"Khi nào buồn hãy gọi cho em nhé!!!”, "Mình bỏ qua cho nhau anh nhé"... Vợ ơi, không phải vậy đâu, chuyện là thế này...

Mới sáng sớm, vừa vào văn phòng, anh Hùng, bạn đồng nghiệp của tôi đã lớn tiếng vẻ cay cú khi nhận được tin nhắn từ số máy 01243406033 với nội dung, theo anh là chẳng khác nào đốt nhà: “Mình là Phương Anh: Gửi tặng bạn bài hát 1102. Bạn hãy gọi đến 1900966955 -> khi nào buồn hãy gọi cho em nhé!!!”.

Theo anh thì đây không phải là lần đầu tiên anh nhận được tin nhắn dạng này. “Mới tối qua cũng nhận được một cái tin nhắn y vậy, cũng của Phương Anh nào đó gửi. May mà thủ tiêu trước khi vợ anh thấy, nếu không chắc cháy nhà thật rồi ấy”, anh kể.

Ảnh
Tin nhắn "đốt nhà"

Anh Tân, nhân viên cảng hàng không Tân Sơn Nhất còn gặp chuyện bực bội hơn khi người nhận được tin nhắn đó không phải là anh mà là cô bạn gái. Vì nghi ngờ, cô đã bấm số gọi lại, nhưng không có người nghe máy, chỉ có những tiếng tút, tút. Anh Tân sau đó đã phải khổ sở năn nỉ, thanh minh với người yêu về tin nhắn mà chính anh cũng không biết từ đâu, từ một số điện thoại 012xxxxxxxx xa lạ. Bi kịch hơn là khi kiểm tra tài khoản, toàn bộ hơn 100.000 đồng anh mới nạp đã không cánh mà bay.

Câu chuyện của anh Hùng hay anh Tân không phải là chuyện hiếm, rất nhiều người đã bị ăn những “trái đắng” khi dính vào bẫy lừa của những kẻ trục lợi từ tin nhắn rác. Chỉ cần người dùng vô tình nhấn nút gọi thì lập tức toàn bộ số tiền trong tài khoản của họ biến mất dù đầu dây bên kia chỉ là những tiếng tút tút. Cũng có trường hợp tin nhắn rác chỉ có tùy chọn hoặc là xem, hoặc xóa, hoặc lưu, và với bất kì lựa chọn nào người dùng cũng bị trừ phí, thông thường là 15.000 đồng/ lần. Câu chuyện lừa lọc này diễn ra hàng ngày và những nhà mạng vẫn biết rõ người dùng của mình đang ngày đêm bị làm phiền, nhưng hầu như chưa thấy bất cứ một động thái nào để ngăn chặn sự việc này. Hơn nữa, những tin nhắn rác còn đem lại doanh thu không nhỏ cho nhà mạng.

Theo một khảo sát do Công ty Bkav thực hiện với 50.000 người dùng điện thoại di động tại Việt Nam thì trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động của người dùng tại Việt Nam. Nếu trung bình 300 đồng/tin nhắn, các nhà mạng đã thu về khoảng 3 tỉ đồng mỗi ngày, tức gần 100 tỉ mỗi tháng từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác. Và cũng dễ dàng suy ra bình quân cứ 3 ngày mỗi người dùng lại nhận 1 tin nhắn rác. Còn đối với những thuê bao thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, họ phải nhận hơn 2 tin nhắn rác một ngày.

Ảnh
Một tin nhắn rác điển hình

Đó là chưa kể thường một nhà mạng sẽ hợp tác với hàng trăm nhà cung cấp nội dung số (thường có đầu số ngắn 8xxx, 7xxx, 6xxx) để phục vụ khách hàng. Trong đó, nhà mạng sẽ chịu trách nhiệm về đường truyền kết nối, đối tác chịu trách nhiệm về mặt nội dung cung cấp. Các dịch vụ như tải hình, tải nhạc, nhạc chờ… hay sử dụng kiểu hợp tác này. Bà Nguyễn Thu Hồng, đại diện truyền thông của mạng này cho biết, VinaPhone hiện đang hợp tác cung cấp dịch vụ nội với hơn 200 nhà cung cấp dịch vụ. Có những đối tác vừa cung cấp dịch vụ nội dung do đối tác tự kinh doanh qua mã số ngắn, vừa cung cấp nội dung cho dịch vụ nhạc chờ của VinaPhone. Nhà mạng này cũng đang siết chặt quản lí những tin nhắn rác này, 9 tháng đầu năm 2012, Vinpahone đã xử lí trên 40 trường hợp vi phạm, khóa và phạt hợp đồng đối với hàng chục đối tác cung cấp nội dung.

Đại diện một nhà cung cấp nội dung số cho biết, ngay cả tin nhắn của nhà mạng cũng có rất nhiều đầu số, mà người dùng không phân biệt, hoặc không để ý. Họ đều tình nguyện chịu đựng nhận tin nhắn rác từ nhà mạng, dù cuối mỗi tin nhắn đều có câu “Để từ chối nhận tin nhắn từ xxx, soạn tin nhắn cú pháp TCxxx gửi số xxx” vì sợ nếu có chương trình khuyến mãi mình sẽ không nhận được. Ít ai để ý rằng dù được gửi từ chung 1 đầu số nhưng khi soạn tin từ chối thì có nhiều đầu số khác nhau, ứng với mỗi đầu số là từ chối 1 dịch vụ. Điều đó dẫn đến chuyện người dùng phải chấp nhận “sống chung với cơn lũ” có thể tránh được.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2012/NĐ-CP quy định rõ, “chỉ được phép gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận. Cũng như phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận”. Tuy nhiên, người dùng vẫn bị tiếp tục làm phiền, từ sáng sớm đến đêm khuya, dù tất nhiên họ không muốn.

Theo NCĐT



Bình luận

  • TTCN (5)
Hiếu Tròn  25905

Ôi, em nhận được tin nhắn của "em Phương Anh" y chang thế luôn, may mà không có vợ Rolling On The Floor

dũng  6

Nhà mạng thu lợi từ tin nhắn rác thi tội gì mà ngăn chặn nó nên nhà mạng ko có động tĩnh gì hết thì phải.

dũng  6

tin nhắn rác

Nhà mạng thu lợi từ tin nhắn rác thi tội gì mà ngăn chặn nó nên nhà mạng ko có động tĩnh gì hết thì phải.

Mr.Thanh  24

hix, tin rác thì đầy . mình ở nhật xài mạng softbank, dùng số dt đăng ký để mua hàng online.
Spam tin nhắn chào mời dich vụ sex nhật. hằng ngày khoảng hơn 20 tin dc gửi vào mình @@.
Nữa đêm là dt rung ì ì @@>
Tắc tin đa phương tiện thì mới hết nạn này.

Đặng Nhật Minh  35

mình cũng bị tuơng tự

"anh gọi vào số 1900xx để tâm sự với em nhé"
Bó tay luôn