Việc báo Quê hương được đưa lên mạng ngày 6/2/1997 đã "mở đường" cho một loạt báo điện tử khác ra đời như báo Nhân dân, Lao động, Vietnamnet....

Ngày 6/2/1997, báo điện tử Quê hương - báo điện tử đầu tiên đã chính thức được đưa lên Internet. Đây là cơ hội giúp báo được phổ biến rộng rãi cho kiều bào, đồng thời Tổng cục Bưu điện cũng chứng minh được lợi ích của Internet.

Internet là cách duy nhất để đưa thông tin rộng rãi cho kiều bào

Ông Hoàng Bình, nguyên Tổng biên tập báo Quê hương điện tử cho biết, năm 1995, sau một thời gian dài bị bao vây cấm vận, chúng ta có nhu cầu cung cấp thông tin ra bên ngoài để thế giới hiểu rõ và đúng về Việt Nam. Hơn nữa, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là đối tượng quan trọng cần được cung cấp thông tin chính thống từ trong nước.

Trong bối cảnh đó, việc đưa thông tin về tình hình trong nước và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta ra bên ngoài là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, lúc này Tạp chí Quê hương bản in chỉ được ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam một số lượng rất nhỏ thông qua qua các cơ quan đại diện và hội đoàn kiều bào. Vì vậy, cách duy nhất để phổ biến rộng rãi thông tin từ trong nước và giúp cộng đồng kiều bào tiếp cận dễ dàng là thông qua Internet.

May mắn là lúc đó, Tổng cục Bưu điện cũng rất muốn thúc đẩy quá trình Việt Nam kết nối với Internet thế giới nên sẵn sàng hỗ trợ về kĩ thuật giúp đưa nội dung báo Quê hương lên Internet. Đến ngày 6/2/1997, vào đúng đêm Giao thừa Tết Đinh Sửu, báo Quê hương điện tử chính thức lên mạng Internet. Ngay lập tức khối cơ quan nhà nước, nghiên cứu khoa học, kiều bào ở nước ngoài... đã có thể kết nối vào mạng Internet Việt Nam để xem thông tin từ Việt Nam. Như vậy, báo Quê hương đã trở thành tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.

Ông Bình cho rằng, việc lựa chọn thời điểm để đưa báo Quê hương lên mạng cũng được tính toán rất chu đáo. Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán chiếm vị trí cực kì quan trọng. Và thời khắc giao thừa - chuyển từ năm cũ sang năm mới là vô cùng thiêng liêng. Việc được tiếp cận những thông tin về cuộc sống của đồng bào trong nước trên Internet đúng đêm Giao thừa thực sự gây xúc động sâu sắc trong lòng những người Việt sống xa Tổ quốc. "Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vai trò hết sức quan trọng trong việc quảng bá cho tờ báo điện tử đầu tiên này", ông Bình cho biết thêm.

Gian nan ngày đầu làm báo điện tử

Cũng theo ông Bình, tại thời điểm ngày 6/2/1997 khi lần đầu tiên được đưa lên mạng, báo Quê hương chỉ là một trang được gửi trên trang chủ của VNPT với địa chỉ http://home.vnn.vn/quehuong. "Cuối năm 2000, chúng tôi được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp phép chính thức với địa chỉ là www.quehuong.org.vn. Sau này, báo Quê hương tiếp tục cải tiến và sử dụng tên miền www.quehuongonline.vn như hiện nay", ông Bình nói.

Cách thức làm báo điện tử và nội dung báo Quê hương điện tử những năm đầu tiên còn hết sức "sơ khai", nội dung chủ yếu là những bài viết đã được đăng trên tạp chí Quê hương bản giấy và chuyển vào đĩa mềm thông qua phần mềm BKED (phần mềm xử lí văn bản tiếng Việt phổ biến nhất Việt Nam trong những 90 của thế kí 20 do ông Quách Tuấn Ngọc nay là Cục trưởng Cục CNTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển). Sau đó, người của báo Quê hương chuyển đĩa mềm qua VNPT để nhờ kĩ thuật viên của họ đưa lên mạng.

Sau 15 năm phát triển, báo điện tử hiện nay đã có những bước phát triển nhảy vọt quá sức tưởng tượng. "Ít người biết rằng, thời gian đầu chúng tôi phải in nội dung tạp chí trên đĩa mềm rồi chuyển ra bưu điện đưa lên mạng. Bây giờ, với một máy laptop, ở bất kì nơi nào có kết nối Internet chúng ta cũng có thể đưa báo lên Internet", ông Bình kết luận.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) cho biết: "16 năm trước, khi tôi đi báo cáo Thường trực Bộ Chính trị, nhiều người đã lo ngại về những tác động xấu của Internet. Sau đó, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải bảo với tôi rằng cố gắng quản lí Internet cho tốt vì nếu mở ra mà đóng lại thì sẽ không biết ăn nói với thế giới như thế nào. Sau khi báo Quê hương được đưa lên mạng, những người phụ trách tư tưởng đã thấy được cái lợi của Internet và "mở đường" cho một loạt báo điện tử khác ra đời như báo Nhân dân, Lao động, Vietnamnet..."

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)