Gã khổng lồ Web quyết định hoãn lại hạn chót để ứng cử vào ban giám đốc mới, trong nỗ lực "câu giờ" để tìm kiếm những đồng minh khác ngoài Microsoft. Hoặc giả, hãng sẽ có thêm thời gian để "đàm phán một cách thân thiện hơn" với tập đoàn của ngài Bill Gates.

Trước việc ban giám đốc Yahoo thẳng thừng từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 44,6 tỷ USD của mình, Microsoft đã quyết định chơi đòn "rắn": Xúc tiến một cuộc chiến giành quyền kiểm soát.

Tháng 6 tới đây, cuộc họp cổ đông thường niên của Yahoo sẽ diễn ra.

Các cổ đông sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu chọn một ban giám đốc mới, và danh sách các ứng viên "dự tuyển" phải được đệ trình lên Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán Mỹ trước ngày 14/3 tới.

Hoãn binh

Nếu muốn xúc tiến cuộc chiến giành quyền, Microsoft sẽ phải đề cử một loạt "nhân tuyển" và vận động hành lang để những ứng viên này nhận được nhiều phiếu bầu nhất. Một khi đã có chân trong ban giám đốc Yahoo, họ sẽ lèo lái bản hợp đồng mua lại theo ý Microsoft.

Trước nguy cơ nhỡn tiền này, Yahoo đã quyết định hoãn binh. Đại diện của hãng cho biết sẽ công bố "ngày họp cổ đông chính thức" trong vài tuần nữa, và hạn chót để đề cử các ứng viên cho ban giám đốc mới sẽ kết thúc sau thời điểm công bố đó 10 hôm.

Thời gian qua, báo chí liên tục đưa tin về việc Yahoo đang tích cực "đánh tín hiệu" liên minh với nhiều gã khổng lồ Internet và truyền thông khác để tránh bị Microsoft thâu tóm. Một số cái tên đã được đặt lên mặt bàn như News Corp, Time Warner và thậm chí là cả Google.

Ngày hôm qua, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Yahoo và Time Warner đang "tăng cường các cuộc đàm phán", với mục tiêu sáp nhập AOL vào trong lòng Yahoo. Tuy nhiên, đại diện của cả hai bên đều từ chối bình luận về thông tin nói trên.

Theo lời nhà phân tích Colin Gillis của Canaccord Adams, rõ ràng là Yahoo đang cố tình "câu giờ để tìm kiếm những phương án thay thế cho thương vụ Microsoft.

Nó là dấu hiệu cho thấy Jerry Yang (Giám đốc điều hành Yahoo) chưa có bất cứ sự lựa chọn hợp ý nào. Ông ta đang muốn có thêm thời gian".

Cũng theo Gillis, sẽ là tuyệt nhất cho cả hai nếu như Yahoo và Microsoft thống nhất được với nhau. "Microsoft cũng không muốn mất thêm 6 tháng để chơi trò mèo vờn chuột với ban giám đốc Yahoo".

Thực ra, Microsoft đã kín đáo đánh tiếng đòi mua Yahoo từ cách đây hơn một năm, nhưng vấp phải sự chống phá quyết liệt của cựu Giám đốc điều hành Yahoo là Terry Semel.

Sau khi ông Semel rút lui, nhường lại ghế cho đồng sáng lập Jerry Yang, Microsoft mới quyết định công khai "thịnh tình" của mình vào ngày 1/2 vừa qua.

Mức giá mà hãng đưa ra là 31 USD/cổ phiếu, dù thị giá khi ấy của cổ phiếu Yahoo chỉ xấp xỉ 27 USD.

Không gian để "thở"

Câu giờ là một chiêu khá phổ biến trong những cuộc chiến "cá lớn nuốt cá bé" kiểu này. Trước đây, BEA Systems cũng từng hoãn lại việc ứng tuyển vào ban giám đốc mới, để có thêm thời gian đàm phán với Oracle. Kết quả là Oracle đã phải nâng mức giá mua lại lên 8,5 tỷ USD.

"Yahoo sẽ có thêm vài tuần để tính toán. Đó là khoảng thời gian tối đa mà họ xoay sở được, trước khi khiến cho nhiều cổ đông lớn nữa phát điên", Gillis phân tích.

Vài tuần trước, đích thân Giám đốc điều hành Jerry Yang của Yahoo đã phải gửi thư cho các nhân viên của mình. Yang khuyến cáo họ nên tập trung cho công việc, thay vì "sao lãng" tinh thần bởi sự vụ ầm ĩ này.

Yang cũng thừa nhận việc kéo dài thời hạn đề cử không thể ngăn Microsoft "cài người" của họ vào ban giám đốc, nhưng mục tiêu chính của nước cờ này là để "có thêm thời gian và không gian để thở".

"Ban giám đốc sẽ có thể nghiên cứu tất cả các khả năng chiến lược khác, nhằm đảm bảo giá trị và lợi ích tối đa cho các cổ đông", Yang trấn an.

Một nguồn tin giấu tên nhưng thân cận với Yahoo lại cho rằng: Việc hoãn binh là dấu hiệu cho thấy Yahoo tự tin có thể đạt đến thỏa thuận với AOL hoặc MySpace.com. Tuy vậy, hầu hết giới quan sát đều nhận định Microsoft sẽ mua được Yahoo vào phút chót.

Trước đây, Yahoo từng tuyên bố mức giá bỏ thầu của Microsoft quá thấp so với giá trị thực sự của hãng. Với gần 500 triệu người dùng thường xuyên, Yahoo tin rằng giá cổ phiếu của họ không thể dưới mức 40USD/cổ phiếu.

Phố Wall nhận định đây là một nỗ lực nhằm "ép" Microsoft phải đưa ra mức giá mua lại cao hơn. Song Microsoft tỏ ra khá cứng rắn khi khẳng định "31 USD đã là công bằng và toàn diện".

Buổi họp cổ đông năm 2007 của Yahoo diễn ra vào ngày 12/6 năm ngoái. Theo luật, chậm nhất là ngày 12/7 năm nay Yahoo sẽ phải tổ chức buổi họp tiếp theo.

Không còn đường khác

Yahoo đang phải đối mặt với áp lực rất lớn từ dư luận và các cổ đông, những người cảm thấy lời đề nghị của Microsoft là rất hấp dẫn.

"Nếu như không có Microsoft, giờ này khéo cổ phiếu Yahoo đã tụt xuống dưới mức 20USD từ lâu rồi", một cổ đông tại Washington tuyên bố.

Bản thân tình hình kinh doanh của Yahoo đã lẹt đẹt suốt mấy quý gần đây, lại cộng thêm những mối quan ngại về tình hình kinh tế Mỹ và đà tăng trưởng chững lại của thị trường quảng cáo trực tuyến... khiến cho triển vọng Yahoo càng thêm u ám.

Ngay cả Google, hãng thống trị thị trường tìm kiếm và quảng cáo Internet hiện nay cũng phải chứng kiến cổ phiếu của mình sụt giảm tới 21% giá trị kể từ sau khi Microsoft đòi mua lại Yahoo.

Nếu như giới đầu tư thất vọng với Yahoo và quyết định "trừng phạt" theo cách tương tự, giá cổ phiếu hãng này thậm chí chẳng còn nổi 15USD.

Liên minh được với MySpace.com của tập đoàn truyền thông News Corp có vẻ như là lối thoát khả thi nhất, song ông trùm Robert Murdoch từng tuyên bố thẳng thừng là "không quan tâm và không hứng thú với thương vụ Microsoft - Yahoo".

Đó có lẽ là nguyên nhân khiến cho Yahoo phải cố mặn mà với Time Warner, song sức hút của AOL trong vài năm trở lại đây cũng đã "nhạt nhòa" đáng kể. Chưa chắc các cổ đông khó tính của Yahoo đã chịu ngồi yên nhìn hãng bỏ Microsoft để chạy sang với AOL.

Hiện nay, khoảng 69% số cổ phiếu đang niêm yết của Yahoo thuộc về các cổ đông lớn, những người cũng đang nắm giữ cổ phần của cả Microsoft.

Số cổ đông này nhiều khả năng sẽ ủng hộ chuyện Microsoft mua lại Yahoo, nhưng với mức giá cao hơn một chút, khoảng 34 USD/cổ phiếu.

Microsoft: Cần có Yahoo!

Mới đây nhất, Kiến trúc sư trưởng phần mềm Ray Ozzie của Microsoft thừa nhận, việc thâu tóm thành công Yahoo có ý nghĩa sống còn đối với chiến lược quảng cáo và dịch vụ Web của gã khổng lồ phần mềm trong thời gian tới.

Trong bài diễn văn tại Hội thảo MIX 08 đang diễn ra ở Las Vegas, ông Ozzie nói rằng "Chỉ có xây dựng một danh mục các dịch vụ và nội dung Web phong phú, kết hợp với mô hình kinh doanh và truyền thông sáng tạo, thì mới có thể tạo ra một lực lượng công chúng đông đảo, trung thành cho quảng cáo trực tuyến".

Quảng cáo chính là cách thu hồi vốn chủ đạo của Microsoft, sau những khoản đầu tư khổng lồ cho mạng Web.

"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tạo dựng nên một hệ sinh thái quảng cáo hấp dẫn.

Nếu bạn thắc mắc vì sao Microsoft lại hứng thú với Yahoo và đội ngũ nhân sự tài năng của họ đến vậy, tôi hy vọng những lời trên đây sẽ giúp mọi việc trở nên rõ ràng hơn một chút", ông Ozzie chia sẻ.

Ozzie thừa nhận tuy Microsoft đã vạch kế hoạch phát triển quảng cáo Web từ vài năm nay, song thành công thu được vẫn hết sức khiêm tốn.

Hãng đã mua lại công ty quảng cáo aQuantive với giá 6 tỷ USD và đầu tư rất mạnh cho chuỗi dịch vụ Live nhưng khoảng cách với đối thủ Google vẫn ngày một xa.

"Nhưng tôi tin 2008 sẽ là năm mà chiến lược này tìm thấy ánh sáng", Ozzie lạc quan.

Đầu tuần này, Microsoft đã công bố hai dịch vụ Web mới dành cho doanh nghiệp. Kể từ nay, phần mềm email Exchange Server sẽ có thể vận hành như một dịch vụ lưu ký, cùng với công cụ quản lý nội dung và hợp tác công việc Office SharePoint Server 2007.

Microsoft cũng dự định khai trương một dịch vụ mới mang tên Office Live Workspace, cho phép người dùng truy cập và chia sẻ các tài liệu Office qua mạng.

(Theo Vietnamnet/Tổng hợp Reuters, AP, PC World)



Bình luận

  • TTCN (0)