Việc phát triển hạ tầng băng rộng hữu tuyến và vô tuyến băng rộng của Việt Nam có thể đạt và vượt trước thời gian mà Dự án phát triển CNTT - TT đặt ra đến năm 2020. Có thể nói, hạ tầng viễn thông đã sẵn sàng làm bệ phóng cho CNTT - TT tăng tốc.

Băng rộng cố định vẫn nhiều thách thức

Phát biểu tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về phát triển hạ tầng thông tin” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/1/2013, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Việt Nam đã có quy hoạch phát triển băng rộng đến năm 2020. Tốc độ phát triển băng rộng thời gian qua tương đối tốt. Thế nhưng, trong các mục tiêu của Việt Nam đưa ra thì phần phát triển băng rộng cố định đang được xem là phần "xương" nhất.

Theo bà Mơ, phát triển băng rộng cố định là thách thức của ngành viễn thông vì 2 năm qua thuê bao băng rộng cố định đang phát triển chậm lại, song mục tiêu đòi hỏi thuê bao băng rộng cố định phải tăng lên. Hiện nay, mạng điện thoại cố định được xem là hạ tầng băng rộng tốt nhất và VNPT đang chiếm tới 90% thị phần dịch vụ. Thế nhưng, điều đáng buồn là dịch vụ này đang giảm rất mạnh (khoảng 25%/năm). Ở thời điểm cực thịnh, VNPT có 13 triệu thuê bao nhưng hiện nay chỉ còn 6,5 triệu thuê bao. Với xu hướng di động đang phát triển mạnh như hiện nay thì con số thuê bao này vẫn sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.

Trong khi thuê bao cố định sụt giảm mạnh thì mục tiêu đặt ra đến năm 2020 con số thuê bao sử dụng băng rộng cố định của Việt Nam phải gấp 5 lần hiện nay. Đây thực sự là thách thức lớn đối với việc phát triển băng rộng cố định. Bà Mơ cho rằng, ngoài các chỉ tiêu về thuê bao thì tốc độ kết nối cũng là vấn đề đặt ra. Với Internet băng rộng của Việt Nam thì ADSL chiếm đến 80% nhưng công nghệ này có tốc độ thấp, đơn vị tính băng rộng là Kbps. Trong khi đó, thước đo tốc độ băng rộng ở các nước phát triển phải là Mbps và cao hơn là Gbps mới đáp ứng được yêu cầu sử dụng.

Việt Nam đặt mục tiêu từ năm 2015 đến 2020 (đến 2015 sẽ là 90% số xã) sẽ đưa băng rộng đến 10% số xã còn lại. Con số tuy nhỏ nhưng lại là thách thức rất lớn bởi đây là những vùng xa xôi, khó khăn và rất cần sự đầu tư của nhà nước.

Bà Mơ nhận định, việc thúc đẩy mạng truy cập băng rộng hữu tuyến có chất lượng ổn định, an toàn an ninh cao là chiến lược của quốc gia. Vì vậy, sắp tới Bộ TT&TT sẽ có chính sách phát triển như giá cước, dịch vụ đối với mạng điện thoại cố định, chính sách phát triển mạng cáp tốc độ cao (FTTH) và khuyến khích phát triển đa dịch vụ trên một đường truyền (cable TV…).

"Giải pháp vô cùng quan trọng là dùng Quỹ Viễn thông công ích (VTCI) làm nguồn tài chính quý giá đối với việc phát triển hạ tầng viễn thông. Dự kiến từ năm 2013 đến năm 2020, quỹ này sẽ có khoảng 10.000 tỉ đồng. Bộ TT&TT đang nghiên cứu trình Chính phủ chương trình VTCI chủ yếu hỗ trợ hạ tầng và ưu tiên phát triển các điểm truy nhập Internet công cộng. Dự thảo về chương trình VTCI được Bộ TT&&TT dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2013", bà Mơ nói.

Băng rộng di động sẽ chiếm ưu thế

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, băng rộng di động trở nên phổ biến vì đây là một trong những hạ tầng quan trọng nhất của nền kinh tế tri thức. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nếu có thêm 10% dân số sử dụng băng rộng sẽ thúc đẩy 1,21% GDP của các nước phát triển và 1,38% ở các nước đang phát triển. Xu hướng dữ liệu băng rộng di động đang phát triển mạnh, thậm chí cao hơn cả dự báo của Liên minh Viễn thông thế giới.

"Trong tương lai gần, băng rộng di động chủ yếu là giao tiếp video nên đòi hỏi hạ tầng băng rộng rất lớn, số thuê bao 2G sẽ chậm lại và 3G phát triển mạnh. Công nghệ HSPA vẫn là công nghệ tiềm năng nhất tính đến thời điểm trước năm 2020 nên không thể đánh giá thấp hạ tầng 3G mà các mạng di động Việt Nam đang phát triển", ông Đoàn Quang Hoan nói.

Theo ông Hoan, Việt Nam có hạ tầng vô tuyến rộng chất lượng tốt và thuộc hàng tiên tiến trên thế giới. Thuê bao 2G và 3G của Việt Nam vẫn phát triển tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, hình ảnh này không lạc quan lắm vì dữ liệu trên mạng 3G này vẫn còn khiêm tốn. Năm 2013 sẽ giảm mạnh số thuê bao 2G và là năm phát triển của 3G. Nhưng 3G chỉ ở tốc độ cao chứ không bùng nổ và Việt Nam vẫn chỉ ở trong giai đoạn đầu của băng rộng di động.

Ông Hoan cho rằng, phát triển băng rộng di động Việt Nam có tiềm năng nhưng bị hạn chế về sức mua. Theo đó, thói quen sử dụng của người Việt Nam không phù hợp với sự phát triển di động băng rộng khi mà hạ tầng giao thông (ở những nước tiên tiến, phương tiện công cộng chiếm ưu thế nên người dùng dễ dàng sử dụng các dịch vụ di động băng rộng còn ở Việt Nam chủ yếu là phương tiện cá nhân - PV) không thúc đẩy phát triển di động băng rộng và chủ yếu dùng băng rộng di động ở thời điểm cố định. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách phát triển dữ liệu di động trong tương lai.

Ông Đoàn Quang Hoan khẳng định, Bộ TT&TT đã hoàn thành quy hoạch tần số băng rộng di động cho tương lai sẵn sàng cho đến năm 2020. Đây sẽ là định hướng tốt cho Việt Nam tiến vào kỉ nguyên băng rộng di động.

Mục tiêu băng rộng đến năm 2015:
- Băng rộng cố định : 6 - 8 thuê bao/100 dân
- Băng rộng di động : 20 - 25 thuê bao/100 dân
- Hộ gia đình có truy cập Internet: 15 - 20%
- 90% xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng kết nối băng rộng.
Mục tiêu băng rộng đến năm 2020:
- Băng rộng cố định : 15 - 20 thuê bao/100 dân
- Băng rộng di động : 35 - 40 thuê bao/100 dân
- Hộ gia đình có truy cập Internet: 35 - 40%
- 100% xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng kết nối băng rộng.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)