Đại diện Sở TT&TT Thái Bình cho biết, tỉnh có khoảng 50 trạm BTS bị đổ gãy, tê liệt; hàng trăm cột bị hư hại., trong đó nặng nề nhất là huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Ảnh: VnExpress.

Trong khi các doanh nghiệp viễn thông phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh) thì thiệt hại của các doanh nghiệp bưu chính có phần nhẹ nhàng hơn.

DN viễn thông tại Thái Bình thiệt hại 70 tỉ đồng

Đại diện Viettel cho biết, ngay từ đêm 28/10, Ban Phòng chống thiên tai (từ cấp Tập đoàn, Công ty đến cấp chi nhánh, tỉnh thành phố) đã trực chiến ở điểm cầu tại các chi nhánh tỉnh. Lực lượng ứng cứu địa phương (gồm lực lượng tại chi nhánh tỉnh, trung tâm huyện) đã lập tức vào cuộc khắc phục thiệt hại tại những điểm bị ảnh hưởng của bão. Lực lượng ứng cứu tăng cường của các đơn vị đã tiếp cận các điểm gián đoạn thông tin và khắc phục trong buổi sáng 29/10. Trong đó, Thái Bình được tăng cường 16 đội, Nam Định được tăng cường 14 đội, mỗi tỉnh khác được tăng cường từ 1 - 5 đội ứng cứu. Mỗi đội gồm 1 xe ô tô kĩ thuật trang bị máy hàn, máy đo và công cụ, vật tư đầy đủ. Viettel cũng huy động hơn 30 xe phát sóng lưu động tiếp cận đảm bảo thông tin liên lạc tại những địa phương bị bão số 8 càn quét.

Ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cho biết, Viettel bị thiệt hại nặng nhất ở hai tỉnh là Nam Định và Thái Bình. Do bão quá lớn nên một số trạm BTS bị đổ nhưng sự cố phổ biến là các tuyến cáp bị đứt vì cây và cột điện đổ đồng loạt. Viettel phải huy động khoảng 1.000 nhân lực kĩ thuật (từ Hà Nội và các tỉnh lân cận) để khắc phục sự cố ngay trong ngày 29/10. Đến thời điểm này, ông Tào Đức Thắng khẳng định là về cơ bản đã đảm bảo thông tin liên lạc cho các thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng bởi bão Sơn Tinh.

Trao đổi với ICTnews, đại diện Ban Viễn thông của VNPT cho biết, đến sáng 30/10 về cơ bản tại trung tâm huyện ở các tỉnh bị ảnh hưởng do bão số 8, các mạng di động của VNPT đã được thông suốt. Tuy nhiên, một số nơi vùng sâu, vùng xa của hai tỉnh Nam Định, Thái Bình vẫn bị mất liên lạc, chủ yếu do mất điện lưới trên diện rộng và máy nổ chưa đáp ứng kịp cho các trạm thu phát sóng di động. Mưa bão cũng làm đứt nhiều tuyến cáp nhưng VNPT địa phương đã tập trung khắc phục và chuyển sang hướng dự phòng để đảm bảo an toàn.

Sáng 30/10/2012, phóng viên ICTnews đã liên lạc trực tiếp với các Sở TT&TT để cập nhật tình hình khắc phục sự cố của từng địa phương.

Theo ông Trần Đức Mạnh, Phó Phòng Viễn thông, Sở TT&TT Ninh Bình, toàn tỉnh có 80 trên tổng số 980 trạm BTS không hoạt động được do gãy cột và đứt các tuyến cáp quang truyền dẫn đến các trạm. Hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi bị thiệt hại nghiêm trọng, trong đó có 60 cột truyền dẫn bị gãy, 190 cột nghiêng, 25 tuyến cáp quang bị đứt, 61 tuyến cáp đồng bị đứt, 150 tủ, hộp cáp bị hỏng, 02 bộ tập trung thuê bao bị hỏng, 01 cột BTS bị gãy. Cơ sở hạ tầng mạng lưới bị thiệt hại đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin liên lạc: có hơn 3.000 thuê bao di động, trên 6.000 thuê bao điện thoại cố định và hơn 1.000 thuê bao Internet cùng bị mất liên lạc.

Ước tính thiệt hại của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn lên đến trên 6 tỉ đồng, trong đó VNPT chiếm phần lớn, Viettel chỉ thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Tính đến trưa 30/12/2012, hầu hết sự cố do bão gây ra tại Ninh Bình đã được khắc phục. Chỉ còn khoảng 10 trạm BTS vẫn chưa hoạt động lại bình thường. Dự kiến việc khắc phục sự cố sẽ hoàn tất trong ngày hôm nay.

Ông Lữ Văn Tâm, Trưởng phòng Viễn thông, Sở TT&TT Thanh Hóa phản ánh, hầu hết các cột treo cáp bị gãy, đổ tại Thanh Hóa là của VNPT. Đến sáng 30/10, sự cố về cột treo cáp và cáp quang đã được khắc phục hoàn toàn.

Còn theo ông Lê Tiến Ninh - Giám đốc Sở TT&TT Thái Bình, tỉnh có khoảng 50 trạm BTS bị đổ gãy, tê liệt; hàng trăm cột bị hư hại. Những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất đều nằm ở ven biển như Thái Thụy, Tiền Hải… Công tác khắc phục hệ thống truyền dẫn của các doanh nghiệp như Viettel, VNPT tại những vùng này còn rất nhiều khó khăn, điện lưới tại hầu hết các xã vẫn bị mất. Đáng chú ý, việc 2 chiếc tàu trọng tải hàng nghìn tấn bị đứt neo, trôi tự do cắt đôi cây cầu Diêm Điền (cây cầu huyết mạch nối thị trấn Diêm Điền với nhiều xã của huyện Thái Thụy và Tiền Hải) trong ngày 28/10 cũng gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống cáp viễn thông của các doanh nghiệp mắc qua cây cầu này. “Theo ước tính của các doanh nghiệp Viettel, VNPT… con số thiệt hại lên tới xấp xỉ 70 tỉ đồng. Ít nhất phải 3 ngày tới mới khắc phục được phần nào hậu quả, nối lại hệ thống thông tin liên lạc tại các huyện”, ông Ninh nhận định.

Ông Chu Hùng Thắng, Giám đốc vùng 3 Công ty FPT Telecom cũng cho hay, mưa bão khiến cây, cột điện đổ làm ảnh hưởng đến các tuyến cáp đường trục, đài trạm, cáp thuê bao tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng. Hiện FPT Telecom đã cử người khắc phục sự cố và dự kiến trong ngày hôm nay (30/10), các tuyến cáp đường trục, đài trạm cũng như một số đường cáp thuê bao bị đứt sẽ được xử lí xong. "Các đường cáp thuê bao còn lại bị ảnh hưởng vì đổ các công trình chung của tỉnh, thành phố như cột điện, cây to sẽ phụ thuộc vào quá trình khắc phục của tinh, thành phố", ông Thắng cho biết thêm.

Bưu chính không ảnh hưởng nhiều

Đại diện hai doanh nghiệp bưu chính lớn là VietnamPost và ViettelPost đều cho rằng tuy có bị ảnh hưởng bởi bão Sơn Tinh nhưng mạng lưới chuyển phát bưu chính vẫn thông suốt.

Trao đổi với phóng viên ICTnews sáng 30/10, đại diện Ban Dịch vụ bưu chính, đơn vị thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) của Tổng Công ty Bưu chính Việt nam (VietnamPost) cho biết, bão số 8 rất mạnh và có tốc độ di chuyển nhanh song do chủ động chuẩn bị ứng phó từ trước nên các đơn vị thuộc VietnamPost nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão đều không có thiệt hại về người; mạng lưới đường thư cấp 1 (liên tỉnh) và hầu hết các tuyến đường thư cấp 2 đi các huyện của các tỉnh bị ảnh hưởng bão vẫn hoạt động bình thường. Hiện chỉ có tuyến đường thư cấp 2 đi Ba Chẽ (Quảng Ninh) bị gián đoạn do lũ đầu nguồn cô lập đường giao thông.

Trong các ngày 28-29/10 khi có bão, các Bưu điện vẫn tổ chức phát hết công điện do các cơ quan Trung ương chỉ đạo xuống các địa phương bị ảnh hưởng tác động của bão.

Riêng thiệt hại về tài sản, cơ sở vật chất, theo VietnamPost hiện chưa có thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của các Bưu điện tỉnh, với các tỉnh có bão Sơn Tinh ảnh hưởng ngoài khơi gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, mạng lưới bưu chính của VietnamPost hoàn toàn không có thiệt hại cả về người và tài sản. Với 4 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh, bão Sơn Tinh đã ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới bưu chính các huyện ven biển, gây thiệt hại về vật chất như: tường rào, cửa sắt, biển hiệu, cửa kính… tại nhiều bưu cục, điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) bị vỡ, hỏng.

Cũng theo Ban chỉ huy PCLB-GNTT của VietnamPost, đến sáng 30/10, hầu hết các huyện ven biển của các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của bão Sơn Tinh đều bị cắt điện lưới, mạng viễn thông không liên lạc được do bão làm hư hỏng các trạm BTS ven biển, gián đoạn liên lạc của các thuê bao. Vì thế, ngày 30/10, 4 Bưu điện gồm Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng và Nam định đều tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống các huyện để nắm tình hình thiệt hại, đồng thời hỗ trợ các đơn vị xử lí nhanh để sớm mở cửa hoạt động trở lại.

Với Tổng Công ty Bưu chính Viettel (ViettelPost), Tổng Giám đốc Lương Ngọc Hải cho hay, hoạt động sản xuất kinh doanh của ViettelPost tuy có bị ảnh hưởng nhưng không nặng. Tuyến thư, hàng chạy đường trục Bắc - Nam của Bưu chính Viettel vẫn lưu thông. Nhưng khi hàng hóa, bưu gửi của khách được vận chuyển về các bưu cục tại Trung tâm thị trấn, thị xã của các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão, do thời tiết xấu nên tốc độ phát bưu gửi tới khách hàng có bị chậm hơn so với kế hoạch. Ngay sau khi bão tan, ViettelPost đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát để tổ chức phát hết bưu gửi đến các khách hàng. “Cũng bởi bão Sơn Tinh đổ bộ vào đất liền trong 2 ngày cuối tuần - khoảng thời gian lượng thư hàng lưu chuyển qua mạng bưu chính ít hơn nên lượng hàng chậm đến tay khách hàng không nhiều”, ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm, Bưu chính Viettel hầu như không bị thiệt hại gì về người cũng như tài sản, ngoại trừ một số bưu cục tại Thái Bình, Hải Phòng bị ngập nước. Nhưng do các bưu cục luôn có nhân viên ứng trực 24/24 nên hàng hóa, bưu gửi của khách và trang thiết bị tại bưu cục đều được kịp thời kê cao.

Theo Báo cáo nhanh của Bộ TT&TT, cơn bão số 8 đã gây thiệt hại đến mạng lưới viễn thông của 7 tỉnh (nặng nhất là Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng): làm đổ 29 cột anten, 297 trạm BTS của VNPT bị mất liên lạc, 2.311 trạm của Viettel bị mất điện. Cụ thể, tại Nam Định, mưa bão đã làm đổ 5 cột anten của trạm BTS VNPT thuộc các xã Trực Thắng, Trực Thành (Trực Ninh); Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng); Hải Hòa, Hải Hưng (Hải Hậu) và đổ 7 cột anten của Viettel, làm mất liên lạc của 60/299 trạm BTS VinaPhone và 40/214 trạm BTS MobiFone.

Còn ở Thái Bình, bão Sơn Tinh quét qua làm đổ 2 cột anten của trạm BTS VNPT ở các xã Trọng Quan (Đông Hưng), Minh Khai (Vũ Thư) và 2 cột anten của Viettel. Ngoài ra, 40/222 trạm BTS của VinaPhone và 40/214 trạm BTS của MobiFone cũng bị mất liên lạc.

524 trạm BTS (161 trạm của VNPT và 363 trạm của Viettel) ở Quảng Ninh bị mất điện, 72 trạm BTS VinaPhone và MobiFone bị mất liên lạc.

Thiệt hại của mạng lưới viễn thông Ninh Bình có phần nhẹ hơn 3 tỉnh kia, chỉ bị đổ cột anten xã hội hóa trạm BTS tại trại giam Ninh Khánh, mất liên lạc tại 35/179 trạm BTS VinaPhone và 10/130 trạm BTS MobiFone.

Các trạm BTS của các mạng di động ở Hải Phòng dù không bị mất liên lạc nhưng mưa bão cũng làm đổ 11 cột anten BTS gồm 1 cột anten VNPT xã hội hóa của trạm BTS xã Thụy Hương (Kiến Thụy); 6 cột anten MobiFone tại các huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và 4 cột anten của Viettel.

Bên cạnh đó, mạng lưới cáp quang tại Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa cũng bị đứt do cây đổ, cột đổ. Như tại Thanh Hóa, sự cố đứt 500m cáp quang đã làm mất liên lạc của 500 thuê bao cố định hữu tuyến.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)