Những mối lo ngại về cửa hậu của phần cứng và nguy cơ chiến tranh an ninh mạng… là những vấn đề có thật đang tồn tại ở Việt Nam cũng như toàn cầu.

Đó là khẳng định của TS. Trịnh Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin Vnisa phía Nam trong bài báo cáo về hiện trạng an toàn thông tin (ATTT) tại Ngày ATTT Việt Nam 2012 diễn ra tại TPHCM ngày 16/11 vừa qua.

Xu hướng ATTT thế giới

Trong bài báo cáo của mình, TS Trịnh Ngọc Minh cho biết, mã độc hiện nay đã trở thành là một sản phẩm của thị trường, trị giá của một số loại mã độc có thể lên tới vài trăm triệu USD. Vòng đời của một mã độc từ lúc xuất hiện đến khi không còn tác dụng nữa thường kéo dài khoảng 2 năm. Sau một năm giá ngầm của mã độc thường sẽ hạ từ 1.000 USD xuống còn 25 USD. Trên Internet không thiếu những lời mời tham gia phát triển phần mềm mã độc, khai thác lỗi của hệ thống… với phần thưởng lên đến 250.000 USD. Điều đó chứng tỏ sức hấp lực làm ra mã độc là rất lớn. Từ một vài cá nhân viết mã độc nay có hẳn những công ty chuyên viết mã độc để bán.Hiện nay ước tính có khoảng 80.000 mã độc xuất hiện mỗi ngày.

Sau xuất hiện của sâu Stunet thì sự có mặt của virus Flame càng tỏ ra nguy hiểm. Virus Flame là một phần mềm tinh vi, có khả năng lấy dữ liệu, điều khiển hệ thống, tự phá hủy hết dữ liệu… Đây thực sự là mối lo ngại khi mã độc đang chuyển sang nguy hiểm cấp quốc gia, chính phủ.

Năm 2012 giới công nghệ chứng kiến sự bùng nổ mã độc trên các thiết bị di động, với 80% nhắm vào hệ điều hành Android. Vnisa dự đoán, những nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm đảm bảo an ninh cho thiết bị di động thông minh sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Theo đó thói quen, hành vi sử dụng các thiết bị di động của người dùng cũng sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai. Ngoài xu hướng tấn công liên quan đến thiết bị di động thì công nghệ điện toán đám mây đang là đích ngắm của giới hacker.

Tình hình tại Việt Nam

Số liệu thống kê từ Vnisa cho thấy, nhìn chung tình hình ATTT tại Việt Nam chưa được cải thiện, vẫn tiềm ẩn nhiều mối lo ngại. Cụ thể, tin tặc không chỉ tấn công vào các website cá nhân mà đã thâm nhập, tấn công vào các tổ chức chuyên nghiệp. Năm 2012, số lượng website Việt Nam bị tấn công là 2.500 (tăng hơn năm 2011). Tỉ lệ hệ thống máy tính ở Việt Nam bị nhiễm mã độc vẫn ở mức cao (18 máy tính bị nhiễm độc/1000 máy), ở nước ngoài tỉ lệ này là 7/1000.

“Gần đây chúng ta lại hòa vào mối lo chung của thế giới về vấn đề có hay không cửa hậu trong các thiết bị, phần cứng. Đây là bài toán và là thách thức lớn của nhà nước, doanh nghiệp, các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam trong việc tìm giải pháp giải bài toán cửa hậu này. Giải pháp có lẽ là chúng ta phải có những sản phẩm mà chúng ta tin tưởng được, và chúng ta phải nắm được công nghệ để biết được biến thể virus nào đó đang nằm trong ngóc ngách nào của thiết bị” - TS.Trịnh Ngọc Minh nhận định.

Theo TGS



Bình luận

  • TTCN (0)