Android chính là động thái đầu tiên mà gã khổng lồ Google tung vào địa hạt hệ điều hành dành cho các thiết bị cầm tay. Ở chủ đề này chúng ta sẽ không đề cập đến việc liệu Android có thành công chiếm được cảm tình của người dùng hay không? Mà chúng ta sẽ cùng nhau mổ xẻ xem bên dưới cái mác Android là những thành phần gì

Bên trong Android

Bỏ qua cái mai bên ngoài của Android, đào sâu vào tận xương tủy và bạn sẽ tìm thấy một nhân Linux. Các thư viện là lớp nằm trên nhân, tiếp đó là các framework và lớp trên đỉnh chính là những ứng dụng. Lớp thư viện chính là ngôi nhà để thực hiện các đoạn mã cho các thực thể như bộ xử lý đa phương tiện dùng để xem/ghi lại âm thanh và hình ảnh, nhân của trình duyệt Web, tiến trình biên dịch kiểu chữ, và bộ máy cơ sở dữ liệu SQLite. Phần runtime của Android cũng trú ngụ tại lớp thư viện.

Nằm trên thư viện chính là các framework, đó là tập hợp các dịch vụ có thể dùng lại được và những thành phần chung phục vụ cho các ứng dụng. Ví dụ, một loại framework là thành phần cung cấp nội dung cho bất kỳ dịch vụ nào có liên quan đến việc lưu trữ và truy xuất dữ liệu. Giao diện ứng dụng trong SQLite chính là một thí dụ cụ thể về phần cung cấp nội dung này.

Các ứng dụng chạy ở lớp trên cùng của hệ điều hành với một bộ các nhân ứng dụng bao gồm thư điện tử, lịch làm việc, trình duyệt web... Khi nhà phát triển viết một ứng dụng dành cho Android, anh ta thực hiện các đoạn mã trong môi trường Java. Sau đó, nó sẽ được biên dịch sang các bytecode của Java, tuy nhiên để thực thi được ứng dụng này trên Android thì nhà phát triển phải thực thi một công cụ có tên là dx. Đây là công cụ dùng để chuyển đổi bytecode sang một dạng gọi là dex bytecode. "Dex" là từ viết tắt của "Dalvik executable" đóng vai trò như cơ chế ảo thực thi các ứng dụng Android.

Từ góc nhìn của một nhà phát triển, Dalvik trông giống như máy ảo Java (Java Virtual Machine) nhưng như đã đề cập ở trên Dalvik thực thi dex bytecode chứ không phải Java bytecode. Hơn thế nữa giữ chúng tồn tại những điểm khác nhau về class file.

Android SDK

Phiên bản châu âu của Eclipse là nền tảng phát triển các ứng dụng đuợc ưu tiên hơn. Ngoài ra, bạn cần cài đặt ít nhất một bộ JDK 5 hoặc JDK 6 để có thể sử dụng các công cụ của Android. Những hướng dẫn trên trang Android sẽ giúp bạn thực hiện thao tác cài đặt các plug-in công cụ phát triển vào Eclipse và kiểm tra lại tính chính xác bằng cách hướng dẫn bạn tạo và thực thi ứng dụng "hello world".

Tuy vậy, bạn sẽ không hề bị ràng buộc với Eclipse như một hệ thống dùng để phát triển Android. Bên cạnh đó, Android SDK cung cấp các công cụ cho phép bạn sử dụng các môi trường phát triển tích hợp (IDE) khác. Ví dụ, IntelliJ được đề cập chi tiết trong tài liệu mô tả của Android.

Những nhà phát triển khó tính sẽ cảm thấy thoải mái khi làm việc với bộ sưu tập các công cụ dòng lệnh đi kèm SDK. Chẳng hạn, công cụ activityCreator -- được cung cấp như là một tập tin dạng bó dành cho Windows và đóng vai trò như một script Python cho người dùng Mac và Linux -- sẽ xây dựng bộ khung cho các ứng dụng của Android. Việc thực thi activityCreator sẽ dựng nên các tập tin Java nòng cốt, từ đó sẽ tạo ra những thư mục con và các tập tin XML cần thiết. Công cụ này cũng hình thành một tập tin Ant dùng cho việc biên dịch mã nguồn và tạo lập ứng dụng.

Những công cụ dòng lệnh khác trong SDK bao gồm logcat - dùng để xuất các thông điệp ghi nhận tình trạng hệ thống. Logcat rất hữu dụng trong việc ghi nhận thời điểm xảy ra lỗi. Nếu bạn cần phân tích các lỗi một cách sâu hơn, bạn có thể dẫn nhập một class Debug đặc biệt vào ứng dụng. Class này sẽ cung cấp các cách thức để bắt đầu và dừng việc tìm kiếm dấu vết. Khi ở trạng thái hoạt động, Debug sẽ ghi nhận các sự kiện thành một tập tin, mà sau đó có thể được kiểm tra bằng ứng dụng TraceView.

Cuối cùng là bộ mô phỏng Android, khi được khởi động nó sẽ hiển thị toàn bộ giao diện bao gồm cả các nút bấm và bàn phím QWERTY. Nó có thể hoạt động tốt tương tự như thiết bị thật dù cho các một vài giới hạn (ví dụ như không nhận được cuộc gọi đến). Bộ mô phỏng Android chạy một phiên bản đã được sửa đổi của môi trường giả lập mã nguồn mở thuộc Fabrice Bellard, có tên là QEMU. Phiên bản này giả lập một vi xử lý ARM và thực thi hệ điều hành Linux.

Làm việc với Eclipse

Plug-in Eclipse được cài đặt để xây dựng một ứng dụng Android cũng giống như khi tạo ra các ứng dụng khác. Plug-in thêm dự án Android Activity vào cấu trúc mẫu của Eclipse. Khởi động một dự án mới và plug-in sẽ xây dựng các tập tin Java nền tảng, tạo ra những thư mục cần thiết và những tập tin nguồn nòng cốt.

Plug-in Eclipse quản lý các tiến trình biên dịch, chuyển đổi sang dex, mở bộ mô phỏng, và tải về. Bởi vì việc viết mã Android cũng chính là viết mã Java, nên nhà phát triển có thể vận hành như thể đang xây dựng một ứng dụng Java thông thường. Các tập tin nguồn được viết bằng XML cũng dễ dàng được quản lý bởi trình biên tập XML có sẵn trong Eclipse.

Thật không may rằng, Android giới thiệu một đặc điểm hoàn toàn mới khiến các nhà phát triển phải ghi nhớ đó chính là Activity. Với Activity, bạn có thể xác định một hay nhiều góc nhìn. Một góc nhìn tương đương với một khu vực trên màn hình và quản lý những thao tác diễn ra trên khu vực đó.

Trên đây là một vài đặc điểm đáng lưu ý bên trong Android mà chúng tôi muốn trình bày với bạn. Chắc chắn Android sẽ còn những sự bổ sung khác trong tương lai. Hãy cùng chờ xem liệu hệ điều hành này có thu được thành công như sự mong đợi của gã khổng lồ Google hay không.

Vĩnh Duy (Theo PCWorld)



Bình luận

  • TTCN (0)