Bộ trưởng Lê Doãn Hợp tổng kết tại hội nghị. Ảnh: HH.

So với dịch vụ điện thoại di động, thị trường Internet băng rộng VN vẫn chưa có những phát triển đột phá, tạo sự bùng nổ tương xứng với tiềm năng dịch vụ. Dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin Truyền thông, sáng 21/3, đông đảo các DN viễn thông đã thảo luận để tìm biện pháp "gỡ rối".

Tiềm năng thị trường lớn!

Ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho biết, tốc độ phát triển thuê bao băng rộng của VN tăng 150% trong hai năm 2006 và 2007.

Tính đến 12/2007, tổng số thuê bao Internet là 18,5 triêụ, chiếm 22% dân số cả nước. Giá cước ADSL hiện nay đã giảm mạnh, đã bằng hoặc thấp hơn so với mức cước này của các nước trong khu vực.

VN bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL từ năm 2004 nhưng đã có những bước tiến đáng kể, thậm chí, tại nhiều thành phố lớn, đã có thời điểm "cung không kịp theo cầu". Với đặc điểm dân số trẻ, nhu cầu băng rộng cũng như nội dung trực tuyến tại VN ngày càng cao; tạo thị trường tiềm năng lớn. Đặc biệt, giới trẻ đã được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận với Internet (tại các đại lý công cộng, mức cước Internet chỉ là 3.000 đồng/giờ).

Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, trong số thuê bao Internet, mới chỉ có 1,58% thuê bao băng rộng, khoảng 1,41 triệu thuê bao, mật độ còn thấp. Trong đó, 65% thuê bao băng rộng tập trung tại Hà Nội và TP. HCM, tạo nên khoảng cách vùng miền lớn.

Ngoài ra, chất lượng dịch vụ ADSL vẫn chưa tốt: tốc độ thực tế thấp hơn so với cam kết của ISP, không ổn định, đặc biệt tại các tỉnh, huyện.

Giải pháp nào để đột phá?

Ảnh
Phó TGĐ VNPT Bùi Thiện Minh (bên trái) tìm giải pháp cho thị trường băng rộng phát triển. Ảnh: H.H.

Đại diện cho ISP lớn nhất hiện nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN, Phó Tổng Giám đốc Bùi Thiện Minh cho rằng, cơ hội để Internet băng rộng phát triển nên theo lộ trình tuần tự, bắt đầu từ kế hoạch trung hạn và tiếp theo mới đến kế hoạch dài hạn.

Với vai trò của DN chủ lực "phủ sóng" dịch vụ viễn thông tới các khu vực vùng sâu vùng xa, kế hoạch trung hạn của VNPT là kéo cáp đồng và phát triển dịch vụ ĐT cố định.

Tiếp theo đó, kế hoạch dài hạn sẽ kéo cáp quang, và từng bước cung cấp các dịch vụ không dây như WiFi, Wimax tới người sử dụng. Như thế, DN này vừa đảm bảo được mục tiêu phổ cập dịch vụ viễn thông công ích tới mọi vùng miền, vừa tận dụng được cơ hội triển khai mạng băng rộng; từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ.

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel đã đề xuất áp dụng lời giải thành công của dịch vụ ĐTDĐ áp dụng với băng rộng. Đó là câu chuyện của giảm chi phí đầu tư hạ tầng, để hạ mức cước dịch vụ; phủ sóng rộng khắp và sử dụng công nghệ tiên tiến.

Thống nhất với quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Viễn thông Phạm Hồng Hải cũng đưa ra giải pháp quan trọng là dùng chung cơ sở hạ tầng cho băng rộng, tích hợp cả ba dịch vụ viễn thông, với Internet và phát thanh, truyền hình.

Việc dùng chung sẽ không chỉ tạo sự thuận tiện cho khách hàng sử dụng dịch vụ, mà đồng thời còn tiết kiệm chi phí đầu tư cho DN và thuê bao đăng ký cả "ba dịch vụ trong một" là ĐT cố định+Internet+truyền hình....

Tổng kết lại, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là quan điểm mạnh dạn, quyết liệt để xã hội hóa thị trường băng rộng, tạo bước tiến đột phá cho dịch vụ này. Các DN cần tận dụng được thời cơ, kịp thời ứng dụng công nghệ băng rộng phục vụ cho đất nước.

"Với vai trò của cơ quan quản lý, Bộ sẽ tạo sân chơi bình đẳng để mọi thành phần kinh tế được cạnh tranh lành mạnh tại thị trường này. Muốn phát triển, bắt buộc dịch vụ băng rộng cần kết hợp chặt chẽ với dịch vụ nội dung, tạo mối quan hệ nhân quả, tác động qua lại với nhau, để tạo cung cầu đa dạng hơn".

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tập trung xây dựng các chính sách thúc đẩy thị trường Internet băng rộng VN "cất cánh".

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)