Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Cơ quan thường trực Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) xếp Hàn Quốc ở vị trí đầu bảng về chỉ số kĩ thuật số, hạng 2 về chỉ số xã hội thông tin, thứ 6 về chỉ số sẵn sàng Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng nằm trong số các quốc gia Top đầu về hoạt động CNTT của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Phát triển mạnh thị trường băng rộng cố định

Tháng 6/2009, Hàn Quốc có 16 triệu thuê bao băng rộng cố định, tỉ lệ thâm nhập hộ gia đình lên tới 94% - một trong những tỉ lệ cao nhất thế giới. Hiện có 122 nhà cung cấp dịch vụ băng rộng cố định, bao gồm 8 nhà mạng viễn thông cố định, 114 nhà mạng và truyền hình cáp địa phương. Thị trường băng rộng cố định Hàn Quốc đã phát triển qua 4 giai đoạn: thương mại hóa dịch vụ băng rộng đầu tiên (1998-1999); số thuê bao và tỉ lệ thâm nhập hộ gia đình tăng đột biến (2000-2002); tỉ lệ thâm nhập băng rộng chậm lại và là dấu hiệu thị trường bão hòa (2003-2005); các nhà mạng triển khai thế hệ mạng cáp quang mới (2005 trở đi).

Cũng như nhiều quốc gia khác, bước phát triển ban đầu trên thị trường băng rộng cố định Hàn Quốc liên quan chặt chẽ tới truyền hình cáp. ThruNet dẫn đầu thị trường năm 1999 và cuối những năm 1990, các nhà cung cấp Internet khác như Dreamline, SKT và Onse – gia nhập thị trường thông qua cung cấp cơ sở hạ tầng cáp. Dù vậy, các nhà mạng thất bại vì không giành được nền tảng thuê bao cần thiết.

Tháng 4/1999, Hanaro gia nhập thị trường băng rộng. Hanaro Telecom (nay là SK Broadband) được thành lập tháng 9/1997 nhằm tăng thêm sự cạnh tranh cho thị trường điện thoại trong nước. Tuy nhiên, hãng nhanh chóng chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao tại Seoul, Busan, Incheon và Ulsan. Cuối tháng 12/2002, công ty triển khai mạng cáp quang bao phủ 100 thành phố. Hanaro cung cấp dịch vụ truy cập ADSL và modem cáp, đe dọa chiến lược và doanh thu của KT – thời bấy giờ vẫn dựa vào kết nối ISDN và dịch vụ kết nối quốc tế riêng biệt cho doanh nghiệp (leased line). KT vì thế lập tức đáp trả, tiến vào thị trường ADSL tháng 6/1999 và thu được 800.000 khách hàng ADSL trong chưa đầy một năm, nhanh chóng trở thành người dẫn đầu thị trường.

Từ cơ sở hạ tầng cáp tới nhà cung cấp ADSL

Sự triển khai và tỉ lệ thâm nhập băng rộng của Hàn Quốc ngay tại giai đoạn đầu phát triển là một trong những câu chuyện nổi bật của viễn thông thế giới. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao thị trường băng rộng khởi đầu từ cơ sở hạ tầng cáp lại kết thúc bằng sự thống trị của các nhà cung cấp dịch vụ ADSL những năm cuối 1990? Câu trả lời nằm ngay trong 3 đặc điểm của thị trường Hàn Quốc: Khả năng lắp đặt DSLAM của các nhà mạng DSL tại các nhà cao tầng; xây dựng chủ sở hữu liên quan tới cơ sở hạ tầng cần thiết để tăng độ hấp dẫn và giá trị cho tài sản; gánh nặng quản lí đối với các nhà khai thác truyền hình cáp ngăn họ cạnh tranh với công ty viễn thông.

Từ giữa năm 2000-2002, Hàn Quốc chứng kiến tỉ lệ thâm nhập băng thông tăng nhanh nhất thế giới với số thuê bao tăng 200%, tỉ lệ tiếp cận hộ gia đình tăng từ 27% lên 69%. Tăng trưởng thuê bao đạt được nhờ sự giới thiệu dịch vụ giá trị gia tăng như VDSL và WLAN. Tuy nhiên, giữa những năm 2000, có bằng chứng cho thấy thành tựu to lớn xứ kim chi đạt được trong viễn thông không đồng nghĩa với sự ổn định của thị trường. Năm 2003, hai người chơi lớn thứ 3 và thứ 4 của ngành – ThruNet và Onse – vỡ nợ, trong khi “á quân” Hanaro cũng gặp khải khó khăn tài chính nghiêm trọng và sau đó bị SK Telecom thâu tóm. Tính bất ổn của thị trường không đơn giản là sự phản ánh về vòng đời băng thông mà là kết quả từ hai vấn đề phức tạp: Vai trò của Chính phủ trong việc tạo ra thị trường cạnh tranh với chế tài giới hạn; Mô hình quản lí của nhà mạng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt chỉ tìm cách hấp dẫn khách hàng từ giá thấp và tiếp thị mà không khác biệt hóa sản phẩm.

Cuối năm 2005, khi nhà mạng gần phục hồi từ khủng hoảng tài chính, trọng tâm chuyển sang ra mắt thế hệ mạng lưới mới. Lần triển khai này thực hiện rộng rãi và tới cuối năm 2008, Hàn Quốc đã có 6,6 triệu thuê bao cáp quang, FTTH chiếm tới 43% kết nối băng rộng nội địa. Tiêu chuẩn và công nghệ băng rộng xuất hiện chủ yếu từ thị trường chứ không từ các nhà chức trách. Tuy nhiên, Chính phủ thông qua các cơ quan như Viện nghiên cứu điện tử - viễn thông ETRI và Viện phát triển Xã hội thông tin KISDI đóng vai trò quan trọng trong bổ sung tiêu chuẩn của ITU vào khu vực tư nhân.

Chính nhờ cách tiếp cận toàn diện và khung phát triển dự án bài bản trong nhiều năm của Chính phủ mà thị trường băng rộng Hàn Quốc đã phát triển tới mức như ngày nay.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)