"Người Việt Nam hay nói linh tinh, không nói chuẩn" - TS Nguyễn Ái Việt

Người nổi tiếng là không bình thường vì tin đồn "bỏ lương triệu đô ở Mỹ về VN làm phần mềm sửa lỗi chính tả" - Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt bước vào phòng, mở ngay chiếc laptop như một phản xạ, ngẩng đầu lên nhìn tôi cười và hỏi: "Tôi có thể giúp được gì cho bạn?"

Bạn đọc hãy cùng tưởng tượng, cảnh Tiến sĩ và vợ cùng con gái, con trai sống trong một ngôi nhà xinh đẹp với khuôn viên rộng 1.000 m2, có bể bơi, hoa lá, những chú sóc bay nhảy, nắng ngập tràn trong làn hơi thổi đến từ ngoài biển khơi vùng Florida thơ mộng nước Mỹ… Đó là những gì của gần 10 năm trước mà ông đã quyết định từ bỏ.

Còn bây giờ, tôi và ông đang ngồi trò chuyện trong căn phòng của một công ty nhỏ về Công nghệ thông tin do ông và vợ ông tạo dựng, nằm trên tầng 18 một cao ốc trên đường Láng Hạ. Cửa ban công mở ra và từ đó bạn có thể nhìn xuống cảnh thành phố bị phủ trong một lớp bụi mờ đục. Những mái nhà lổm cổm, nhấp nhô. Xe cộ len lỏi trên đường như đàn kiến chạy mưa, lộn xộn và bức bối…

Tiến sĩ Việt nói rằng không thể so sánh được về môi trường sống giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng ở Việt Nam ông làm được những điều khác biệt, mà ở Mỹ ông không cảm nhận được.

Hiện nay ông sống giản dị với vị trí Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hàng ngày ông đi dạy học, làm công việc chuyên môn về CNTT và tạt qua công ty riêng hỗ trợ cho công việc của vợ.

Lương ba triệu đồng thay vì mười mấy ngàn đô mỗi tháng

Có thật là ông đã từ bỏ mức lương triệu đô? Tại sao?

Lúc về nước lương của tôi được hơn 3 triệu/tháng, chưa đầy 200 USD. Bên kia lương tháng của tôi mười mấy ngàn đô là tối thiểu. Có một sự chênh lệch không thể tưởng tượng được. Nếu chỉ nói về lương thì người dại dột nhất cũng nên ở lại.

Quá trình dẫn đến quyết định về nước của tôi là dần dần. Thỉnh thoảng tôi gặp anh em đoàn ngoại giao Việt Nam mình qua Mỹ và nói chuyện đi về Việt Nam. Tôi cũng băn khoăn về chuyện này lâu rồi. Những năm đầu ở Mỹ mình rất thích, nhưng sau đó mình thấy cuộc sống của mình thiếu cái gì đó, cuộc sống diễn ra đều đặn quá. Rồi một số anh em bảo mình, Việt Nam bây giờ mở cửa hơn rồi. Khi con gái bắt đầu vào đại học thì mình quyết định về. Lúc đó con trai mới học lớp 6. Đó cũng là một thách thức khá lớn. Cũng may mình có được sự ủng hộ của vợ con. Mình quyết định nhanh lắm. Chỉ vài tháng sau là mình về đến Việt Nam. Tính tôi là như thế, đã định làm gì là làm luôn, thường là làm liều.

Lương thấp như thế, ông và gia đình xoay sở thế nào?

Thực ra lúc đầu cũng rất buồn cười là tôi không nghĩ kĩ như vậy đâu. Tiền vẫn còn, hết thì kiếm sau. Tôi cứ nghĩ tôi về vừa đi làm cho Nhà nước sẽ vừa kiếm thêm. Làm tư vấn, đi dạy, chắc cũng kiếm được 3.000 – 4.000 USD mỗi tháng. Nhưng khi tôi về Bộ Thông tin Truyền thông thì tôi không được đi làm thêm. Lúc đó con lớn của tôi đã học ở Mỹ rồi. Tôi cũng muốn đảm bảo cuộc sống gia đình sao cho không úi xùi quá. Vì nếu cuộc sống mà úi xùi thì nhiều khi mình bị mất tinh thần, có khi gia đình lại ôm nhau quay lại Mỹ. Lúc đó tôi giúp vợ xây dựng một cơ sở kinh doanh. Cũng may có vợ nuôi mình. Chúng tôi tổ chức một hàng ăn cùng với anh chị em trong nhà. Sau đó đến năm 2007 tôi giúp vợ tách ra mở một công ty về công nghệ thông tin, còn hàng ăn vẫn được anh chị em duy trì.

Thực ra về là một sự liều mạng. Trong năm đầu tiên, cậu con trai hoàn toàn không hợp với môi trường giáo dục ở Việt Nam. Rồi công việc mình không được thuận lợi lắm, không như mình tưởng tượng. Mình suy nghĩ liệu mình có sai hay không. Tôi có cảm giác là không được trân trọng lắm, thậm chí có một số người có vẻ làm khó mình. Bức xúc thì nhiều nhưng sau đó mình thấy điều đó cũng bình thường. Rồi con trai cũng kêu ca. Bởi vì ở Mỹ từ khi nó đi học luôn luôn nằm trong top đầu ở trường. Về Việt Nam nó bị hẫng hụt, tự nhiên điểm số rất kém. Rồi nhiều khi nó hỏi những câu rất bình thường, trẻ con thôi: “Việt Nam là xứ kém phát triển, tại sao ba về để làm gì?”.

Vài năm sau thì mình thấy mình về vẫn là đúng. Nhất là khi đứa con vào đại học ở Mỹ, khi mình hỏi lại thì nó bảo về cũng là hay.

Ở Việt Nam mình biết được ý nghĩa công việc của mình hơn

Sau một thời gian ở VN, ông thu hoạch được những gì?

Thứ nhất là mình được nếm trải qua cuộc sống ở đây, không phiến diện như trước. Được ở đất nước mình, được đối diện với những vấn đề của xã hội, vấn đề làm CNTT ở Việt Nam. Còn ở Mỹ thì CNTT rất cao, mình chỉ là một phần của cái đó thôi. Còn ở Việt Nam, có thể mình làm phần mềm không hay bằng ở Mỹ, nhưng mình biết được ý nghĩa công việc của mình hơn là ở Mỹ. Thứ hai là khi làm Bộ Thông tin Truyền thông, tôi được giao một số việc, không biết là có thật sự tốt hay không, nhưng mà có người nói rằng không giao cho anh thì chẳng biết giao cho ai.

Ví dụ như việc gì?

Việc mà tôi nghĩ là thành công, đó là tôi là trưởng đoàn đàm phán về mua bản quyền phần mềm Office với Microsofft. Đây là việc rất khó vì Việt Nam lâu nay vẫn dùng chùa phần mềm. Tỉ lệ ăn trộm phần mềm thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhiệm vụ này vô cùng phức tạp bởi vì có nhiều nhóm lợi ích chống lại việc đó. Thực ra số tiền bỏ ra mua bản quyền rất ít, không đáng gì cả.

Khi họp với Microsoft tôi đã nói Việt Nam đang rất nghèo, đề nghị Microsoft giúp đỡ Việt Nam và Việt Nam sẽ giúp Microsoft mở rộng thị trường ở đây. Tôi đề nghị Microsoft đồng ý với mức bằng 1/10 so với giá công khai. Khi tôi ra khỏi cuộc họp, đã nhận được bao nhiêu tin nhắn: “Ông đúng là điên. Không có lí trí nào mà lại đòi người ta giảm giá đến 90% cả”. Thế nhưng rồi có một số nhóm lợi ích tiếp tục chống lại việc này, bởi vì cái giá thấp sẽ ảnh hưởng đến thị trường của họ. Còn những người dùng phần mềm mã nguồn mở thì chống lại vì không muốn trả tiền. Và họ tính ra cái giá bản quyền một tỉ đô la dựa trên đầu người sử dụng. Một bộ Office có giá từ 700-800 USD, nếu nhân lên với số người dùng ở Việt Nam thì có thể lên đến gần một tỉ đô thật. Nhưng cuối cùng mình trả rất thấp, chưa đến 2% của con số tỉ đô đấy.

Ảnh
Cuộc “ngã giá” với Bill Gates trong thương vụ với Microsoft.

Trong quá trình làm, thậm chí lãnh đạo của Bộ cũng không ủng hộ tôi. Họ nói cậu cẩn thận, có khi cậu phải buông ra thôi. Lãnh đạo cũng chạy luôn và không chỉ đạo nữa. Hồi đó có lúc tôi cũng chán vì thấy mình đơn độc. Thỉnh thoảng có người châm chọc, còn cho rằng mình có việc khuất tất gì bên trong. Nhưng mình thấy cũng vui vì dự án đó có ý nghĩa xã hội cũng lớn.

Không nao núng khi bị dọa cách chức

Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt với tư cách là Trưởng ban Đàm phán dự án Internet Cộng đồng (đem internet đến mọi làng bản) sử dụng vốn ODA của Nhật, đã tạo ra một sự khác biệt, khi đảo ngược được các điều kiện từ bất lợi chuyển sang có lợi cho Việt Nam. Để làm được điều này, Tiến sĩ Việt đã tỏ ra không nao núng khi bị dọa mất chức.

Thông thường, viện trợ ODA thường đi kèm với các điều kiện như nước nhận viện trợ phải sử dụng nhân lực, công nghệ của nước cấp vốn ODA, nhưng Tiến sĩ Việt đã không chấp nhận điều kiện đó với lí do Việt Nam có toàn quyền quyết định sử dụng số tiền. Một điều kiện khó khăn nữa của phía Nhật đưa ra, đó là Nhật Bản muốn đưa công nghệ dial-up vào dự án này. Trong khi Tiến sĩ Việt cho rằng đó là công nghệ đã quá cũ. Ông yêu cầu phía Nhật phải đưa công nghệ cáp quang vào Việt Nam. Quan điểm đàm phán này khiến cho phái đoàn Nhật Bản tỏ ra tức giận. Họ thậm chí còn dọa ông: “Chức của ông cũng bé, bọn tôi sẽ có ý kiến lên Thủ tướng để cách chức ông”.

Tiến sĩ Việt kể: “Tôi nghe cũng hốt (sợ), vì dự án này là biểu tượng hai nước, nếu đàm phán không tốt thì có thể sẽ có phàn nàn. Nhưng tôi cũng đánh một bài cược. Tôi không lui vì mình thấy công nghệ đó rất phí tiền. Tôi có nói với các ông ấy về chuyện mất chức, đúng là tôi bỏ tất cả về đây để làm cái chức này, nhưng mà lương ở đây chỉ bằng 1/100 cho đến 1/50 ở bên đấy, cho nên với lời dọa đấy tôi không mất mát về quyền lợi đâu, ông dọa nhầm đối tượng rồi. Tôi còn có nhiều lựa chọn khác. Nhưng cho dù tôi mất chức, mà tôi tin rằng ông đủ sức làm tôi mất chức, nhưng với tư cách là công dân, là một quan chức bị mất chức, tôi vẫn có quyền, tôi sẽ viết đơn chống dự án này đến cùng, tôi sẵn sàng đi bằng con đường pháp lí, kể cả với chính quyền”.

Tiến sĩ Việt kể tiếp: “Cả đoàn đi khỏi không chào một câu nào. Họ để lại cái giấy cho cậu thư kí, nói rằng 11h chúng tôi bay, ông được suy nghĩ đến 10h. Mười giờ đêm, tôi vẫn bình chân như vại. Sau đó thì nhận được cuộc gọi từ máy bay (đó là tối thứ sáu): “Sáng thứ Hai chúng tôi sẽ quay trở lại để làm việc với ông”. Sáng thứ Hai toàn bộ nhóm quay lại và họ chấp nhận toàn bộ điều kiện mình đưa ra. Sau đó dự án được thông qua với những điều kiện rất có lợi cho Việt Nam. Tiếc là sau đó, đến khâu thực hiện thì bị dừng lại vì phía Nhật Bản không chấp nhận cách thức thực hiện của Việt Nam.

Nhìn lại tất cả những chuyện oan ức, những sức ép đã trải qua, Tiến sĩ Việt thản nhiên: “Trước những chuyện đó, tôi không buồn đâu. Tôi coi đó là cơ hội được chiêm nghiệm. Người ta cứ nói cái này khó khăn, xã hội thế nọ thế kia, nhưng với cảm nhận của mình, tôi thấy đây là một cái gặt hái rất tốt”.

Ước mơ đánh bại “người khổng lồ” Google

Nguyễn Ái Việt rất khác mọi người. Tiến sĩ Vật lí nhưng lại là một nhân vật đầu ngành CNTT và đặc biệt lại yêu thích con chữ. Tất cả những điều dường như chẳng liên quan lại tạo nên một Nguyễn Ái Việt rất độc đáo. Nói ông yêu thích con chữ vì ông đang phát triển một phần mềm sữa lỗi tiếng Việt chỉ vì cảm thấy “khó chịu” với cách viết sai chính tả vô tội vạ hiện nay. Ông còn tận dụng khả năng 3 ngoại ngữ của mình để phát triển một phần mềm dịch thuật với giấc mộng đánh bại Google Translate, ít nhất là trong dịch tiếng Việt. Ông đã, đang và vẫn sẽ yêu thích từng việc mình làm và bền gan đi đến cuối con đường. TS Việt quan niệm, người bền gan là người thành công.

Theo Nam.



Bình luận

  • TTCN (0)