Cổng thông tin Bộ TT&TT đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến để người dân, doanh nghiệp có thể đọc nội dung thông tin của Cổng trên điện thoại di động. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

100% Bộ, ngành đã có trang/cổng thông tin điện tử (website/portal), song chất lượng công nghệ và nội dung thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp của nhiều website/portal vẫn hạn chế.

Thiếu nhiều thông tin dân cần

Mục đích chính của việc sinh ra các website/portal Bộ, ngành là tạo ra một kênh giao tiếp trực tuyến đa chiều giữa các cơ quan công quyền với cộng đồng người dân và doanh nghiệp, tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động hành chính công. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết các website/portal Bộ, ngành mới chủ yếu cung cấp những thông tin cơ bản như văn bản quy phạm pháp luật, tin sức sự kiện hoạt động nổi bật của Bộ, ngành đó, chưa tạo được mối quan hệ tương tác đa chiều giữa cơ quan quản lí Nhà nước với người dân, doanh nghiệp.

Rất nhiều thông tin mà người dân, doanh nghiệp thường có nhu cầu tìm kiếm khi truy cập website/portal Bộ, ngành vẫn đang thiếu, thậm chí bị để trống.

Theo một khảo sát của Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT thì năm 2010, 10% website/portal Bộ, ngành chưa có thông tin về lãnh đạo cơ quan; 15% chưa có thông tin chính thức của từng đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức có thẩm quyền; 10% chưa có thông tin thống kê chuyên ngành; 90% chưa cho phép người truy cập đọc được các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thông quan liên kết; 45% chưa có danh sách các dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công.

Cũng theo khảo sát vừa nêu, các Bộ, ngành vẫn có vẻ chưa quan tâm đúng mức tới việc đầu tư cho thông tin bằng ngoại ngữ trên website/portal dù rằng đang trong xu thế hội nhập toàn cầu. Có tới 40% website/portal chưa cung cấp nội dung thông tin bằng ngoại ngữ về sơ đồ cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; 75% chưa có chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; 40% chưa có họ tên, chức vụ, điện thoại, địa chỉ thư điện tử chính thức, nhiệm vụ đảm nhiệm của lãnh đạo trong đơn vị; 60% chưa có thông báo các quy trình, thủ tục liên quan đến người nước ngoài.

Về công nghệ, 45% website/portal Bộ, ngành chưa sử dụng công cụ đa phương tiện; 50% chưa hỗ trợ truy cập từ các thiết bị di động cầm tay; 85% chưa cung cấp công cụ cho phép người truy cập đánh giá và xếp hạng; 75% chưa có chức năng theo dõi quá trình xử lí dịch vụ công trực tuyến.

Hiện chưa có khảo sát mới cập nhật lại những con số tỉ lệ nêu trên. Nhưng chiều 3/12/2012, dạo thử một vòng quanh các website/portal Bộ, ngành thì vẫn còn một số Bộ, ngành chưa đáp ứng nhu cầu về thông tin cơ bản cho người dân, doanh nghiệp.

Chẳng hạn, vẫn có website chỉ cung cấp số điện thoại của thư kí Bộ trưởng, Thứ trưởng. Người dân, doanh nghiệp khó có thể phản ánh ý kiến, kiến nghị với lãnh đạo Bộ mà buộc phải qua đội ngũ thư kí giúp việc. Và với một số điện thoại bàn của thư kí, chắc nhiều người sẽ phải “xem giờ đẹp” để tránh nghẽn mạng hoặc thư kí vắng nhà. Tìm hiểu thêm thông tin về lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ hiển thị trên website thì thấy không có một địa chỉ email của lãnh đạo Bộ, Vụ, Cục hoặc đơn vị thuộc Bộ nào được công bố công khai cho người dân và doanh nghiệp tiện liên hệ khi cần. Dù rằng xung quanh câu chuyện ứng xử với email của các cơ quan Nhà nước vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như lo ngại vấn nạn thư rác, không có người chuyên phụ trách việc xử lí email… song thiết nghĩ email vẫn là một kênh giao tiếp quan trọng mà các cơ quan Nhà nước không nên bỏ qua.

Về công nghệ thì phần lớn các website/portal vẫn chưa có sự tiến triển gì so với khảo sát của năm 2010, chưa thấy tích hợp những công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ người dân truy cập, giao tiếp qua webite/portal mọi lúc, mọi nơi.

Lo lắng an toàn bảo mật

Website/portal cơ quan Nhà nước được xem là thành phần quan trọng của mô hình chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử. Song với hiện trạng lơ là bảo mật website/portal ở nhiều Bộ, ngành hiện nay, rất có thể đây sẽ là mắt xích yếu, tạo cơ hội cho tội phạm mạng tấn công, gây ảnh hưởng tới cả hệ thống CNTT của chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử.

Hàng loạt cảnh báo từ phía các chuyên gia an toàn bảo mật đã được công bố. Chẳng hạn, tại Hội thảo Xây dựng chính sách đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) trong việc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam diễn ra hồi tháng 5/2012, đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết kết quả khảo sát đánh giá ngẫu nhiên 100 webstite tên miền cơ quan nhà nước (.gov.vn) cho thấy 78% số website có thể bị tấn công "thay đổi nội dung" hoặc "đánh sập" bất cứ lúc nào do không có biện pháp bảo vệ tối thiểu chống lại việc dò quét như hệ thống ngăn ngừa xâm nhập....

Đến tháng 7/2012, các chuyên gia của Công ty Bkav lại tiếp tục cảnh báo về việc có tới 32% máy chủ web của các cơ quan Chính phủ sử dụng sản phẩm của Microsoft đang tồn tại lỗ hổng nguy hiểm trong giao thức Remote Desktop Protocol (RDP), có thể bị chiếm quyền điều khiển từ xa, thậm chí ảnh hưởng tới an ninh quốc gia (đây là kết quả cuộc khảo sát được thực hiện đối với 520 website .gov.vn).

Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Bộ phận An ninh mạng Bkav nhận xét: Tình hình ATTT của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều thay đổi so với thời điểm năm 2011, trung bình mỗi tháng gần 200 website bị tấn công, trong đó khoảng hơn 30% là các trang web cơ quan nhà nước .gov.vn. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu tư hạn chế nên các cơ quan nhà nước chưa có nhiều sự chuyển biến trong bảo đảm ATTT ngoài việc tổ chức một số khóa học, đào tạo về an ninh mạng, thuê chuyên gia đánh giá...

Ông Đức cũng đặc biệt lưu ý về việc hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai trên các cổng thông tin điện tử (portal) của Bộ, ngành, địa phương, song rất nhiều portal lại đang tồn tại lỗ hổng có thể “giúp” hacker khai thác dữ liệu của người sử dụng dịch vụ công.

Hiện vẫn chưa có báo cáo tổng quan nào về hiện trạng đảm bảo an toàn bảo mật cho các dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam được công bố. Nếu các Bộ, ngành không quan tâm đúng mức tới vấn đề này, tội phạm mạng có thể khai thác những thông tin cá nhân thu thập được từ các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến rồi gây hại cho người dân, chẳng hạn mạo danh để làm việc phi pháp, hoặc sử dụng các tài khoản để chiếm đoạt tài sản cá nhân.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)