Dự kiến sau năm 2015 Bộ TT&TT mới cấp phép băng tần để triển khai 4G.

Dù công nghệ LTE được dự báo là công nghệ của tương lai, nhưng Bộ TT&TT sẽ không thúc đẩy việc cấp phép sớm cho 4G để đảm bảo hiệu quả đầu tư của các mạng di động và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam.

Băng rộng có vai trò lớn trong tăng trưởng GDP

Phát biểu tại Hội nghị Mobile Vietnam 2012, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì băng rộng tác động mạnh mẽ tới kinh tế của mỗi quốc gia. Nếu có 10% dân số truy nhập băng rộng thì tương đương với 1,21% tăng trưởng GDP đối với các nước phát triển và 1,38% đối với các nước đang phát triển. Dự báo từ nay đến năm 2015 sẽ có hơn 70% thuê bao băng rộng là băng rộng vô tuyến. Vì vậy, băng rộng vô tuyến đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Cũng theo ông Đoàn Quang Hoan, Việt Nam là thị trường khá đặc biệt khi mà hầu hết các công nghệ băng rộng vô tuyến trên thế giới đều đưa vào đây thử nghiệm. Băng rộng vô tuyến đã có ở Việt Nam từ rất sớm: Năm 1993 đã có vô tuyến băng hẹp cung cấp qua GSM 900 MHz. Đến năm 2003, công nghệ CDMA 2000 đã được đưa vào Việt Nam. Theo định nghĩa của Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) thì đây là công nghệ vô tuyến băng rộng. Như vậy, gần 10 năm trước vô tuyến băng rộng đã có mặt tại Việt Nam do mạng S-Fone sử dụng. Đến năm 2005, khi Hanoi Telecom sử dụng tiếp công nghệ CDMA 2000 1X EVDO thì Việt Nam đã có băng rộng vô tuyến đẳng cấp cao hơn.

“Hiện thị trường viễn thông di động phát triển rất mạnh, nhưng chủ yếu nằm trong tay 3 mạng di động. Việt Nam đã có khoảng 117 triệu thuê bao di động và đạt doanh thu 5,5 tỉ USD. Thông tin vô tuyến đóng góp cho GDP ở Việt Nam là rất cao. Nếu tính các nước phát triển trung bình thì tỉ lệ đóng góp của thông tin di động vào GDP trên 5% như Việt Nam là hiếm có. Đây là điều đáng mừng cho thị trường di động”, ông Đoàn Quang Hoan nói.

Theo nghiên cứu của Cục Tần số Vô tuyến điện, thị trường di động Việt Nam năm 2011 đã đánh dấu sự giảm dần thuê bao 2G và bước phát triển của thuê bao 3G. Hiện Việt Nam đã có khoảng hơn 10 thuê bao 3G/100 dân. Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, Việt Nam vẫn đang có lưu lượng dữ liệu thấp, khoảng 20 Terabyte/năm (tương đương với 20 nghìn Gigabyte), trong khi đó toàn cầu đã là 3,8 Exabyte/năm (tương đương với 3,8 triệu ổ USB 1 Terabyte - PV). Với mô hình tăng trưởng này thì đến năm 2016, Việt Nam có thể đạt 400 Terabyte/năm. “Nếu tính tỉ lệ dân số của Việt Nam thì lưu lượng dữ liệu 3G của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, theo đánh giá chỉ số ICT của mỗi nước mà ITU mới công bố thì Việt Nam đứng thứ 81 và tăng 5 bậc so với 2010. Tôi cho rằng sở cứ quan trọng nhất để ITU đánh giá thăng hạng cho Việt Nam chính là sự phát triển của thuê bao vô tuyến băng rộng 3G”, ông Đoàn Quang Hoan nhận định.

Theo dự báo của ITU, đến năm 2015, 40% hộ gia đình có kết nối Internet, xu hướng phát triển dịch vụ dữ liệu băng rộng tăng nhanh, nhưng 2G sẽ chững lại, thậm chí giảm đi, và tỉ lệ thoại trên cả 2G và 3G không tăng. Bên cạnh đó, khả năng tăng trưởng doanh thu di động cũng rất hạn chế. Tuy nhiên, xu hướng dịch vụ sắp tới cho thấy là khoảng hơn 70% lưu lượng trên vô tuyến băng rộng là video. Vì thế, các nhà khai thác di động của Việt Nam có thể định hình các dịch vụ sắp tới của mình trong tương lai để đáp ứng được nhu cầu thị trường và tăng doanh thu cho mình.

Không cấp phép sớm băng tần 4G

Ông Đoàn Quang Hoan cho biết, với nhu cầu phát triển của thị trường và công nghệ thì nhu cầu về tần số cho băng rộng tại Việt Nam sẽ rất lớn. Hiện Bộ TT&TT đã quy hoạch băng tần 2,3 GHz và 2,6 GHz cho vô tuyến băng rộng và đang trình Thủ tướng Chính phủ để cấp phép băng tần này thông qua đấu giá sau năm 2015. Bộ TT&TT sẽ không thúc đẩy việc cấp phép sớm cho 4G để đảm bảo hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT sẽ quy hoạch lại băng tần 2G để có thể đưa băng tần này sử dụng cho băng rộng. Ngoài ra, sau khi số hóa truyền hình sẽ dành băng tần thừa là 700 MHz cho băng rộng sau năm 2020 (sau khi khai tử truyền hình analog trên toàn quốc).

“Việt Nam đã sẵn sàng tài nguyên tần số cho băng rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có độ sẵn sàng rất cao về băng tần tiềm năng cho di động băng rộng. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các mạng di động là doanh thu bình quân trên một thuê bao quá thấp, trong khi đó khả năng tăng chỉ số này là rất khó vì sức mua hạn chế (đã chiếm đến 5,5% GDP). Bên cạnh đó, dịch vụ nội dung cũng rất hạn chế, chưa thu hút người dùng. Đây là thách thức mà các mạng di động phải vượt qua”, ông Đoàn Quang Hoan nói.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, công nghệ băng rộng trong tương lai chủ yếu sẽ là LTE, nhưng điều đó không có nghĩa là công nghệ này sẽ thay thế công nghệ HSPA. Ngược lại, công nghệ HSPA vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở những thị trường có điều kiện kinh tế giống như ở Việt Nam. Dự báo đến năm 2016, tỉ lệ sử dụng công nghệ HSPA vẫn sẽ lớn hơn LTE. Bên cạnh đó, CDMA vẫn tiếp tục duy trì sự tồn tại của nó chứ không phải bị khai tử như đã xảy ra ở Việt Nam.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)