Triển lãm công nghệ hàng đầu thế giới CeBIT tại Hannover (Đức) năm nay lấy công nghệ xanh làm kim chỉ nam nhưng vẫn tỏ ra không lôi cuốn. Tập đoàn bảo vệ môi trường Greenpeace cho rằng những sản phẩm được coi là “sạch” tại đây vẫn cần được cải tiến hơn nữa.

"Các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng còn một chặng đường rất dài để đi. Bởi thực chất những sản phẩm của họ vẫn ít nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường", ông Yannick Vicaire, một quan chức của Greenpeace đến tham dự CeBIT nói.

Triển lãm CeBIT lần này chỉ diễn ra trong 6 ngày, từ 4 đến 9-3-2008. Các "ông lớn" như IBM và Microsoft đều cam đoan các sản phẩm của họ ngày càng thân thiện hơn với môi trường. Nhưng Greenpeace cũng nhân dịp CeBIT năm nay để kiểm chúng lại tính trung thực của những sản phẩm dán mác công nghệ sạch tại đây. Hãng này đã thử nghiệm 37 sản phẩm từ 14 hãng điện tử danh tiếng và chấm điểm chúng dựa trên các tiêu chuẩn như nồng độ các chất gây hại, mức tiêu thụ điện năng và khả năng tái chế.

Theo đại diện của Greenpeace, máy tính xách tay Sony Vaio TZ11, điện thoại Sony Ericsson T650i và chiếc PDA Sony Ericsson P1i đứng đầu bảng trong cuộc khảo sát này, nhưng điểm số của chúng vẫn chỉ đạt một nửa so với mức điểm chuẩn có thể chấp nhận được là 100 điểm.

Những sản phẩm khác lọt vào top dẫn đầu của nghiên cứu này là các máy tính để bàn Dell Optiplex 755 và HP dc5750; và mẫu điện thoại di động đa phương tiện N95 của Nokia.

Một số hãng sản xuất thậm chí còn từ chối cung cấp cho Greenpeace số liệu về sản phẩm hoặc không cung cấp các tài liệu một cách đầy đủ và đúng hạn, chẳng hạn Apple, Microsoft, Nintendo và Palm.

Cơ quan đi đầu về giữ gìn môi trường cho biết việc làm này sẽ buộc các hãng điện tử có trách nhiệm hơn với chính sản phẩm của họ, ngay từ khi ra lò đến khi chúng biến thành phế thải.

Mạng Internet Toàn cầu hiện nay tiêu thụ một lượng điện gần tương đương với công suất của 14 nhà máy phát điện gộp lại để duy trì hoạt động của các máy tính và máy chủ, đồng thời thải ra lượng CO2 bằng toàn bộ ngành công nghiệp hàng không, theo báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Gartner.

Tuy nhiên theo Greenpeace, nghiên cứu này chưa hề tính đến lượng khí thải trong quá trình chế tạo cũng như ảnh hưởng của hàng triệu máy tính phế thải hiện có trên phạm vi toàn cầu. Gartner cũng chưa đả động gì đến lượng rác thải được tạo ra mỗi năm do thiếu quy trình phục hồi tái chế đúng quy cách, mà theo ước tính của Liên hiệp quốc, con số này là 20 - 50 triệu tấn mỗi năm.

Tất cả các thiết bị điện tử đều hàm chứa một lượng các chất độc hại. Điều này đồng nghĩa chúng ta đang sống chung với một lượng chất gây hại khổng lồ. Theo Greenpeace, đã có một lượng lớn rác thải điện tử (e-waste) được nhập khẩu thường xuyên và bất hợp pháp đến các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và một số quốc gia châu Phi, nơi mà việc quản lý môi trường còn lỏng lẻo. Hệ lụy của nó là những công nhân, mà không ít trong số họ là phụ nữ và trẻ em, ở các quốc gia này đang đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường và những mối đe dọa tới sức khỏe.

Tổ chức này cũng đưa ra các hình ảnh về hiện tượng những công nhân làm việc trong điều kiện thiếu an toàn khi thực hiện bóc tách các bo mạch chủ cũ hỏng cũng như việc đốt cháy vỏ nhựa cáp thông tin để lọc lấy lõi đồng bên trong. Greenpeace cũng chỉ ra các TV và máy chơi game như Sony PlayStation và Xbox của Microsoft là hai nhóm sản phẩm đạt điểm kém nhất trong tiêu chí bảo đảm an toàn môi trường.

Nhiều người cũng lên tiếng CeBIT cần đổi mới trong cách tổ chức để khỏi bị lu mờ bởi các Triển lãm Hàng điện tử thường niên quốc tế khác như CES (Las Vegas), Mobile World Congress (Tây Ban Nha) và IFA...

(Theo Tuổi trẻ/AFP)



Bình luận

  • TTCN (0)