Tại một dây chuyền sản xuất của hãng điện tử Canon (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Thanh Hải.

Một quan chức Bộ TT&TT nói Bộ đang hoàn thiện đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành CN điện tử nhằm tạo môi trường có những ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển.

Trả lời phỏng vấn ICTnews, ông Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nói Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu trong chuỗi phân công lao động toàn cầu hiện nay. Ông cho rằng các doanh nghiệp điện tử Việt Nam biết khai thác lợi thế của phân công lao động quốc tế sẽ có cơ hội lớn từ “xu hướng Trung Quốc + 1” - xu hướng chuyển dịch sản xuất điện tử sang một nước khác ngoài Trung Quốc.

Gần đây một loạt tập đoàn điện tử lớn như Olympus, Philips hay STMicroelectronics đánh tiếng sẽ đầu tư vào Việt Nam, dường như đang có xu hướng chuyển dịch sản xuất điện tử sang Việt Nam?

Đúng là đang có sự chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn điện tử từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt là từ khu vực phía Nam của Trung Quốc. Môi trường đầu tư của Trung Quốc đang kém hấp dẫn với các tập đoàn điện tử, do chi phí nhân công tăng, yêu cầu môi trường cao hơn, đồng nhân dân tệ tăng giá ảnh hưởng đến xuất khẩu. Cũng phải nói là Trung Quốc đã qua giai đoạn triển khai ồ ạt các dự án điện tử ở mức thấp (mức lắp ráp cần nhiều nhân công và vật liệu). Hiện nay, Trung Quốc chú trọng phát triển các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, Việt Nam đang có những cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, hạ tầng, nhân công vừa rẻ vừa đông và đặc biệt là hiệu ứng kéo theo từ việc Intel và Foxconn quyết định đầu tư vào Việt Nam. Việc các tập đoàn điện tử lớn như Intel và Foxconn chọ Việt Nam khiến các hãng điện tử khác cũng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, đưa Việt Nam trở thành thương hiệu quốc tế có đẳng cấp trong thu hút đầu tư.

Ảnh
Ông Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: Thanh Hải.
Ông đánh giá thế nào về cơ hội cho công nghiệp điện tử Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch này?

Lịch sử sản xuất hàng điện tử thế giới khởi đầu xu hướng chuyển dịch từ Mỹ sang Nhật vào những năm 50, sau đó sang Hàn Quốc, Đoàn Loan rồi tới ASEAN và Trung Quốc. Bây giờ sản xuất điện tử bắt đầu chuyển sang Việt Nam, nhưng không phải là sự chuyển dịch lớn mà là xu hướng Trung Quốc + 1.

Cần biết là theo nguyên tắc phân công lao động toàn cầu hiện nay, các tập đoàn không sản xuất trọn gói sản phẩm tại một nơi, mà phân ra làm nhiều công đoạn từ thiết kế, đến sản xuất, lắp ráp đến đóng gói. Mỗi công đoạn sản xuất ở những nơi mà công đoạn đó có lợi thế cạnh tranh nhất.

Trong phân công này, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, mức giá trị thấp, tức là sản xuất cần nhiều lao động và nguyên vật liệu. Tuy nhiên, khi có nhiều tập đoàn điện tử đầu tư, thì các công nghiệp phụ trợ sẽ có hiệu ứng dây chuyền đầu tư vào, hoặc các doanh nghiệp trong nước cũng phát triển các sản xuất về công nghiệp phụ trợ. Hơn nữa, việc thu hút các tập đoàn điện tử vào Việt Nam trong thời điểm này là cần để giải quyết nhu cầu việc làm, và cũng là quá trình đào tạo hình thành đội ngũ nhân lực lành nghề trong lĩnh vực điện tử.

Theo ông, có cách nào tận dụng được xu thế chuyển dịch này, để công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, không còn thuần túy chỉ lắp ráp, giá trị nội địa thấp như hiện nay?

Điểm mấu chốt để phát triển công nghiệp điện tử ở Việt Nam là phải thu hút thật nhiều tập đoàn nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam. Để làm được việc này, chúng ta phải có nhiều khu công nghiệp tập trung, có hạ tầng tốt, thủ tục thông thoáng. Nhân lực cũng phải chuẩn bị đủ, không chỉ đào tạo nhỏ giọt như bây giờ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có tinh thần tiến công để khai thác các cơ hội do hội nhập quốc tế mở ra. Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang luẩn quẩn ở thị trường nội địa, tập trung thủ thế trong xu hướng toàn cầu hóa. Ví dụ, tập đoàn đầu tàu về công nghệ thông tin FPT đang mở rộng sang lĩnh vực tài chính, bất động sản. Đó không phải là xu hướng đáng mừng.

Tôi cho rằng để công nghiệp điện tử phát triển, các doanh nghiệp phải chấp nhận sự phân công lao động quốc tế, tìm công đoạn phù hợp có thể phát huy thế mạnh của mình.

Việt Nam đã hội nhập quốc tế, đã vào WTO nên hỗ trợ của nhà nước trong giai đoạn hiện nay không được như trước, chỉ có thể hỗ trợ gián tiếp thông qua hàng rào kỹ thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chính sách pháp lý. Nhà nước có thể dùng vốn ngân sách ưu tiên mua sắm hàng nội địa (như quyết định 169) nhưng cũng chỉ tạo ra một thị trường nhỏ, không đáng kể.

Việt Nam đã có chiến lược phát triển công nghiệp điện tử đến năm 2010 do Bộ TT&TT soạn thảo. Ngoài việc vạch ra định hướng, chiến lược này có đề ra chương trình hỗ trợ gì cho ngành điện tử không?

Bộ TT&TT đang khẩn trương triển khai các nội dung của Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam đến 2010 và tầm nhìn 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giữa năm ngoái.

Ngoài các chương trình đào hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chuẩn quốc tế như ISO, Bộ TT&TT đang hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp điện tử. Đề án này tập trung xây dựng danh mục sản phẩm trọng điểm, theo đó các sản phẩm được chọn sẽ được hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu. Một nội dung lớn khác của đề án này là quy hoạch các khu công nghiệp điện tử tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhằm tạo ra môi trường có những ưu đãi cho doanh nghiệp điện tử phát triển. Bộ TT&TT dự kiến sẽ xây dựng cổng cung thông tin cho ngành điện tử.

Về vấn đề nhân lực, mới đây, Bộ GD&ĐT đã ký hợp tác ghi nhớ với một loạt các trường đào tạo nhân lực cho các tập đoàn đa điện tử. Bộ TT&TT cũng đang xây dựng cơ chế đột phá cho vấn đề nhân lực công nghệ thông tin, trong đó có việc đáp ứng cho ngành công nghiệp điện tử.

Xin cảm ơn ông!

(Theo ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (0)