Ảnh: ECT.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Liên minh châu Âu với tập đoàn Microsoft đã gần đi đến hồi kết, khi ngày hôm qua, Ủy ban châu Âu đề nghị mức phạt kỷ lục dành cho gã khổng lồ phần mềm vì tội "không chịu tuân thủ phán quyết năm 2004".

Theo đó, số tiền mà Microsoft có thể phải nộp sẽ tăng gấp đôi so với án phạt ban đầu.

Hiện phía Microsoft chưa quyết định có kháng án đối với mức tiền phạt mới hay không. Tổng cộng, kể từ năm 2004 trở lại đây, hãng đã bị các nhà làm luật châu Âu phạt tới gần 2,4 tỷ USD.

Đây quả là con số "đáng kể" nếu nhớ rằng lợi nhuận cả năm 2007 của Microsoft chỉ có 14,07 tỷ USD mà thôi.

Sự nhượng bộ muộn màng

Mọi chuyện bắt đầu từ đơn kiện năm 1998 của Sun Microsystems. Theo lời cáo buộc của Sun, Microsoft đã từ chối cung cấp những thông tin mà các máy chủ bên ngoài cần có để vận hành trơn tru trên nền tảng Windows. Nếu có tiết lộ, hãng cũng bắt doanh nghiệp phải xì ra khoản tiền "bản quyền" cắt cổ.

Khi sự việc trở nên ầm ĩ, Microsoft cũng đã nhượng bộ bằng cách công bố thông tin một cách nhỏ giọt. Mặc dù vậy, quan điểm của EU cho đến tháng 10 năm ngoái vẫn là Microsoft đã "tính giá quá bất hợp lý".

Tuần trước, Microsoft đã có một động thái biến chuyển tích cực khi tuyên bố sẽ công khai những thông tin "trọng yếu" của các phần mềm quan trọng như Windows, Office, cho phép các chương trình bên ngoài tương tác và liên thông tốt hơn với sản phẩm của hãng.

Đại diện Microsoft cho biết hãng sẽ công bố hơn 30.000 trang tài liệu Windows mà trước đây, doanh nghiệp chỉ có được sau khi trả tiền mua "bí mật thương mại" mà thôi. Hãng cũng cam kết sẽ bán giấy phép công nghệ với giá thấp và "không có sự phân biệt hay kỳ thị nào hết".

Một dấu hiệu nữa cho thấy sự mềm mỏng của Microsoft là việc hãng này tuyên bố sẽ "tuân thủ mọi yêu cầu của Ủy ban châu Âu", dù cho thái độ của tổ chức này dành cho gã khổng lồ phần mềm vẫn hết sức hà khắc và đầy sự hoài nghi.

Quan chức phụ trách các vấn đề cạnh tranh Neelie Kroes của EU nhận định Microsoft "có vẻ cuối cùng cũng đã khuất phục, nhưng chưa chắc đã thoát khỏi mọi rắc rối bởi tháng trước, EU vừa mở cuộc điều tra mới nhằm vào gói phần mềm Office và trình duyệt Internet Explorer".

Bà Kroes cũng tỏ ra cứng rắn khi kết luận "việc Microsoft mở cửa phần mềm quan trọng không đồng nghĩa với việc hãng đã thay đổi hành vi kinh doanh trên thực tế".

"Lời nói chẳng mất tiền mua, nhưng làm theo những lời đã hứa mới là việc khó", bà nói.

Dằng dai

Ảnh
Không chịu tuân thủ phán quyết của EU trong suốt 3 năm, án phạt dành cho Microsoft đã tăng gấp đôi. Ảnh: AP.

Án phạt 1,35 tỷ USD được đưa ra giữa lúc thương vụ mua lại Yahoo của Microsoft vẫn chưa ngã ngũ.

Nhưng theo nhà phân tích Matt Rosoff của Directions on Microsoft, nó sẽ không "ảnh hưởng nhiều" đến kế hoạch thâu tóm của hãng.

Năm 2004, mức phạt ban đầu mà EU áp dụng cho Microsoft chỉ dừng lại ở con số 613 triệu USD, dù cho đấy cũng là một con số kỷ lục trong lịch sử Ủy ban châu Âu.

Tuy nhiên, Microsoft đã không cam tâm chịu trận mà liên tiếp kháng án nhiều lần, khiến cho vụ việc kéo dài đến tận tháng 10 năm ngoái.

Đến tháng 7/2006, EU tuyên bố sẽ phạt thêm Microsoft 357 triệu USD vì tội "không chịu tuân theo phán quyết".

Kết quả cuối cùng thì ai cũng đã biết: Tòa án Sơ thẩm châu Âu tại Brussels, Bỉ đã đứng về phía EU và tuyên bố Microsoft có hành vi chèn ép đối thủ, chống cạnh tranh khi đính kèm phần mềm Windows Media Player với hệ điều hành Windows.

Sau thất bại pháp đình này, Microsoft mới nhụt chí, từ bỏ ý định tiếp tục kháng án lên Tòa án Tối cao châu Âu.

Ảnh
Bà Kroes: Phạt thế là hợp lý rồi! Ảnh: AP.

Khoản 1,35 tỷ USD tiền phạt sẽ được nộp vào ngân sách dùng để trợ giá nông nghiệp và hỗ trợ nghiên cứu khoa học của EU.

Đây là mức phạt "hợp lý", sau những hành động cản trở sáng tạo, ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng máy tính văn phòng trên toàn thế giới của Microsoft, bà Kroes bình luận.

Theo thông báo của Microsoft hôm 23/2 vừa qua, hãng sẽ "mở cửa" và cung cấp thông tin tối mật về Vista, Windows Server 2008, SQL Server 2008, Office 2007, Exchange Server 2007 và Office SharePoint Server 2007, cùng với những "phiên bản tương lai của các phần mềm này".

Chưa hết, vài ngàn trang tài liệu khác về giao thức phần mềm cũng sẽ được đăng tải trên website chính thức của hãng trong vài tuần tới. Trước đây, muốn tiếp cận các thông tin trên, doanh nghiệp phải trả tới 3,87% doanh thu sản phẩm bán được.

Tháng 3 năm ngoái, EU phàn nàn rằng tỷ lệ "chặt chém" kia quá bất công. Lo sợ bị phạt tiếp, đến tháng 5, Microsoft "giảm giá" 0,7% nhưng chỉ áp dụng cho thị trường châu Âu. Mức tiền bản quyền áp dụng cho các khu vực khác vẫn không thay đổi.

Theo Trọng Cầm - VNN



Bình luận

  • TTCN (0)