Tại các khu dân cư đông đúc, trung bình mỗi trạm phát sóng BTS chỉ đủ công suất phủ được 300m.

Trong khi người sử dụng đang "kêu trời" vì chất lượng cuộc gọi liên tục rớt, nghẽn mạng, 6 mạng di động vừa đồng loạt kiến nghị lên Thanh tra Bộ Bưu chính viễn thông về việc bị người dân, cản trở, không cho lắp đặt trạm phát sóng (BTS) tại khu vực mình sinh sống.

Tại... người dân?

Cùng với tốc độ phát triển thuê bao chóng mặt, theo kế hoạch trong năm nay,Vina, Mobi lắp đặt mỗi mạng 3 000 trạm phát sóng, Viettel với 2 500 trạm BTS mới trên phạm vi toàn quốc.

Tuy vậy, đại diện cho các "ông alô" phàn nàn rằng: "Trong tháng 7 này, với 30 trạm BTS mới tại nội thành Hà Nội, thì đã có tới 16/30 trạm BTS không thể phát sóng do chúng tôi vấp phải phản đối của người dân và chính quyền địa phương tại khu vực lắp trạm. Ngoài ra, chỉ tính riêng cho các BTS khu vực miền Bắc, hàng năm trung bình có từ 5%-7% tổng số các BTS đã và đang phát sóng phải tạm ngừng phát sóng hoặc di chuyển sang khu vực khác do sự phản đối của dân cư xung quanh."

Đặc biệt, tại các khu dân cư đông đúc như Hà Nội, việc khiếu kiện không cho DN lắp đặt BTS thời gian gần đây xảy ra liên tiếp: tại khu dân cư Tứ Liệt (Từ Liêm); Phùng Khoan (Thanh Xuân); Quan Nhân, Trương Định; cầu Mai Động, Cự Khối (Long Biên), Ngũ Hiệp, Ninh Hiệp... rồi các hộ dân ở Thái Bình, Khánh Hòa, miền Tây Nam Bộ cũng gửi đơn kiện... lên tận Bộ BCVT.

"Con gà tức nhau tiếng gáy"?

Thực tế đã có mâu thuẫn phát sinh là: cùng tại một khu vực, người này kêu chất lượng mạng di động xấu, làm thuê bao của mình rớt sóng; trong khi cùng khu đó, người dân lại không cho lắp đặt trạm phát sóng phục vụ cho... chính quyền lợi của mình.

Trả lời VietNamNet, ông Trần Ngọc Tiếp, Phó Chánh Thanh tra Bộ BCVT phân tích: Nguyên nhân chính từ hai lý do. "Thứ nhất, người dân cho rằng sóng điện từ có hại cho sức khỏe, và sức khỏe sinh sản, sẽ... không đẻ được con trai ?!"

Phản hồi lại, các mạng di động đều khẳng định là: nguyên nhân này hoàn toàn phát sinh từ cảm tính, với bằng chứng là hàng nghìn cán bộ ngành viễn thông đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ sóng điện từ mà vẫn khỏe mạnh, đảm bảo cuộc sống gia đình...

Trong khi đó, kết hợp với Bộ BCVT, Bộ KHCN, Bộ Môi trường và Bộ Y tế đã đo kiểm, giám sát chất lượng BTS. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, và Liên minh Viễn thông thế giới ITU, chưa có chứng cứ nào chứng minh sóng trạm BTS ảnh hưởng tới sức khỏe. "Thậm chí, sóng của cột phát thanh, truyền hình còn có ảnh hưởng lớn hơn tới sức khỏe người dân.  Người dân đã chưa hiểu biết rõ và nhận thức đúng về điều này." - ông Tiếp nhấn mạnh.

Thứ hai, trên thực tế, có tình trạng đua tranh giữa các hộ dân, ở cả thành phố, nông thôn. Khi hộ gia đình cho thuê nhà trạm sẽ được 2-4 triệu/tháng. Nguồn thu này là đáng kể nên những hộ dân bên cạnh sẽ phát sinh mâu thuẫn, đố kỵ theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy’" và "thà không ăn được thì đạp đổ"...

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mắc lỗi, chưa phối hợp với các Bộ, ngành liên quan; các cấp chính quyền địa phương để thực hiện tốt hơn việc lắp đặt các trạm BTS.

Ứng cứu cho doanh nghiệp

Thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá về kiểm định công trình viễn thông, Cục Quản lý Chất lượng BCVT-CNTT, trong năm nay sẽ tiến hành việc kiểm định 2 000 trạm BTS của 6 mạng di động tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, và TP HCM.

Đây là số trạm phát sóng đã được đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2007. Trong quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng BTS, đơn vị đo kiểm được chỉ định phải độc lập, khách quan với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình viễn thông này. Đơn vị đo kiểm định phải lưu trữ tài liệu, kết quả đo kiểm trong thời hạn tối đa là 4 năm kể từ ngày cấp kết quả và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của kết quả.

Các trạm BTS phải đảm bảo được hai tiêu chuẩn an toàn chống sét, và an toàn bức xạ trong tần số radio. Theo tiêu chuẩn này, nếu trạm BTS nào gây ra mức phơi nhiễm hơn 2W/m2 tại khu vực dân cư lân cận thì sẽ không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và không cho phép trạm BTS đó hoạt động.

Gần đây nhất, Thanh tra Bộ đã gửi "trát" số 276 tới các Sở BCVT các tỉnh, thành phố thuộc trung ương hướng dẫn việc giải quyết các vụ khiếu kiện của người dân sống xung quanh khu vực lắp đặt trạm BTS. Bộ cũng đang trông chờ Thủ tướng Chính phủ có kết luận chính thức, giúp người dân thực sự yên tâm, tạo điều kiện cho ông alô mở rộng cơ sở hạ tầng.

Trả lời câu hỏi tại sao 6 mạng không tiết kiệm bằng cách dùng chung hạ tầng BTS, cũng theo ông Tiếp: "Mặc dù có chủ trương DN nên dùng chung cơ sở hạ tầng nhưng không phải ở khu vực nào cũng dùng chung được! Bởi lẽ, lý do phụ thuộc vào công nghệ di động khác nhau, chiến lượng kinh doanh và đối tượng phục vụ của DN là khác nhau."

Mặt khác, riêng tại các thành phố lơn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, các mạng di động đều cho hay, trạm phát sóng của mạng mình còn chưa đủ dùng, thì làm sao có đủ để chia sẻ cho đối thủ cạnh tranh được?

(theo VietNamNet) 




Bình luận

  • TTCN (0)