Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển về công nghiệp điện tử và CNTT của Việt Nam ở mức từ 25 đến 40%.

Một loạt tập đoàn điện tử lớn tuyên bố rút lui khỏi Trung Quốc, chuyển sang khu vực Đông Nam Á đã mở ra cơ hội đưa Việt Nam trở thành "công xưởng thứ hai của thế giới".

Cuối tháng 2 vừa qua, Hiệp hội các nhà sản xuất mạch in Đài Loan đã quyết định xây dựng một tổ hợp dành cho nhà sản xuất mạch in Đài Loan tại Hà Nội. Tổ hợp dự kiến được khởi động vào tháng 8 năm nay, diện tích 300 ha, đủ cung cấp cho khoảng 10-20 nhà sản xuất. Một số công ty lớn của Đài Loan như HannStar Board, Gold Circuit Electronics (GCE), Unimicron Technology, Tripod Technology và Compeq Manufacturing đã cử đại diện đến nghiên cứu khả năng chuyển sản xuất tới Việt Nam.

Ngay sau quyết định đầu tư của các nhà sản xuất mạch in, đầu tháng 3/2008 nhà sản xuất màn hình LCD lớn thứ 4 thế giới Chi Mei Optoelectronics của Đài Loan cũng công bố dự định đầu tư nhà máy sản xuất LCD ở Việt Nam. Kế hoạch cụ thể chưa được tiết lộ nhưng theo báo chí Đài Loan thì Chi Mei dự định hợp tác với nhà sản xuất máy tính xách tay Wistron Corp đầu tư vào Việt Nam, nơi có chi phí nhân công rẻ hơn Trung Quốc. Hơn nữa, các khách hàng của Chi Mei là Compal Electronics, Acer và Foxconn đều đã thiết lập nhà máy tại Việt Nam.

Không chỉ có những tập đoàn điện tử Đài Loan rút lui khỏi Trung Quốc, nhà sản xuất máy ảnh số thứ 4 thế giới Olympus của Nhật cũng quyết định đóng cửa một nhà máy ở Trung Quốc và thành lập nhà máy mới ở Việt Nam nhằm giảm rủi ro và chi phí. Dự án này trị giá khoảng 5 tỷ yên (44,35 triệu USD), có thể triển khai vào cuối năm 2008.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), tập đoàn điện tử Hà Lan Philips cũng đang tìm kiếm đối tác cung cấp linh kiện nhằm chuyển dịch sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam. Philips đã tiếp xúc với một số thành viên của Hiệp hội như Công ty điện tử điện lạnh Việt Nam Mitsustar và CMS về khả năng cung cấp linh kiện. Tập đoàn này hiện đặt hàng sản xuất khoảng 8 tỷ USD mỗi năm ở Trung Quốc. Đặc biệt, theo ông Hoàng Việt Dũng, Phó Chủ tịch VEIA, mô hình đặt hàng của Philips cho phép tăng hàm lượng nội địa hóa lên khoảng 70%.

Tập đoàn bán dẫn thứ 4 thế giới STMicroelectronics của châu Âu mới đây đã tổ chức hội thảo để chào bán công nghệ và giải pháp sản xuất hàng điện tử cho các đối tác Việt Nam. Theo ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành khu vực châu Á- Thái Bình Dương của STMicroelectronics, tập đoàn này chưa tính đến việc xây nhà máy tại Việt Nam, trước mắt tập trung tìm đối tác chuyển giao công nghệ và giải pháp sản xuất hàng điện tử như công nghệ sản xuất đèn huỳnh quang, bộ xử lý tín hiệu truyền hình, công tơ điện.

Ngoài ra, Canon vừa tuyên bố đầu tư nhà máy sản xuất máy in mới tại Việt Nam. Theo hãng thông tấn Reuters, Canon sẽ chi 5 tỷ yên (50 triệu USD) xây dựng nhà máy mới tại một tỉnh ở miền Bắc, chuyên lắp ráp các loại máy in có chi phí thấp nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao ở các nước đang phát triển.

Ông Hoàng Việt Dũng nhận định: "Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam thời điểm này khá hấp dẫn nhà đầu tư do Trung Quốc - công xưởng của thế giới - đang mất dần những lợi thế. Các luật mới về môi trường khắt khe hơn, đồng nhân dân tệ tăng giá, lương cơ bản tăng và Luật Hợp đồng lao động mới bắt đầu được thực thi vào đầu tháng 1/2008 khiến các hãng khó sa thải nhân viên, cản trở việc mở rộng sản xuất tại Trung Quốc".

Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc FPT cho rằng, việc hàng loạt tập đoàn điện tử chuyển hướng sang Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như vị trí địa lý Việt Nam nằm trong trục đường giao thông thuận tiện với các nước trong khu vực; nền chính trị ổn định; kinh tế tăng trưởng rất ấn tượng và có nguồn lao động trẻ, năng động. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển công nghệ cao. Liên tục những năm gần đây, tốc độ phát triển về công nghiệp điện tử và CNTT luôn ở mức từ 25 đến 40%.

(Theo BĐVN)



Bình luận

  • TTCN (1)
Vu

?????

Chẳng có gì để người dân hay nhà nước VN phải hãnh diện về những thông tin như thế này . TQ đã dần thoát khỏi cái danh xưng công xưởng thế giới vì mục tiêu mang lại lợi ích cho chính nhân dân mình . VN lại lao vào vết xe đổ ấy để những lợi ích rơi vào tay kẻ ăn ko ngồi rồi trong khi chính nhân dân lao động lại phải làm việc cật lực với đồng lương rẻ mạt và 1 cuộc sống bấp bênh .