Kiểm soát giá thành dịch vụ viễn thông để tránh trường hợp các doanh nghiệp phá giá dịch vụ.

Bộ TT&TT vừa đưa ra cách thức xác định giá thành dịch vụ viễn thông để tránh việc các doanh nghiệp phá giá, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường viễn thông áp dụng từ ngày 1/1/2013.

Nhọc nhằn định giá thành dịch vụ viễn thông

Câu chuyện giá thành và chống phá giá bắt đầu được đặt ra một cách bức thiết khi thị trường di động cạnh tranh quyết liệt. Ban đầu, những câu chuyện về cuộc rượt đuổi giảm cước của VNPT và Viettel khiến các doanh nghiệp nhỏ như EVN Telecom, S-Fone “toát mô hôi hột”. Sau đó “gió đổi chiều” khi Beeline, Vietnamobile nhập cuộc với nhiều gói cước gây sốc (gần như miễn phí gọi nội mạng). Và các mạng di động liên tục tố nhau tung gói cước phá giá thị trường. Trong khi đó, các chuyên gia thì lên tiếng lo ngại thị trường viễn thông Việt Nam đang có cuộc chiến giá cước và có nguy cơ đổ vỡ.

Trước vấn đề này, một số mạng di động lên tiếng rằng Bộ TT&TT cần phải xác định được giá sàn để các mạng di động không bán dưới giá này. Điều này cũng đặt Bộ TT&TT trước yêu cầu cần phải đưa ra một định nghĩa về giá thành dịch vụ. Trên thực tế, các văn bản quản lí đã đưa ra nguyên tắc xác định giá dịch vụ viễn thông là “không được bán dưới giá thành”. Thế nhưng, định nghĩa thế nào là giá thành và cách tính giá thành như thế nào lại là vấn đề đang bỏ ngỏ. Vài năm trước, Bộ TT&TT đã đưa ra vấn đề cần xác định giá thành dịch vụ viễn thông để giải quyết các vấn đề quản lí giá cước các dịch vụ này. Thế nhưng, đến thời điểm này thì thông tư về giá thành mới ở giai đoạn hoàn thiện bởi có khá nhiều ý kiến khác nhau.

Trong một cuộc họp mới đây giữa Bộ TT&TT với hai doanh nghiệp viễn thông lớn nhất là Viettel và VNPT để hoàn thiện thông tư về quản lí giá thành, các bên cũng thống nhất định nghĩa chung là "Giá thành là chi phí chia cho sản lượng". Thế nhưng, việc tính toán riêng từng dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp kinh doanh đa dịch vụ là câu chuyện quá khó. Mỗi doanh nghiệp có cách tính khấu hao khác nhau, chi phí sản xuất và lợi thế quy mô khác nhau... dẫn đến giá thành sẽ khác nhau. Trong các dịch vụ viễn thông cũng có sự khác biệt về chi phí và doanh thu.

Thông tư về giá thành áp dụng từ 1/1/2013

Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư Quy định phương pháp xác định và chế độ báo cáo giá thành dịch vụ viễn thông áp dụng từ 1/1/2013. Thông tư này quy định nguyên tắc xác định giá thành dịch vụ viễn thông là áp dụng thống nhất phương pháp xác định giá thành theo phương pháp chi phí phân bổ toàn bộ đối với tất cả các dịch vụ viễn thông chưa hạch toán riêng và không bù chéo giữa các dịch vụ viễn thông khi xác định giá thành dịch vụ viễn thông.

Thông tư này còn quy định, giá thành thực tế là giá thành của năm báo cáo tài chính gần nhất xác định trên cơ sở chi phí thực tế hợp lí để hoàn thành một đơn vị dịch vụ viễn thông. Giá thành kế hoạch là giá thành của năm tiếp theo năm báo cáo tài chính xác định trên cơ sở chi phí dự kiến phát sinh trong năm kế hoạch để hoàn thành một đơn vị dịch vụ viễn thông đó.

Bộ TT&TT yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo giá thành thực tế, giá thành kế hoạch của từng loại dịch vụ viễn thông hàng năm. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) có văn bản trả lời doanh nghiệp.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, giá cước được xác định trên cơ sở giá thành và cung cầu thị trường. Việc xác định giá thành là cần thiết để tránh việc phá giá, đặc biệt là tránh doanh nghiệp thống lĩnh thị trường phá giá để loại đối thủ ra khỏi thị trường. Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định: "Cần phải quản lí giá thành để chống bù chéo dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và giúp cơ quan quản lí có sở cứ để quản lí tốt thị trường trong thời gian tới".

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cũng cho rằng, việc định giá thành dịch vụ viễn thông rất quan trọng bởi việc quản lí giá cước phải trên cơ sở giá thành. Tuy nhiên, việc xác định giá thành của từng dịch vụ là bao nhiêu quả thực rất khó vì các doanh nghiệp đưa ra cách tính giá thành với nhiều khung khác nhau, nhưng cần phải tìm phương pháp để đưa về cùng một mặt bằng để xác định giá thành. Ngay cả Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) cũng đã phải lập nhóm công tác riêng để nghiên cứu xác định giá thành dịch vụ viễn thông.

Trả lời Báo Bưu điện Việt Nam về chính sách kiểm soát giá thành các dịch vụ viễn thông, đại diện Viettel cho rằng việc quản lí giá thành phải tạo điều kiện để doanh nghiệp có động lực tái đầu tư, và thúc đẩy đầu tư vào công nghệ mới. Bên cạnh đó, các mô hình tính giá thành phải phù hợp với xu hướng phát triển quản lí chung của các nước trên thế giới, cũng như đặc điểm của thị trường Việt Nam.

Ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel đưa ra ví dụ, hiện dịch vụ điện thoại cố định chi phí nhiều, doanh thu ít, trong khi đó dịch vụ di động doanh thu lớn, nhưng chi phí thấp. “Nếu tính chi phí thật của một thuê bao cố định thì có lẽ phải gấp đôi di động. Như vậy, mỗi dịch vụ viễn thông thì việc xác định giá thành cũng khác nhau”, ông Lê Đăng Dũng nói.

Đồng tình với quan điểm này của Viettel, đại diện VNPT cho rằng để xác định riêng rõ từng dịch vụ là rất khó khăn (trừ MobiFone chỉ kinh doanh dịch vụ di động). Trong khi đó nhiều dịch vụ hiện nay tính toán chi tiết có khi là lỗ như dịch vụ cố định vì các chi phí như nhân công, thuê cột... quá lớn, trong khi doanh thu lại quá thấp.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)