Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft. Ảnh: AP.

Gã khổng lồ phần mềm vẫn chăm chú để mắt đến Yahoo!, tuy nhiên kế hoạch và sách lược cụ thể như thế nào để thuyết phục hoặc loại bỏ Ban giám đốc Yahoo! thì ông Ballmer không hề hé răng.

Phát biểu khai mạc Triển lãm CEBIT đang diễn ra tại Đức, Giám đốc điều hành của Microsoft xác nhận vẫn đang "đối thoại và thảo luận các phương án thay thế" với Yahoo!.

Hôm 11/2 vừa qua, gã khổng lồ Web đã chính thức từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 44,6 tỷ USD của Microsoft, với lý do "giá trị công ty đã bị đánh giá quá thấp".

Yahoo! tin rằng cổ phiếu của hãng phải đáng giá ít nhất 40 USD, cao hơn rất nhiều so với con số 31 USD mà Microsoft bỏ thầu.

Vẫn "thèm"

Dù rất cần Yahoo! để có thể tăng cường sức mạnh và thu hẹp khoảng cách với đối thủ Google trên địa hạt tìm kiếm - quảng cáo trực tuyến, song Microsoft vẫn tỏ ra cứng rắn trước đòn ép giá của đối thủ.

Steve Ballmer từng tuyên bố hùng hồn trên báo giới rằng mức giá 44,6 tỷ USD đã là quá "hợp lý và công bằng". Cũng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Microsoft sẽ nâng mức giá bỏ thầu như ý muốn của Yahoo!.

Thay vào đó, hãng lựa chọn một giải pháp cứng rắn và khốc liệt hơn: xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát để loại bỏ ban giám đốc Yahoo!. Tháng 6 tới đây, đại hội cổ đông thường niên của Yahoo sẽ diễn ra và theo thông lệ, êkip lãnh đạo tối cao sẽ được bầu lại.

Chỉ cần trước cuối tháng 3, Microsoft đề cử một loạt các nhân sự ứng tuyển vào ban giám đốc, sau đó vận động hành lang để những nhân sự này nhận được nhiều phiếu nhất, ban giám đốc hiện tại của Yahoo! sẽ bị thay thế.

Một cuộc chiến giành quyền kiểm soát kiểu này chỉ tốn kèm vài triệu cho đến vài chục triệu USD, không thấm tháp gì so với khi Microsoft cúi đầu trước thái độ cành cao của Yahoo!. Khi ấy, hãng có thể phải móc ví tới hơn 50 tỷ USD, thay vì khoản 44,6 tỷ USD dự định ban đầu.

"Tôi nghĩ là mình không được phép đi vào chi tiết", ông Ballmer úp mở trên sân khấu CEBIT. "Nhưng tôi vẫn nghĩ thương vụ này rất có ý nghĩa. Chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành hiện thực sau một thời gian nữa".

Vẫn tin là lợi !

Vẫn khẳng định như đinh đóng cột, ông Ballmer cho rằng việc Microsoft mua lại Yahoo! sẽ đem đến những quyền lợi đáng kể cho các cổ đông của cả hai hãng, cho giới quảng cáo, xuất bản nội dung và tất nhiên, cả người tiêu dùng nữa.

Thông qua thương vụ này, Microsoft hy vọng sẽ "trưng dụng" được đội ngũ kỹ sư tài năng, lão luyện kinh nghiệm làm web của Yahoo!. Trong mắt gã khổng lồ phần mềm, con người mới là thứ tài sản "đáng giá" nhất tại gã khổng lồ Web, mới là mục tiêu đáng săn đuổi nhất.

Vài năm trở lại đây, Yahoo! gặp muôn vàn khó khăn trong việc cạnh tranh với Google. Hãng chìm trong những quý tài khoá đáng thất vọng liên tiếp và Giám đốc điều hành cũ Terry Semel đã phải đội nón ra đi.

Nhiều chiến dịch đại phẫu đã được tiến hành. Đồng sáng lập Jerry Yang nay phải lĩnh ấn "chèo lái" con thuyền đang chao đảo và một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của Yang là sa thải tới 1000 nhân viên, tương đương 7% nhân sự Yahoo! trên toàn thế giới.

Trước "thịnh tình" có vẻ rất hấp dẫn của Microsoft, nhiều cổ đông (cả lớn lẫn nhỏ) của Yahoo! đã động lòng. Ban giám đốc của hãng liên tiếp bị kiện vì tội "dám lắc đầu từ chối". Bản thân Giám đốc Jerry Yang cũng phải gửi mail thúc giục nhân viên không được "sao lãng" và phải tập trung vào công việc.

Song song với biện pháp mạnh là cuộc chiến giành quyền kiểm soát, Microsoft tiếp tục tung ra các đòn "tâm lý" nhắm vào Yahoo!. Steve Ballmer vẫn nhắc lại những "giá trị và lợi ích" mà hai hãng sẽ được hưởng khi sáp nhập với nhau.

Trên sàn Nasdaq, cổ phiếu Microsoft tiếp tục giảm giá xuống còn 27,20 USD. Ở mức giá này, lời đề nghị ban đầu của hãng chỉ còn tương đương với 40 tỷ USD.

Trọng Cầm (Tổng hợp AP, Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)