Đó là khẳng định của ông Hoàng Ngọc Diệp, Giám đốc cao cấp kiêm Trưởng đại diện Qualcomm - nhà cung ứng các giải pháp công nghệ CDMA - tại Việt Nam.

Thưa ông, sự kiện HT Mobile chuyển đổi công nghệ từ CDMA sang GSM, không ít người đã cho rằng “đã hết thời công nghệ CDMA”. Với tư cách là đại diện Tập đoàn Qualcomm, ông có thể bình luận gì về nhận định này?

CDMA không chết! Tôi có thể khẳng định điều này với các bạn.

Việc HT Mobile chuyển đổi công nghệ, đó là quyền của họ. Chúng tôi đã từng dự báo trước bước đi này của HT Mobile.

Bởi họ đã đầu tư quá ít cho mạng lưới, không chuẩn bị để có những khác biệt so với các đối thủ đi trước, thay vì cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ khác biệt và phân khúc thị trường chưa được các đối thủ để ý tới, nhất là đi sai về công nghệ: sử dụng ngay công nghệ cao trong khi có quá ít dịch vụ giá trị gia tăng và thiết bị đầu cuối chất lượng cao. Trong khi thế mạnh của CDMA là các dịch vụ giá trị gia tăng.

Riêng tại Việt Nam, ngoài HT Mobile (mới chỉ phát triển được dưới 100.000 thuê bao) “chia tay” CDMA, thì hiện vẫn còn có các nhà cung cấp dịch vụ di động đang sử dụng công nghệ CDMA khác là S-Fone và EVN Telecom với số thuê bao tính đến hết năm 2007 đạt hơn 6 triệu.

Các dịch vụ 3G hỗ trợ EV-DO, truy cập Internet, nghe nhạc, xem truyền hình trực tuyến, thông tin WAP... đang được giới thiệu và người sử dụng bắt đầu quan tâm.

Lãnh đạo của hai công ty này cho biết việc mở rộng phủ sóng sang các địa bàn khác trong cả nước không còn là vấn đề lớn, mà họ đang tích cực đầu tư chiều sâu về công nghệ và dịch vụ để thu hút số thuê bao nhiều hơn trong năm 2008 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, S-Fone đã đề ra mục tiêu năm 2008 sẽ tăng số thuê bao trả sau từ 2,5 triệu lên 5,5 triệu, số thuê bao Mobile Internet sẽ đạt con số 20.000; và EVN Telecom năm 2008 cũng tăng thêm 1,7 triệu thuê bao mới để nâng tổng số thuê bao lên đạt 4,4 triệu thuê bao.

Với mức độ gia tăng này, có thể nói là gấp bội so với các mạng GSM trong cùng thời gian.

Đó là tại Việt Nam, còn tại các nước khác tình hình có lạc quan như thế không, thưa ông?

Trên thế giới hiện đang có trên 250 mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ CDMA, tại 99 quốc gia với hơn 400 triệu thuê bao, trong đó châu Á chiếm đến hơn 50%; và vẫn đang phát triển tốt.

Tại Trung Quốc, China Union vừa mới ký hợp đồng đặt 15 triệu máy điện thoại di động CDMA. Tại Ấn Độ hiện có 2/6 nhà khai thác điện thoại di động sử dụng CDMA với số thuê bao lên tới 54 triệu.

Cũng tại Ấn Độ, có một mạng GSM đang đầu tư 500 triệu USD để phát triển thêm mạng CDMA. Indonesia có 6/11 nhà khai thác điện thoại di động dùng công nghệ CDMA.

Giá thiết bị đầu cuối CDMA tại nhiều nước nhìn chung là thấp hơn so với thiết bị đầu cuối GSM. Máy điện thoại di động sử dụng CDMA ở Indonesia là thấp nhất, hiện chỉ vào khoảng 19-20 USD/chiếc.

Thực tế đã có nhà cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ CDMA tại Việt Nam tỏ ý lo ngại về sự nghèo nàn về kiểu mẫu, và giá mua thiết bị đầu cuối trên thị trường hiện nay. Qualcomm có thể có hướng giải quyết thế nào?

Thiết bị CDMA, cũng như các thiết bị đầu cuối 3G khác, có những tính năng khác hơn là thế hệ 2G, vì vậy cách quản lý và phân phối có khác với 2G, nếu có chuẩn bị kế hoach tốt thì ngay cả các mạng CDMA 1x nhỏ, như tại Indonesia, cũng đã làm các đối thủ khó khăn vì mẫu mã, chất lượng và giá cả tốt hơn các máy của GSM.

Chúng tôi được biết, trong năm 2007 vừa qua, riêng S-Fone đã trợ giá và nhập về Việt Nam được khoảng 30 kiểu mẫu điện thoại di động CDMA, trong khi 5 nhà sản xuất điện thoại di động GSM đã tung ra đến gần 300 mẫu.

Về số lượng kiểu mẫu và giá cả thiết bị đầu cuối, trong thời gian tới Qualcomm sẽ sát cánh hỗ trợ các nhà khai thác mạng CDMA. Song song, chúng tôi cũng sẽ hợp tác để đưa thêm nhiều ứng dụng mới cho người tiêu dùng.

Năm 2008, Qualcommm sẽ đưa ra chip CDMA tích hợp cả hai tần số 450 và 800 MHz, để những sản phẩm có chip này có thể sử dụng được cho cả 2 mạng S-Fone và EVN Telecom.

(Theo Thủy Nhi - VnEconomy)



Bình luận

  • TTCN (5)
Nemo Nguyen  21665

So sánh về kỹ thuật và giá cả các dịch vụ dữ liệu thì mạng theo "CDMA" có ưu thế hơn mạng GSM/UMTS.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ phải nhìn tương lai... do mạng 3,5G hay 4G phát triển từ mạng CDMA không có ưu thế (tốc độ triển khai sự ủng hộ của giới công nghiệp) bằng mạng phát triển từ GMS/UMTS.

Về thiết bị đầu cuối, CDMA rõ ràng là thiếu đang dạng và ko có các thiết bị cao cấp như GSM (do CDMA ko được các tập đoàn sản xuất thiết bị lớn của Châu Âu ủng hộ).

1 chuẩn mạng cho dù có ưu điểm trong quá khứ, nhưng lại không được sự ủng hộ của các đại gia trong lĩnh vực Telecom... thì cũng đến ngày tàn mà thôi (đó là lý do nhiều hãng cung cấp dịch vụ CDMA chuyển sang công nghệ 3,5G, 4G của hệ thống GSM mà không dùng 4G của CDMA).

Quang Minh  4205

Với tư cách là trưởng đại diện Qualcomm tại Việt Nam thì thử hỏi bác ấy phải trả lời sao? Chả lẽ lại bảo nó (CDMA) sẽ sống lay lắt à? Mà biết đâu bác ấy ám chỉ vậy nhỉ (sống lay lắt đâu có nghĩa là chết. Vẫn đúng đấy chứ):D

Xu hướng GSM (và thế hệ sau của GSM) là rõ ràng rồi [url]article/3506[/url].

Còn bác ấy lấy dẫn chứng này để nói rằng CDMA không chết thì cũng... bó tay.

"...Cụ thể, S-Fone đã đề ra mục tiêu năm 2008 sẽ tăng số thuê bao trả sau từ 2,5 triệu lên 5,5 triệu, số thuê bao Mobile Internet sẽ đạt con số 20.000; và EVN Telecom năm 2008 cũng tăng thêm 1,7 triệu thuê bao mới để nâng tổng số thuê bao lên đạt 4,4 triệu thuê bao.

Với mức độ gia tăng này, có thể nói là [b]gấp bội so với các mạng GSM trong cùng thời gian[/b]..."

Nemo Nguyen  21665

Nếu đứng trên phương diện quản lý và phát triển mà nói...thì CDMA chết vì quá đóng cửa, "không biết toàn cầu hóa", không biết rộng cửa cho nhiều tập đoàn cùng phát triển.... hay nói nặng thì là do Qualcomm quá độc quyền phát triển CDMA(giữ quá nhiều license của hệ thống CDMA).

Phạm Lê Minh Định  5533

Chết do Qualcomm

CDMA chết là do Qualcomm quá độc quyền chứ đừng nói vì sao không được ai ủng hộ. Ngay sau khi có bài này, dựa trên bài viết của TTCN, PLMĐ đã viết bài so sánh chi li vì sao nó chết nhưng chẳng báo nào đăng vì Qualcomm đã mua báo chí rồi. Ngay cả tờ nhở tới tờ lớn. May sao, cuối cùng cũng có tờ dùng nhưng nó là tờ quá bé nhỏ. Chịu thôi.

Trần Bình

Đúng là ếch ngồi đáy giếng

Qualcomm thì cứ ngỡ mình đang sở hữu cái công nghệ "xịn" nên đã bán chíp giá khá cao, khiến cho các đại gia sản xuất thiết bị đầu cuối "không dám" ngó ngàn tới. Chỉ để miếng mồi "ngon" này cho mấy ông "lom com" (made in China) tha hồ sản xuất đồ "chuối" ban tặng khách hàng.
Đã vậy, Các doanh nghiệp Việt Nam lại tiếp tay cho bọn xấu, nhập về mấy cái rác rưởi để "lừa đảo" khách hàng..với giá rẽ, cuối cùng dân nghèo cũng bị lừa thôi, chứ con nhà giàu ai lại dùng "chuối" dựa trên công nghệ CDMA, trừ trường hợp bất khả kháng..
Cộng với việc ông đại gia EVN, kinh doanh theo lối độc quyền, hách dịch,..(các anh cứ ghé thử một điểm giao dịch ở bất kỳ chi nhánh điện nào thì cũng thấy ngay)..mà cứ đi bán cái mình có chứ không phải bán cái khách hàng cần..phương thức, dịch vụ thì lại nghèo nàn,..để rồi ép khách hàng vào đường cùng.
Cuối cùng, người dùng đành khóc hận và nếu có quá tức giận thì chỉ dám đứng trước cửa hàng EVN mà tố lên một câu (tui sẽ thưa các anh, và dọa sẽ đem chuyện này lên báo,..) rồi bỏ đi một mạch.. để tìm đến cái dịch vụ chăm sóc khách hàng sướng hơn như Vina, Mobi, Vietel (sử dụng công nghệ GSM)