Thông tin về Xeon 6 lõi được up lên máy chủ của Sun. Ảnh: Slashdot.

Gã khổng lồ chip Intel xác nhận sẽ xuất xưởng vi xử lý Xeon 6 lõi ngay trong nửa cuối năm nay, dẹp yên những lời đồn thổi về thời điểm ra lò của dòng chip rất được chờ đợi này.

Thông tin "vỉa hè" về ngày phát hành của Xeon 6 lõi (tên mã là Dunnington) bắt đầu rộ lên từ tháng trước, sau khi một bài thuyết trình của Intel về con chip vô tình bị Sun Microsystems để lộ.

Không hiểu vì lý do gì, toàn văn bài diễn thuyết này đã được up lên máy chủ của Sun.

Dù Sun đã nhanh chóng hạ nó xuống, dân tình cũng đã kịp xôn xao với cái tin Dunnington sẽ có mặt trên thị trường "vào cuối năm nay".

Ngày càng ưu việt

Một khi ra lò, Dunnington sẽ nằm trong "phả hệ" Xeon MP700 của Intel và cho phép một máy chủ 4 vi xử lý có thể có tới 24 lõi nhân, Giám đốc điều hành Paul Otellini của Intel cho biết.

Cũng theo ông Otellini thì Intel đang "theo đúng tiến độ" trong việc phát hành các dòng chip dựa trên vi cấu trúc Nehalem - "hậu duệ" của vi cấu trúc Core. Nếu không có gì thay đổi, những lô chip Nehalem đầu tiên sẽ đáp xuống thị trường vào cuối năm nay.

Trong quá khứ, ông Otellini từng quảng cáo rằng Nehalem có hiệu suất tiết kiệm điện và sức mạnh cao hơn so với Core, nhờ cấu trúc liên kết nội bộ QuickPath Interconnect.

Chưa hết, các con chip Nehalem còn trang bị vi điều khiển bộ nhớ tích hợp và tăng cường khả năng "giao tiếp" với các bộ phận khác trong hệ thống.

Công nghệ đa phân luồng cũng sẽ góp mặt trong Nehalem và họ chip này có thể đạt tới 8 lõi nhân, đặc biệt phù hợp cho những cỗ siêu máy tính hùng mạnh. Phiên bản PC của chip Nehalem sẽ kết hợp lõi CPU với lõi chip đồ họa để tạo ra hiệu suất tối ưu.

Và tất nhiên, Nehalem sẽ không thể sản xuất bằng công nghệ nào khác ngoài 45 nanomet của Intel.

32 rồi 22....

Ảnh
Vi cấu trúc Nehalem của Intel. Ảnh: Slashdot.

Sau Nehalem, Intel sẽ theo đuổi vi cấu trúc Westmere trong cả năm 2009 và Sandy Bridge vào năm 2010.

Những nghiên cứu đầu tiên dành cho vi cấu trúc "hậu Sandy Bridge" cũng đã được xúc tiến, song hãng chưa đặt được tên mã.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là kể từ năm 2011, Intel sẽ sản xuất chip bằng công nghệ... 22 nanomet.

Ông Otellini cũng xác nhận việc nền tảng Menlow dành cho thiết bị siêu di động sẽ xuất xưởng vào quý 2 năm nay.

Nền tảng Menlow bao gồm vi xử lý tiết kiệm điện Silverthone và bộ chipset Poulsbo được thiết kế riêng cho các cỗ máy gọn, nhẹ, mang tính cơ động cao.

Hiện đang được sản xuất bằng công nghệ 45 nanomet, dòng chip Silverthorne sẽ được nâng cấp lên công nghệ 32 nanomet trong năm 2009.

Tuy ngày càng chú trọng đến thiết bị di động và notebook song điều đó cũng không có nghĩa là Intel đang từ bỏ thị trường desktop.

Hãng đang tích cực phát triển một công nghệ có tên "Đánh thức từ xa", biến mỗi cỗ máy tính để bàn thành một thiết bị lưu trữ dính liền với mạng Internet.

Chỉ việc gõ một địa chỉ URL vào trong trình duyệt Web sẽ "đánh thức" máy tính của bạn khỏi trạng thái ngủ sâu, cho phép người dùng truy cập từ xa các file lưu trong máy tính. Tuy nhiên thời điểm phát hành cụ thể của công nghệ này chưa được tiết lộ.

(Theo VNN/PC World)



Bình luận

  • TTCN (0)