Sử dụng ROM tùy biến và "app lậu" là một sự đánh cược với chính chiếc điện thoại của bạn. Nếu không phải là một dân công nghệ, bạn cần chắc chắn rằng mình sẽ không phải đau đầu với bất cứ vấn đề nào được nêu dưới đây...

Không bảo hành

Nếu chiếc điện thoại bạn đang sở hữu là hàng xách tay hoặc mua lại, có thể đó không phải là điều khiến bạn phải bận tâm. Nhưng nếu niềm tin của bạn nằm ở những sản phẩm bày bán tại các cửa hàng chính hãng, hẳn bạn sẽ nhớ ra rằng nhà cung cấp luôn luôn từ chối bảo hành với các lỗi do người sử dụng tạo ra, mà một trong số đó chính là can thiệp vào phần cứng lẫn phần mềm.

Việc sử dụng ROM tùy biến (còn gọi là custom firmware) trên điện thoại của bạn sẽ luôn dẫn đến một kết quả duy nhất là nhà cung cấp từ chối chuyện bảo hành. Tất nhiên, vẫn có cách để đưa điện thoại của bạn trở về ROM mặc định ban đầu của nhà sản xuất, nhưng việc ấy chẳng hề đơn giản, và sẽ làm bạn tốn rất nhiều thời gian để sao lưu (backup) dữ liệu mỗi khi cần bảo hành.

Ngoài ra, quá trình cài ROM tùy biến luôn tiềm ẩn một nguy cơ (dù rất nhỏ) gây ra tình trạng điện thoại trở thành... cục gạch (brick) theo đúng nghĩa đen. Một số trường hợp soft brick vẫn có thể cứu vãn, trong khi với hard brick thì gần như... hết đường cứu chữa.

Lỗi có thể xảy ra

Bản thân Android đã là một nền tảng mở, chứa những lỗi không thể xác định được, vì thế các ROM tùy biến thậm chí còn tạo ra một nguy cơ cao hơn những lỗi có thể gặp phải. Mặc dù các bản ROM tùy biến nổi tiếng như CyanogenMod vẫn có một cộng đồng lập trình viên hết sức đông đảo, nhưng điều đó không hề đồng nghĩa với việc họ có thể kiểm soát toàn bộ những vấn đề gặp phải ở hàng trăm mẫu điện thoại, máy tính bảng Android hiện giờ.

Có thể gặp những lỗi phổ biến nhất sau đây: tình trạng văng ra ngoài màn hình chính, tự khởi động lại mà không rõ nguyên nhân, hoặc thông báo buộc bạn phải tắt ứng dụng.

Tất nhiên, những lỗi khó chịu với tần suất xuất hiện thường xuyên sẽ mau chóng được báo cáo và sửa kịp thời, để bạn có thể cập nhật lên phiên bản mới hơn, và tiếp tục… tìm lỗi. Đổi lại, bạn sẽ được can thiệp sâu hơn vào Android, cài đặt firmware mới nhất và trông chiếc smartphone sẽ thật khác lạ so với những anh em của nó. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, một khi đã chấp nhận cài đặt ROM tùy biến, bạn cũng đồng thời phải chấp nhận một thực tế là sẽ phải làm... "thử nghiệm viên tình nguyện" dài dài cho chính ROM đó.

Khó kiểm soát ứng dụng

Nếu là một người thường xuyên cài đặt các ứng dụng, bạn sẽ thấy quá trình cài đặt luôn đi kèm với việc bạn đã mặc nhiên đồng ý cấp quyền cho ứng dụng đó tùy ý sử dụng. Đó đôi khi chỉ là những quyền hết sức đơn giản, và tưởng chừng vô hại, như cho phép truy cập internet, GPS, đọc thông tin danh bạ điện thoại, lịch sử cuộc gọi, cho phép gửi và nhận tin nhắn. Tất cả đều không có gì để phàn nàn, cho đến một ngày bạn sẽ tá hỏa nhận ra những thông tin ấy đã bị “mượn đỡ”, còn hộp tin nhắn của bạn trở thành nơi chứa rác. Thậm chí, nếu đang sử dụng gói cước 3G mà không để ý đến cánh cửa không giới hạn quyền truy cập internet đã được mở, bạn sẽ thấy lưu lượng sử dụng trôi đi rất nhanh mà không hiểu tại sao.

Sự nguy hiểm còn tăng cao nếu bạn cài đặt một ứng dụng mà ngay cả tên của nhà phát triển cũng hết sức mơ hồ, đặc biệt là những ứng dụng dán mác "người lớn" với nội dung kích thích trí tò mò của người sử dụng.

Dựa trên việc phân tích 130.000 ứng dụng Play Store, một báo cáo mới đây của Bitdefender đã chỉ ra rằng: khoảng 13% trong số ứng dụng ấy thu thập số điện thoại người dùng, 12% lưu trữ thông tin địa điểm, và 8% lấy địa chỉ email.

Với các ứng dụng miễn phí hoàn toàn, chính thông tin người dùng là thứ đem lại lợi nhuận cho nhà phát triển. Vì vậy, bạn nên tuyệt đối cẩn thận với những ứng dụng chỉ có các banner quảng cáo, vì sẽ có nhiều khả năng thông tin cá nhân của bạn đã bị bán cho một bên thứ ba không rõ nguồn gốc.

Sự nguy hiểm của việc cài các ứng dụng kể trên còn tăng cao khi chiếc điện thoại của bạn đang sử dụng ROM tùy biến (đồng nghĩa với khả năng truy cập tới mọi thành phần của hệ thống). Nó sẽ mở toang cánh cửa cho hacker đến với thế giới bí mật của bạn: số điện thoại, mật khẩu, thẻ tín dụng và các thông tin nhạy cảm khác của bạn hoàn toàn có thể bị lấy cắp và gửi về cho nhà phát triển ứng dụng.

Đôi khi, một số ứng dụng còn là nguyên nhân khiến bạn không thể đăng nhập tài khoản Google, dẫn đến việc không thể vào Play Store, YouTube hoặc Gmail. Một số khác thậm chí còn gây ra những lỗi không thể ngờ tới, như không thể thực hiện việc cài mới ứng dụng, bởi bộ nhớ không đủ (mặc dù thực tế bạn còn thừa tới vài GB còn trống).

Mặc dù tất cả những vấn đề trên đều có biện pháp phòng ngừa và giải quyết chỉ bằng vài thao tác tìm kiếm đơn giản, nhưng nếu bạn chẳng phải là dân công nghệ, bạn sẽ muốn giữ chiếc smartphone của mình tránh xa những mối nguy hiểm tiềm tàng ấy.

Theo Vietnamnet



Bình luận

  • TTCN (0)