Hiện đã đến thời điểm các cơ quan quản lí Nhà nước phải xem xét việc tái cơ cấu hai mạng di động của VNPT là MobiFone và VinaPhone. Bộ TT&TT sẽ thẩm định và quyết định việc này trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Sẽ quản chặt thị trường viễn thông để chống độc quyền

Phát biểu tại Hội nghị Mobile Vietnam 2012 mới đây, bà Trần Nhật Lệ, Phó Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, tính đến hết năm 2011, Việt Nam có 161 triệu thuê bao di động cả 2G và 3G. Đây là số lượng thuê bao được tính trên cơ sở có phát sinh lưu lượng. Và như vậy, Việt Nam có mật độ điện thoại 181 thuê bao/100 dân.

Cuối tháng 3/2012, EVN Telecom đã phải sáp nhập vào Viettel và thị trường di động đang bao gồm 6 nhà khai thác, trong đó có 3 mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Hiện thị trường di động đã cạnh tranh rất mạnh và cần thiết phải quản lí tốt để phát triển bền vững. Bà Trần Nhật Lệ cho biết, việc quản lí thị trường viễn thông sẽ dựa chủ yếu vào 2 luật là Luật Cạnh tranh và Luật Viễn thông. Đối với hành vi phi cạnh tranh, có hai loại là hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi hạn chế cạnh tranh thì Luật Cạnh tranh chia thành các nhóm sau: Thứ nhất là tham gia các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thứ hai là lợi dụng vị trí độc quyền hoặc vị trí thống lĩnh thị trường; thứ ba là hành vi mua bán, sáp nhập các công ty tập trung kinh tế. Đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gồm các hoạt động như đưa ra các chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, quảng cáo khuyến mãi nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Bà Trần Nhật Lệ cho rằng, trên thị trường di động, hành vi cạnh tranh không lành mạnh phổ biến nhất là lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường, thứ hai là tập trung kinh tế, thứ ba là khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Riêng về hình thức tập trung kinh tế gồm sáp nhập các nhà cung cấp dịch vụ, thứ hai là hợp nhất các nhà cung cấp dịch vụ, thứ ba là mua bán các nhà cung cấp dịch vụ và thứ tư là liên doanh các nhà cung cấp dịch vụ. 4 hình thức này chịu sự quản lí chủ yếu bởi Luật Cạnh tranh. Trong đó có quy định, sau khi tập trung kinh tế mà doanh nghiệp có thị phần dưới 30% thì không phải thực hiện các hình thức như thông báo hay không phải xin phép. Nhưng doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế có thị phần từ 30 đến 50% thì sẽ phải thực hiện chính sách quản lí bằng cách thông báo cho cơ quan quản lí là Cục Quản lí cạnh tranh và Cục Viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế và cơ quan này sẽ có văn bản trả lời chậm nhất sau 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp sau khi tập trung kinh tế có thị phần trên 50% thì đây là hành vi bị cấm trong Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, sẽ không vi phạm Luật Cạnh tranh nếu sau khi tập trung kinh tế doanh nghiệp vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc những bên tham gia tập trung kinh tế đang rơi vào tình trạng phá sản. Một trường hợp loại trừ nữa là sau khi tập trung kinh tế mà doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ sẽ không xếp vào trường hợp vi phạm Luật Cạnh tranh, nhưng doanh nghiệp phải báo cáo, nộp hồ sơ để cơ quan quản lí cho hưởng quyền miễn trừ. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải nộp hồ sơ lên Bộ Công Thương và Bộ này sẽ nghiên cứu trả lời trong vòng 60 – 180 ngày, tùy thuộc vào tính chất phức tạp của vụ việc. Trong quá trình này, “Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để xem xét. Quyết định cuối cùng cho phép doanh nghiệp tập trung kinh tế hay không chỉ được đưa ra khi có văn bản chính thức đồng ý của Bộ TT&TT”, bà Trần Nhật Lệ nói.

Chờ quyết định của Bộ TT&TT

Hiện đã đến thời điểm các cơ quan quản lí phải xem xét đến việc tái cơ cấu hai mạng di động của VNPT là MobiFone, VinaPhone. Một câu hỏi đặt ra là VNPT có nằm trong diện được miễn trừ nếu muốn sáp nhập VinaPhone và MobiFone hay không? Căn cứ trên tình hình thực tế hiện nay thì VNPT không nằm trong đối tượng được miễn trừ bởi đây là hai doanh nghiệp không nằm trong diện bị phá sản, việc sáp nhập cũng không phải có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kĩ thuật, không có yếu tố thúc đẩy sự phát triển công nghệ. Một yếu tố nữa được nhiều người xem là “điểm mờ” để VNPT có thể “lách” nếu công bố có thị phần tính trên thuê bao không đạt 50% nếu cho sáp nhập hai mạng của mình. Thế nhưng, mới đây Cục Quản lí cạnh tranh cũng đã khẳng định là thị phần được tính cho việc tập trung kinh tế là doanh thu chứ không phải là thuê bao. Hiện hai mạng MobiFone và VinaPhone đang có doanh thu bình quân trên một thuê bao cao hơn Viettel. Như vậy, việc sáp nhập hai mạng VinaPhone và MobiFone chắc chắn vi phạm Luật Cạnh tranh và không nằm trong đối tượng được hưởng các tình huống miễn trừ khi tập trung kinh tế.

Việc tái cơ cấu hai mạng di động của VNPT ra sao sẽ phải do Bộ TT&TT và Bộ Công Thương xem xét quyết định và trình Chính phủ.

Nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại thị trường viễn thông sẽ quay lại độc quyền nếu sáp nhập VinaPhone và MobiFone. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị Mobile Vietnam vừa qua, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, chính sách quản lí thị trường viễn thông là duy trì áp lực cạnh tranh trên thị trường. Ông Hải còn cho biết, theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Vì vậy, đối với mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh. Việc tạo ra thị trường cạnh tranh đối với dịch vụ di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế sẽ thông qua các chính sách cấp phép, kết nối, kiểm soát bình ổn thị trường và quy hoạch tài nguyên phù hợp.

Cục Viễn thông cho biết, doanh nghiệp được xếp vào loại thống lĩnh thị trường khi có thị phần chiếm trên 50% ở dịch vụ liên quan. Nhóm doanh nghiệp bị xếp vào loại thống lĩnh thị trường khi mà 2 doanh nghiệp có thị phần kết hợp từ 50% trở lên, hay khi 3 doanh nghiệp có thị phần kết hợp từ 65% trở lên. Và với trường hợp 4 doanh nghiệp có thị phần kết hợp từ 75% trở lên cũng bị xếp vào nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Luật Cạnh tranh cũng cấm doanh nghiệp và nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường có các hành vi bán dưới giá thành, hạn chế sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp mới, ấn định giá khác nhau cho các đối tác khác nhau. Ngoài ra, Luật Viễn thông còn quy định đối với doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường không được bù chéo dịch vụ để cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng thông tin lấy được của doanh nghiệp khác để cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp khác khi cung cấp dịch vụ, không cung cấp kịp thời các điều kiện kĩ thuật để các doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ.

Cũng theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện và ban hành Thông tư ban hành danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng.

Theo dự thảo Thông tư này, VNPT là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường duy nhất đối với dịch vụ điện thoại đường dài trong nước, cũng như đối với dịch vụ kênh thuê riêng nội hạt và dịch vụ kênh thuê riêng đường dài trong nước. Đây là những dịch vụ viễn thông quan trọng, phổ cập và do đó Bộ TT&TT sẽ phải quản VNPT bằng hình thức bắt buộc phải đăng kí giá cước hoặc thông báo giá cước.

Đối với dịch vụ điện thoại quốc tế, Bộ TT&TT xác định ngoài VNPT thì Viettel cũng sẽ nằm trong danh sách nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường. Và hai doanh nghiệp cũng sẽ bị quản chặt bằng hình thức bắt buộc phải đăng kí giá cước dịch vụ này.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)