Đó là nhận xét của ông Patrick Sharbaugh, giảng viên môn Truyền thông Chuyên nghiệp trường ĐH Quốc tế RMIT tại Việt Nam trong một nghiên cứu gần đây do chính ông thực hiện.

Kết quả nghiên cứu của ông Patrick Sharbaugh cho biết, Việt Nam đang có khoảng 34% trong số 90 triệu dân thường xuyên online. Tính từ năm 2000, mức tăng trưởng sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt con số cực kì ấn tượng 12.000%. Sự phát triển của các hoạt động online cũng đồng nghĩa với số lượng lớn những thông tin cá nhân sẽ được lan truyền trên mạng, nhưng liệu nỗi lo ngại về sự bảo mật, thu thập và sử dụng thông tin có phải là vấn đề cần quan tâm? Câu trả lời không đơn giản, theo nghiên cứu, câu trả lời có hoặc không tùy thuộc vào từng tình huống.

Ông Sharbaugh phát hiện ra rằng quan điểm về việc thông tin cá nhân bị tiếp cận tại Việt Nam rất khác so với các nước châu Âu. “Ở Việt Nam, việc bảo mật thông tin cá nhân được cho là trách nhiệm của cá nhân chứ không phải trách nhiệm của các tổ chức, nhà cung cấp dịch vụ Internet hoặc các cơ quan chức năng. Tại Việt Nam, vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân không được coi là một quyền căn bản như ở các nước phương Tây” – ông nói.

Thông qua một điều tra qua điện thoại trên phạm vi toàn quốc với 3.405 người được phỏng vấn, chỉ có 9% trong số đó cho biết họ rất lo lắng, trong khi một nửa những người được hỏi nói rằng họ hoặc không quan tâm lắm hoặc không hề quan tâm đến việc bảo mật thông tin của mình trên mạng. Sharbaugh nói điều này trái ngược hoàn toàn với kết quả điều tra tương tự về thái độ đối với sự riêng tư ở Úc, châu Âu và Mỹ.

Sharbaugh cũng cho biết, ở Việt Nam, mọi người có xu hướng đánh đồng tính riêng tư với tính bảo mật. Nghiên cứu phát hiện rằng những người dùng Internet ở Việt Nam có chung một niềm tin rằng chìa khóa để đảm bảo tính riêng tư trên mạng là những mật khẩu và thông tin đăng nhập được bảo vệ chặt chẽ để bảo vệ những thông tin như chi tiết tài khoản ngân hàng.

Sharbaugh tin rằng điều này có liên quan đến các giá trị nho giáo, đã trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Nhóm cộng đồng được coi trọng hơn là cá nhân, do đó thông tin cá nhân không có tầm quan trọng như thông tin chung và mọi người đã quen với việc chia sẻ thông tin. Ông cũng tin rằng điều này còn liên quan đến việc mới xuất hiện nền kinh tế thị trường tự do ở Việt Nam, cũng như sự thiếu những quy định hiện hành.

Theo TGS



Bình luận

  • TTCN (0)