Đoàn chuyên gia Việt Nam tại khu vực sản xuất vệ tinh VINASAT-1 (màu đen, phía sau) của hãng Lockheed Martin (Mỹ). Ảnh: H.M.M.

Tại buổi họp báo công bố việc vệ tinh VINASAT-1 được phóng lên quỹ đạo trái đất, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Nguyễn Bá Thước đã khẳng định: "Về mặt lý thuyết, tuổi thọ của VINASAT là 15 năm nhưng nếu chúng ta bảo trì, bảo dưỡng tốt và điều kiện khách quan tốt thì nó có thể khai thác đến 20 năm."

Cũng tại đây, đại diện hãng Lockheed Martin và đại diện công ty phóng vệ tinh, Arianespace đã trả lời báo giới xung quanh quá trình nhà sản xuất vệ tinh và việc bảo đảm cho vệ tinh Vinasat được phóng thành công trên quỹ đạo...

- Thưa ông, với tư cách chủ đầu tư của dự án, VNPT cho biết, khả năng thu hồi vốn của vệ tinh VINASAT-1 là khoảng 9-10 năm mà tuổi thọ của VINASAT-1 chỉ là 15 năm thôi. Vậy thời gian còn lại có thể được coi là quá ngắn hay không?

- Ông Nguyễn Bá Thước: Về mặt lý thuyết, tuổi thọ của VINASAT là 15 năm. Tuy nhiên nếu chúng ta bảo trì, bảo dưỡng tốt và có điều kiện khách quan tốt thì có thể khai thác đến 20 năm.

Tại sao chúng tôi lại xây dựng bài toán kinh doanh thu hồi vốn trong 10 năm? Lý do là bất cứ nhà kinh doanh nào khi bước vào lĩnh vực kinh doanh mới, tiếp cận lần đầu thì trong bài toán kinh doanh phải lường hết rủi ro. Vì vậy chúng tôi phấn đấu cố gắng 9-10 năm sẽ hoàn vốn.

Ảnh
Ông Nguyễn Bá Thước tại buổi họp báo công bố sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-1. Ảnh: Hưng Hải.

Nhưng nếu chúng ta khai thác tốt, thị trường phát triển tốt, khai thác các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin thông qua VINASAT-1 (cho ngư dân trên biển, dẫn đường, khai thác dầu khí, khai thác tài nguyên vùng sâu, vùng xa…) thì không loại trừ khả năng thời gian thu hồi vốn chỉ là 7 năm thôi. Chúng tôi rất kỳ vọng vào vệ tinh này.

Những năm gần đây, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập WTO, nền kinh tế - chính trị xã hội ổn định, các nhà đầu tư đến với chúng ta, các nhà đầu tư trong nước cũng đang bỏ vốn đầu tư kinh doanh sản xuất. Do đó không có lý do gì để không tin tưởng vào nhu cầu viễn thông vệ tinh của thị trường.

- Như ông nói, liệu VINASAT có phải là hướng kinh doanh mới của VNPT ko và là hướng đi trọng điểm trong 10-15 năm tới?

- Cũng có thể giống như bạn nói. Nhưng VNPT đã từng thuê vệ tinh từ những năm 1980 rồi. Vậy VNPT không có gì mới trong việc kinh doanh dịch vụ từ vệ tinh. Nhưng quan trọng ở đây là lần đầu tiên chúng ta có vệ tinh này và làm chủ khai thác nó. Còn khai thác vệ tinh thì VNPT đã làm từ những năm 1980.

- Những người dân ở hải đảo, vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng lợi như thế nào từ các dịch vụ vệ tinh, thưa ông?

- Dịch vụ cụ thể là truyền hình thông qua băng thông vệ tinh. Từ hải đảo, chúng ta cũng vẫn có thể bắn tín hiệu truyền hình lên vệ tinh và khắc phục được khoảng cách địa lý.

Ở vùng sâu, vùng xa, nếu truyền sóng vô tuyến thì có thể bị địa hình núi non cản trở. Nhưng nếu dùng vệ tinh bắn xuống thì chắc chắn phương tiện truyền dẫn sẽ bảo đảm chất lượng. Ngư dân trên biển có thể nghe được đài, xem ti vi, xem dự báo thời tiết không phụ thuộc vào vô tuyến sóng ngắn hay vi ba. Điều này rất có lợi cho người dân và các nước trong khu vực đã làm từ lâu.

- Trong quá trình triển khai dự án, với vai trò là chủ đầu tư, VNPT có gặp phải khó khăn nào hay không?

- Dự án cấp quốc gia này được khởi xướng từ năm 1995 đến nay là 13 năm. Trong quá trình triển khai, dự án đã mắc phải nhiều khó khăn hơn dự kiến. Trước hết là khó khăn trong việc thống nhất cấu hình và băng tần phát đáp của vệ tinh. Thứ hai là việc đăng kí quỹ đạo với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Vì quỹ đạo vệ tinh là tài nguyên có hạn và ITU chỉ chấp nhận đăng kí theo nguyên tắc ai đến trước đăng kí trước và người đến sau không được gây can nhiễu cho những đối tượng đến trước. Ngoài ra, không có luật nào buộc các nước phải có tinh thần hợp tác nên quá trình đàm phán với đối tác các nước rất khó khăn và kéo dài.

Ảnh
Vệ tinh VINASAT-1 (màu đen) đang được vận chuyển vào khu kiểm tra trước khi lắp ráp với tên lửa Ariane 5 tại trung tâm vũ trụ Guiana ở Kourou, Nam Mỹ. Ảnh: CNES.

Tuy nhiên, đến năm 2005, sau khoảng hơn 10 năm đàm phán, Việt Nam đã thành công trong việc dành được chủ quyền tại vị trí 132 độ Đông. Đây là thành công quan trọng trong dự án phóng vệ tinh địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam.

Tiếp đến là quá trình đấu thầu quốc tế và lựa chọn đối tác thực hiện dự án VINASAT–1 dựa trên các tiêu chí: đảm bảo an toàn và giảm thiểu rủi ro; đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, độ tin cậy và yêu cầu về công nghệ hiện đại, đã qua trải nghiệm; có các điều kiện thương mại và giá cả hợp lý.

Và khi đưa vào khai thác thương mại, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác hiệu quả, thu hồi được vốn từ vệ tinh VINASAT-1.

- Tại sao VNPT lại chọn băng tần C và Ku cho vệ tinh VINASAT-1, thưa ông?

- Băng C và băng Ku có năng lực kinh doanh, nhu cầu băng thông rộng rất lớn. Đây cũng là hai băng tần phổ biến. Việc sử dụng băng tần này được căn cứ vào nhu cầu của thị trường Việt Nam và khu vực.

- Sau khi phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo, VNPT đã có đề xuất gì để có cơ chế cho DN, tổ chức chuyển sang sử dụng dịch vụ của vệ tinh VINASAT-1?

- Trong tháng 2 vừa qua, VNPT đã trình lên Ban chỉ đạo quốc gia Dự án VINASAT cơ chế ưu đãi cho khách hàng thuê kênh vệ tinh. Theo đó, VNPT đã đề nghị Bộ TT-TT miễn cước sử dụng tần số trong 10 năm đầu cho các DN sử dụng.

Chúng tôi cũng cho phép VTI - đơn vị khai thác kinh doanh VINASAT-1 - sẽ hỗ trợ cho khách hàng chuyển đổi thiết bị mặt đất cho phù hợp với vệ tinh này. Đồng thời, Quỹ Viễn thông công ích sẽ hỗ trợ cho các DN sử dụng vệ tinh VINASAT-1 với vai trò là kênh truyền dẫn đến hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cho người dân sử dụng những dịch vụ cơ bản.

"Tiềm năng khai thác dịch vụ của VINASAT-1 là rất lớn"

Cũng trong buổi họp báo công bố sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-1 của VNPT, đại diện hãng sản xuất vệ tinh Lockheed Martin đã trả lời các câu hỏi của báo giới:

Ảnh
Ông Jim Gribbon - đại diện hãng Lockheed Martin. Ảnh: Hưng Hải.

- Các ông có thể cho biết về quá trình sản xuất vệ tinh và dự báo khả năng sử dụng của nó tại VN?

- Ông Jim Gribbon, Phó chủ tịch khu vực châu Á của Lockheed Martin: Lịch trình sản xuất vệ tinh Vinasat chỉ diễn ra trong vòng 22 tháng, Trong khi, trung bình thời gian sản xuất một vệ tinh từ 24-30 tháng.

Trước đó phải cắt giảm thời gian từ 24 tháng xuống 22 tháng nên chúng tôi đã phải làm thêm trong nhiều giờ và tăng thêm số lần đo kiểm.

Chúng tôi đã sản xuất 36 vệ tinh ,trong đó, 80% có kích thích tương đương với VINASAT. VINASAT-1 là vệ tinh có dung lượng trung bình. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng làm việc với VNPT tại trạm điều khiển mặt đất trong vòng 6 tháng để giúp VNPT điều khiển vệ tinh.

Thị trường VT của VN có nhu cầu sử dụng lớn nên chắc chắn sử dụng hết dung lượng vệ tinh Vinasat. Vinasat lại không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên tiềm năng khai thác dịch vụ rất lớn.

Trên thế giới có 280 vệ tinh, trong đó có 80 vệ tinh ở châu Á. Đông Nam Á có 6 nước là Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippin, Malaysia và sắp tới đây là Việt Nam.

- Quá trình phóng vệ tinh được đảm bảo thành công như thế nào, thưa ông?

Ảnh
Ông Richard Bowles. Ảnh: Hưng Hải.

- Ông Richard Bowles, Giám đốc Arianespace Khu vực Đông Nam Á: Tại bãi phóng ở Nam Mỹ, chúng tôi có hệ thống các cột chống sét để bảo vệ tên lửa...Vị trí bãi phóng nằm gần đường xích đạo, rất thuận tiện để đưa vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh.

Chúng tôi đảm bảo cho việc phóng VINASAT-1 nhanh chóng và an toàn. Về thời tiết tại bãi phóng, gần như không có bão ở khu vực này, thuận lợi cho việc phóng vệ tinh lên tất cả các quỹ đạo của trái đất.

Trong giai đoạn đầu của việc phóng vệ tinh, sẽ có áp lực, sóng siêu âm mạnh. Chúng tôi có hệ thống máy tính theo dõi và phân tích từ khi đốt nhiên liệu, đến khi động cơ hoạt động…Vì tên lửa có độ tin cậy cao nên rủi ro liên quan đến vệ tinh rất thấp. Những rủi ro trong giai đoạn phóng vệ tinh sẽ được giảm thiểu.

Sự cố của việc phóng vệ tinh phụ thuộc 50% vào vệ tinh và 50% vào tên lửa đẩy. Chúng tôi cũng bố trí bệ phóng thứ hai để phóng tiếp vệ tinh thay thế, nếu chẳng may xảy ra sự cố. ArianeSpace có khả năng dừng phóng vệ tinh khi có sự cố hoặc bất thường về dữ liệu.

Trước khi phóng và trong quá trình phóng, chúng tôi liên tục đo kiểm các dữ liệu của việc phóng vệ tinh VINASAT – 1, bảo đảm không có sự cố xảy ra..

Theo Hoàng Hùng - Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (2)
Quang Trung  22192

Suốt ngày nghe mấy ông viễn thông cáp quang chê vệ tinh chỉ có tuổi thọ trung bình là 7 năm, nhưng chắc đó là số liệu cách đây 20 năm rồi thì phải! ;D

Nemo Nguyen  21665

Có 2 ứng dụng thương mại chính của Vinasat:

1. Truyền hình vệ tinh -> Trong giai đoạn bùng bổ của truyền hình số thì các nước phát triển đã chứng minh là công nghệ DVB-T đang chiếm lĩnh thị trường (còn chưa nói đến DVB-C qua cáp) và TV over ADSL cũng phát triển mạnh. Chi phí cho truyền hình vệ tinh sẽ lớn hơn nhiều các công nghệ khác, do vậy

2. Dịch vụ internet, liên lạc cho vùng sâu và hải đảo -> lợi nhuận cho thị trường này ko nhiều vì nông dân và ngư dân mình còn nghèo và trình độ chưa cao.

-> Thời gian thu hồi vốn là 10 năm thì là quá dài trong thời buổi công nghệ này (thường 5 năm là dài), nhưng vì các lý do về an ninh quốc phòng cũng như tự chủ về vệ tinh (chưa chắc vì lợi nhuận), chúng ta vẫn phải cố mà có vệ tinh riêng.