Các dịch vụ online nước ngoài đang có lợi thế tại Việt Nam vì không bị thắt chặt quản lí như dịch vụ nội.

Các nhà quản lí nội dung số Việt Nam cho rằng sự phát triển của Internet là xu thế tất yếu nên về nguyên tắc phải xác định "sống chung" với nó với quan điểm xuyên suốt là quản lí phải theo kịp sự phát triển.

Về nguyên tắc, doanh nghiệp và người dân được làm những điều pháp luật không cấm. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và áp dụng chính sách pháp luật trên Internet là do tính chất mở và không biên giới của mạng kết nối toàn cầu.

"Để ban hành được "những điều cấm" đã phức tạp, nhưng để thực hiện được "những điều cấm" đó lại càng khó khăn bội phần, không chỉ vì tính chất của công nghệ mà còn vì những vấn đề mang tính chính trị", ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lí Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, nhận định tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI) diễn ra ngày 15/1 tại Hà Nội. "Một hành vi trên Internet có thể vi phạm pháp luật của nước này, nhưng lại là được phép ở một quốc gia khác. Chính vì vậy việc xử lí vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai trái trên môi trường mạng cũng bị giới hạn, chỉ có tác dụng nhất định khi người vi phạm hoặc hành vi vi phạm xảy ra ở quốc gia đó".

Ông Bảo cũng thẳng thắn cho rằng môi trường pháp lí đang diễn ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp nội chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của luật pháp Việt Nam, trong khi doanh nghiệp của nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam lại bị điều chỉnh rất hạn chế, thậm chí không điều chỉnh được bằng các biện pháp hành chính. Điều đó vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi và làm cho dịch vụ nước ngoài trở nên hấp dẫn, có lợi thế cạnh tranh hơn và ngày càng thu hút nhiều người dùng Việt Nam, nhất là dịch vụ như mạng xã hội, tìm kiếm, giải trí điện tử...

Do đó, vị Cục trưởng này cho rằng bên cạnh việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan quản lí cũng cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam.

Với quan điểm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", cần tạo nhiều dịch vụ hấp dẫn, lành mạnh về thông tin và giải trí để thu hút người sử dụng trong nước, giảm thiểu tác động tiêu cực của thông tin xấu. Do môi trường pháp lí không bình đẳng khiến dịch vụ của doanh nghiệp Việt đang không thu hút được người dùng như dịch vụ của các doanh nghiệp nước ngoài, chúng ta cần có cơ chế đặc thù khuyến khích phát triển một số dịch vụ Internet quan trọng trong nước như mạng xã hội, tìm kiếm...", ông Bảo nêu quan điểm.

Tại lễ kỉ niệm 15 năm Internet Việt Nam diễn ra tháng 12/2012, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cũng chia sẻ, một trong các chủ trương lớn trong chính sách phát triển Internet của Bộ là đảm bảo môi trường Internet an toàn, tin cậy, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài và vươn ra quốc tế.

Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam, cả nước hiện có hơn 30 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỉ lệ 35,5% dân số và là một trong những quốc gia phát triển Internet nhanh nhất trên thế giới. Cùng với đó, thông tin điện tử trên Internet, bao gồm báo chí điện tử và truyền thông xã hội cũng tăng trưởng nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2012, cả nước mới chỉ có 12 báo, tạp chí thuần nhất là báo chí điện tử, còn lại là gần 300 trang tin điện tử của các báo, tạp chí, đài phát thanh - truyền hình. Về truyền thông xã hội, Việt Nam hiện có hơn 1.200 trang tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép, 330 mạng xã hội đăng kí hoạt động và một lượng lớn các blog cá nhân.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (0)