Các nghệ sĩ muốn người nghe "Nghe có ý thức"

Từ ngày 1/11/2012, những người muốn sở hữu một bài hát yêu thích trên mạng sẽ phải cân nhắc và động não khi nhấn chuột download, đồng ý trả tiền mua.

Quyền sở hữu trí tuệ = xã hội trí tuệ?

16 ngày trôi qua sau tọa đàm "Nhạc số Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" (15/8) với những bàn tán từ mọi đối tượng có liên quan, việc thu phí tải nhạc từ một số website sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Động thái này rõ ràng là đã tìm lại quyền lợi cho những người làm nhạc, cụ thể là các nhạc sĩ, ca sĩ và nhà sản xuất album - đồng thời, thu hẹp tiện ích của người nghe. Nếu như trước đây, người nghe được thưởng thức và sở hữu một tác phẩm âm nhạc miễn phí, thì nay, họ chỉ còn lại quyền được thưởng thức.

"Thu hẹp tiện ích" không có nghĩa là xóa sổ mọi tiện ích của người nghe nhạc trên các website trực tuyến. Dù còn rất nhiều tranh cãi cần được điều chỉnh trong tương lai về mức phí, hình thức thu tiền và phân chia lợi ích, nhưng rõ ràng việc thu phí tải nhạc là một cứu cánh cho ngành sản xuất băng đĩa đang chết chìm bởi sự miễn phí sở hữu sức lao động.

Quyền sở hữu trí tuệ thực sự cần phải được xem xét một cách nghiêm túc nếu công dân muốn cộng đồng của mình tồn tại và phát triển nhờ tri thức - thứ chất xám hữu dụng, dồi dào và bảo đảm không hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, để nhìn xa hơn quá trình thực hiện quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, việc thu phí từ các website nghe nhạc kể trên, có lẽ là không đủ.

Bài học từ YouTube

YouTube có rất nhiều lí do để trở thành kênh truyền thông quan trọng, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Google và Facebook. Không chỉ bởi người thụ hưởng được thỏa mãn yếu tố thưởng thức, liên kết, mà còn là việc YouTube đã đảm bảo cho người sản xuất đầy đủ quyền sở hữu ở mức cao nhất.

Với một video được tải lên, các công cụ số của YouTube đã ngay lập tức nhận dạng âm thanh, hình ảnh và gửi một bản thông báo tới người upload về sự trùng lắp thông tin. Nếu sau đó có bất kì phản hồi nào từ phía tài khoản sở hữu gốc, ngay lập tức video sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ.

Trong trường hợp người upload ngoan cố không tự gỡ bỏ, YouTube sẽ làm điều này và hạ mức tín nhiệm của chủ tài khoản. Sau vài lần vi phạm bản quyền, tài khoản sẽ bị xóa trên kênh.

Ảnh
Thông báo của YouTube về việc video có khả năng chứa đựng nội dung thuộc quyền sở hữu của tài khoản khác

Cả người nghe và nghệ sĩ đều hài lòng với sự nghiêm túc của YouTube. Họ được thụ hưởng những lợi ích khác nhau ở trên kênh (như nghe nhạc, lưu trữ, chia sẻ, quảng bá, tiếp cận khán giả... đều miễn phí) mà vẫn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Điều đó khiến YouTube thu hút mạnh mẽ người dùng trong nhiều năm qua và bản thân người dùng cũng trở thành những người sáng tạo trên YouTube.

Nếu điều tương tự sẽ được diễn ra ở Việt Nam, có nghĩa là một ca sĩ/nhạc sĩ/nhà sản xuất băng đĩa có quyền yêu cầu gỡ bỏ bất cứ album hay ca khúc nào do mình sản xuất ra được upload miễn phí trên mạng, dù để nghe hay tải nhạc. Vì vậy, đầu mối của việc đảm bảo quyền sở hữu âm nhạc tại Việt Nam thực ra đang nằm trong tay những website âm nhạc trực tuyến. Câu hỏi lớn nhất cho sự sinh tồn của họ là làm thế nào để thu hút người dùng mạnh mẽ mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho những người sáng tạo.

Theo VietNamNet



Bình luận

  • TTCN (0)