Một mẫu netbook sử dụng chip Intel Atom: Sẽ nhỏ nhẹ và mỏng không thua kém Apple MacBook Air.

Cùng chip Atom, Intel đưa ra khái niệm mới về thông tin giải trí (Infotainment) và nhấn mạnh tiềm năng của thị trường điện toán di động trên môi trường Internet mà hãng mới khai phá.

Những hệ thống sử dụng chip Atom sẽ có mặt trên thị trường vào cuối quý 3/2008 dựa trên nền tảng Calistoga (ICM-7) sẽ được gọi là "nettop" nếu có hình dạng của máy để bàn, dạng xách tay được gọi là "netbook" và dạng siêu nhỏ có tên gọi Thiết bị Internet di động (Mobile Internet Device - MID).

Hai hệ điều hành đầu tiên được khẳng định có thể chạy với Atom là Windows Vista và Linux. Intel đã xây dựng cho "chú chim cánh cụt" một căn cứ mới tại Moblin.org. Không chỉ thay đổi về tên gọi, Intel mở ra một thị trường máy tính hoàn toàn mới mà đối thủ AMD trước mắt vẫn chưa vươn tới được.

Giới hạn tính năng để tập trung vào Internet

Những đặc tả đầu tiên về máy tính sử dụng Atom cho thấy hầu hết chúng khó có thể "định vị" vào mức nào với PC thông thường. Thiết kế của những máy tính mới sử dụng được thay đổi cấu trúc gắn kết chặt chẽ hơn với Internet, trở thành những trung tâm điện toán dựa trên nền tảng mạng toàn cầu (Internet Centric).

Những đặc tả ban đầu về máy tính sử dụng chip Atom đẩy toàn bộ phần tính toán về phía máy chủ. Chúng chỉ chạy được một số ứng dụng cài sẵn khi xuất xưởng và các dịch vụ trực tuyến. Thiết kế chip Atom cho phép hỗ trợ toàn bộ tập lệnh của Core 2 Duo để có được "trải nghiệm đầy đủ" trong việc lướt web, nghe nhạc và xem phim trực tuyến, trò chuyện bằng tin nhắn IM, tham gia vào các mạng xã hội, gửi email và chơi những trò chơi trực tuyến căn bản. Nếu so sánh với những PC cấp thấp sử dụng chip Celeron hiện nay, nettop và desktop thậm chí thiếu hẳn khả năng cài đặt phần mềm, chạy các ứng dụng văn phòng, chơi đĩa nhạc hay video, xử lý tác vụ đa nhiệm hoặc lưu trữ file dữ liệu. Nói cách khác, nếu không được kết nối Internet, netbook và nettop có nhiều cơ hội trở thành... đồ trang trí.

Những máy netbook sẽ có cấu hình rất gọn nhẹ với giá thành sản xuất dưới 250 USD. Điều này cũng mở ra cơ hội tiến gần hơn tới ngưỡng 100 USD của laptop cho học sinh (Classmate PC) - dòng sản phẩm có giá bán và tính năng căn bản nhất trong những máy tính sử dụng chip Intel.

Hạn chế hơn về tính năng, thiết bị Internet di động MID có giá bán khoảng 500 USD, tương đương với những laptop tầm trung, nhưng vượt trội về trọng lượng và thời gian dùng pin. Những công nghệ mới như 45nm, cổng giao tiếp bằng kim loại Hi-K Metal,... cho phép Intel tiếp tục sử dụng kiến trúc x86 trong cuộc theo đuổi về năng lượng thay vì tiếp tục phát triển dòng chip điện năng thấp XScale của mình.

Tiềm năng thị trường: 1,5 tỷ trẻ em

Ảnh
Tiềm năng thị trường dành cho Atom: 1,5 tỷ trẻ em và gần 200 triệu người thường xuyên làm việc khi di chuyển.

Không phải vô tình mà Intel lại đưa những công nghệ mới nhất của mình cũng với chiến lược tiếp thị rầm rộ toàn cầu cho con chip Atom "rẻ tiền".

"Những thứ bên trong MacBook Air được sản xuất với công nghệ 65nm đã cũ. Chip Atom được chế tạo với công nghệ 45nm", một quan chức của Intel bóng gió về tiềm năng của những sản phẩm dùng Atom trên blog của mình.

Theo tính toán của Intel, thị trường dành cho Atom sẽ cực lớn với khoảng 1,5 tỷ trẻ em từ 5-19 tuổi cho đến năm 2010. Ngoài ra còn có gần 200 triệu người độ tuổi trưởng thành thường xuyên phải làm việc khi di chuyển.

"Mức giá của netbook và nettop khiến ai cũng có thể mua được, kể cả những thị trường phát triển hay đang phát triển", ông Navin Shenoy, Tổng Giám đốc Châu Á - TBD của Intel, chia sẻ trong ngày ra mắt Atom ngày 4/3. Theo ông, cơ hội cho Atom tại thị trường đã phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Anh,... sẽ trong vai trò của chiếc máy tính thứ hai.

Việt Nam nằm trong danh sách những thị trường đang phát triển ấn tượng (Top Emerging) cùng với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin,... và những chiếc máy tính giá rẻ có thể là chiếc máy đầu tiên trong gia đình khách hàng.

Sống lại thời kỳ máy tính mạng?

Ảnh
Laptop cho học sinh sẽ tiến gần hơn tới ngưỡng 100 USD mỗi chiếc.

Trên thực tế, ý tưởng về máy tính cấu hình gọn nhẹ, giá rẻ đã được đề cập từ 10 năm trước. Năm 1996, hãng Oracle (Mỹ) đã đăng ký nhãn hiệu máy tính mạng (Network computer - NC) cho những desktop rẻ tiền, không ổ đĩa cứng lẫn mềm và việc tính toán hoàn toàn dựa vào máy chủ mạng. Khi đó, NC được gọi là "cứu cánh" cho những quản trị muốn rũ cơn ác mộng về máy tính đa cấu hình và đĩa mềm chứa virus có thể lây lan phá hoại hệ thống. Một công ty đã dùng NC Network Station của IBM thay thế cho PC tính năng thấp và đầu cuối câm ở trụ sở chính của công ty.

Theo tính toán bởi CIO của công ty này, Network Station có thể giúp họ giảm được tổng chi phí sử dụng xuống 50%, đồng thời lại mở rộng mạng tới những người trước đây không truy cập được email và các thông tin cộng tác khác.

Tuy nhiên, cái chết yểu của NC lại được chính Larry Ellison, Giám đốc Điều hành của Oracle, dự đoán trước bởi sự nghèo nàn về tài nguyên thông tin. Khi đó, kết nối Internet cho người dùng phổ thông vẫn là đường dial-up 28.8 Kbps. Dịch vụ World Wide Web chỉ thực sự bùng phát 2 năm sau đó (năm 1998) và tạo thành một cuộc cách mạng về "nền kinh tế dot com".

"Không thể đồng nhất những máy tính chạy Atom với những NC trước đây, nhưng về căn bản, chúng cũng có một số điểm chung", một chuyên gia công nghệ nhận xét. "Điều quan trọng là thời thế đã đổi khác, kết nối tốc độ cao và sự bùng nổ của dịch vụ trên Internet hiện nay đem lại sức sống hoàn toàn mới cho nettop và netbook.

Nếu có được đường truyền tốt, bạn có thể làm mọi việc trên Internet thay vì lưu trữ trong ổ cứng của mình. Và đương nhiên loại bỏ đi một số thành phần trong máy tính đồng nghĩa với việc giảm điện năng tiêu thụ và trọng lượng của thiết bị".

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)