Kĩ sư Google, Neil Fraser (thứ ba từ trái sang), cùng các thầy cô tại trường Bế Văn Đàn.

Neil Fraser, một kĩ sư của Google, đã trải qua mọi cấp độ từ ngạc nhiên đến bất ngờ khi quan sát khả năng của học sinh các lớp tin học ở phổ thông.

Neil Fraser, một kĩ sư của Google, vừa thực hiện một loạt chuyến thăm các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Việt Nam nhằm tìm hiểu cách thức giảng dạy môn Tin học ở nước ta. Kĩ sư của "gã khổng lồ tìm kiếm" tỏ ra bất ngờ khi quan sát những gì mà học sinh tại các trường này được giảng dạy.

Ảnh
Hướng dẫn bảo quản đĩa mềm có trong sách của học sinh lớp 2.

Neil Fraser viết trên blog rằng khi đến thăm trường tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), ông thấy môn Tin học bắt đầu giảng dạy ở đây từ lớp 2. Học sinh được học từ những thứ cơ bản nhất, bao gồm cả cả cách bảo quản đĩa mềm 5,25 inch. Đến năm lớp 3, Microsoft Windows bắt đầu được đưa vào chương trình giảng dạy, bao gồm cả Word, và việc toàn bộ phần mềm được hiển thị là tiếng Anh được Neil Fraser cho rằng sẽ tăng độ khó cho việc tiếp nhận của học sinh tại độ tuổi này.

Khi vào lớp 4, các em bắt đầu được học ngôn ngữ lập trình Logo, ban đầu là các lệnh rồi đến xử lí các vòng lặp (loop). Đến lớp 5, chúng bắt đầu phải học cách viết các đoạn mã tạo vòng lặp. Ông Neil cho biết ngay cả đối với một số học sinh lớp 11 và 12 tại trường chuyên về công nghệ thông tin tại Mỹ là Galileo Academy, số người hiểu được vòng lặp và các điều kiện liên quan cũng không phải nhiều.

Ảnh
Ông Neil Fraser và các em học sinh lớp 5.

Việc các em học sinh tiểu học Việt Nam làm được khiến kĩ sư của Google vô cùng ấn tượng và buộc ông phải hỏi ngay xem mình có thể giúp được gì để giúp đỡ trường. Câu trả lời của trường học sau đó lại khiến ông tiếp tục bất ngờ, đó là việc thiếu phần mềm để giảng dạy. Kết quả là ông Neil đã dành ra thời gian để viết ra một bộ phần mềm có tên Blockly Maze để giúp cho giáo viên trong trường giảng dạy về vòng lặp và các điều kiện. Phần mềm này phải đưa vào đĩa CD bởi nhà trường không có kết nối Internet ổn định.

Ảnh
Quang cảnh lớp Tin học tại trường Bế Văn Đàn.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa dừng ở đó. Do chỉ có một giáo viên giảng dạy Tin học nên một nửa trường vẫn chưa được học môn này. Khi biết lương tháng của giáo viên dạy bộ môn là 100 USD một tháng (khoảng 2 triệu), vị kĩ sư của Google đã quyết định quyên góp luôn 1.200 USD để trả lương và thuê thêm cho trường một giáo viên dạy Tin học thứ hai vào năm tới.

Ảnh
Bài giảng dành cho học sinh lớp 5.

Chuyến thăm trường tiểu học Bế Văn Đàn đã khiến cho Neil Fraser đặt ra câu hỏi "Nếu học sinh lớp 5 tại Việt Nam có thể làm được một việc tương đương với học sinh lớp 11 tại Mỹ thì liệu lớp 11 ở đây sẽ thế nào?". Ông đã lẳng lặng bước vào một lớp học tin học dành cho lớp 11 và đọc được một bài toán có nội dung như sau:

Ảnh
Nội dung bài toán.

Khi trở lại Mỹ, ông Neil đã nhờ một kĩ sư cao cấp của Google đánh giá xem liệu bài toán này sẽ được xếp hạng thế nào trong bộ câu hỏi phỏng vấn của hãng tìm kiếm. Không cần biết nguồn gốc, người kĩ sư cao cấp cho biết ngay rằng bài toán này sẽ được xếp vào trong top 1/3 câu khó nhất. Để giải câu đố này, lớp học mà ông Neil tới thăm ở Việt Nam chỉ có 45 phút để giải chúng trên ngôn ngữ lập trình Pascal. Hầu hết học sinh trong lớp đều giải được đúng thời gian cho phép trong khi một số khác cần thêm khoảng 5 phút để hoàn thành.

Neil Fraser viết trên blog:

Không có gì nghi ngờ là một nửa số học sinh của lớp 11 đó có thể vượt qua được vòng phỏng vấn tuyển dụng của Google.

Neil Fraser có viết: "Tôi đã quay trở lại lớp học tại trường trung học phổ thông đó để tìm mọi cách giúp đỡ. Kết quả là thay vì đưa ra các kinh nghiệm của mình cho nhà trường, họ lại cho tôi học hỏi được nhiều thứ. Họ cho tôi thấy Tin học được giảng dạy từ rất sớm và nhà trường hết sức tạo điều kiện cho những em có niềm đam mê với bộ môn này".

Kĩ sư của Google còn so sánh sự khác nhau giữa hai nền giáo dục Mỹ và Việt Nam. Khi nói về cách thức giảng dạy bộ môn Tin học ở Mỹ, Neil Fraser cho biết ban giám hiệu các trường tại đây thường cố tìm cách đẩy môn này ra khỏi các bộ môn được giảng dạy bởi họ nghĩ nó làm mất thời gian của học sinh đối với các môn chính như tiếng Anh hay Toán. Hơn nữa, điểm của học sinh lại được quyết định bởi các môn chính nên những môn "phụ" như Tin học là mối đe doạ.

Ngoài ra, các giáo viên cũng thường từ chối dạy Tin học bởi họ không hoàn toàn hiểu về nó. Thay vì dạy đầy đủ các môn liên quan thì họ chỉ chọn những thứ như gõ văn bản hay dựng website. Phụ huynh tại Mỹ cũng tỏ ra phản đối các lớp dạy Tin học bởi điểm số môn này không có lợi ích gì cho bảng điểm chính của con cái họ, thậm chí thay vì hiểu rằng con mình đang viết game thì họ nghĩ chúng đang chơi game. Về phía học sinh ở Mỹ, các bạn ấy cũng không muốn tham gia các lớp Tin học vì sợ người khác gọi mình là "đồ mọt sách".

Theo Neil Fraser, những điều này ở Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược. Vị kĩ sư của Google cho biết: "Các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh tại Việt Nam tỏ ra hứng thú (với Tin học) hơn cả ở Mỹ. Tôi chỉ mất chưa đầy 10 phút để giới thiệu phần mềm Blockly Maze cho giáo viên của trường Bế Văn Đàn. Học sinh của cô ấy đều được dùng phần mềm này chỉ trong vòng một tiết, trong đó đa phần các em đều vượt qua 9 cấp độ đầu tiên. Chúng còn muốn nhiều hơn thế nữa".

Theo VnExpress



Bình luận

  • TTCN (12)
Minh Tuấn  250

Xạo quá, học sinh của trường đang viết thôi. Chứ đâu phải học sinh việt nam là vậy đâu

Thủy Thanh  2

hay thiệt, cái thời của mình lớp 11 còn mò mẫm pascal cơ bản...ganh tỵ quá

Hải Nam  30903

Lớp 11 này là lớp chuyên Tin, chắc cũng là trường xịn, trong lớp 8 người trong đội tuyển thi Quốc gia Big Grin

Lâm Hằng  43211

Trường xịn chắc luôn, mời kĩ sư Google về khảo sát đâu phải giới thiệu đại 1 trường được. Cũng có thể là tuyển hs giởi từ nhiều trường lại làm thành 1 lớp cũng nên =)). Nhưng rất khâm phục các bạn. Tự hào Việt Nam Big Grin

Hải Nam  30903

Ông này tự tìm đến chứ không mời. Ổng cũng không qua giới thiệu nào hết, cầm cái cạc ghi chữ Google rồi xin vào lớp khảo sát thử thôi, không báo trước luôn.

Võ Văn Cường  1

Người Việt Nam mà, học hỏi và nắm bắt rất nhanh về công nghệ. Điều đó cho thấy nếu được quan tâm nhiều hơn về chuyên ngành Tin học ở các cấp học bên dưới thì trong tương lai không xa Việt Nam sẽ là nước có lực lượng Lập trình viên hùng mạnh nhất. Việt Nam vô đối

Jillian  155

Ông này chắc vô trúng lớp nào toàn dân chuyên tin học quá :v HS VN lên tớp 11 12 nhiều đứa xài cái máy tính không xong nữa là :v

Mà VN là nước đang phát triển, lại bùng nổ tin học, cái gì cũng tin học, nhà nhà cho con học ngành nghề liên quan tới máy tính vì nghĩ nó nhàn mà kiếm được tiền. Ở Mỹ nó đủ thứ ngành, chỉ có người nào thích mới theo tin học, cha mẹ không quan tâm tới cho lắm là đúng thôi. Nói nào ngay, dân VN du học bên này toàn là học Computer Science/Computer Graphics/Graphic Design.
Mà cái vụ dạy lập trình ở Tiểu học, cái đó là do chương trình nhồi nhét chứ con nít nó có phải đam mê gì đâu. Mình nhớ hồi còn ở VN ba cái sách tin học khô khan, cả lớp chẳng ai quan tâm bà cô giảng gì...

Hiếu Tròn  25905

Việt Nam mình học thì giỏi lắm, đi thi quốc tế này nọ toàn có giải cao, vấn đề là học để thi thôi chứ không dùng được gì nhiều.

Bao Andr Oid  1

bình thường cho những người chịu học

cấp 1 tôi chưa được học tin học như cấp 2 và cấp 3 đã học việc gõ-dùng phần mềm msw khá thành thạo, còn sách giáo khoa tin học 11 hay 12 đều có dạy cách làm logo hya pas

Tro Choi Vui  373

ngày xưa đâu được học đâu, bây giờ ai cũng được học từ nhỏ rồi nên giỏi cũng đúng mà.

formica  4

mình mới học xong phổ thông cách đây 2 năm, cũng trường cấp 3 khá nổi tiếng ở DN. giờ tin học trong đó thấy giáo viên toàn giảng dạy nhưng thứ mà giờ mình học DH chẳng áp dụng vào làm gì. chắc ông này khảo sát phải trường chuyên ở DN rồi. đọc thấy tội cho mấy em tiểu học bị nhồi nhét. Sad

Phong Tat Tau  169

giỏi quá...vậy nước ta khỏi sợ Hacker TQ rồi.