Linh kiện máy tính cũ bị chôn trong bãi tập kết rác thải ở Ghana. Ảnh: Pressphoto Agency.

Cứ mỗi 22 tháng, người Mỹ lại thay điện thoại di động một lần. Chỉ riêng năm 2012 đã có 150 triệu điện thoại trở thành “rác”. Tất cả chúng đã đi đâu?

Số phận của rác điện thoại

Tại những nơi xa xôi, nghèo khó như Agbogbloshie (Ghana), Delhi (Ấn Độ), Guiyu (Trung Quốc), trẻ em chất những thứ rác thải công nghệ này thành từng chồng cao như núi và đốt chúng để chiết xuất kim loại như dây đồng, vàng và bạc bên trong rồi bán cho các nhà máy tái chế với vài đồng bạc ít ỏi. Tại Ấn Độ, những cậu bé đập các viên pin bằng chày để tìm catmi (kim loại có màu trắng như bạc), thứ hóa chất độc hại khiến tay và chân của chúng lốm đốm. Phụ nữ dành cả ngày trong những phòng “nấu” bảng mạch để tách rời bạc và vàng. Greenpeace, một tổ chức từ thiện đã đăng nhiều clip lên YouTube về cảnh các em bé ngửi các loại khói đốt từ vỏ điện thoại nhằm xác định và phân loại từng loại nhựa để tái chế.

Thật khó tưởng tượng trẻ em có thể có sức khỏe tốt trong môi trường như vậy. Thực tế, hầu hết các nhà khoa học đều nhất trí rằng chúng tiềm ẩn nhiều mối đe dọa tới sức khỏe, đặc biệt tới phụ nữ mang thai và trẻ em. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy dù chỉ tiếp xúc với lượng nhỏ chì, catmi và thủy ngân (đều có trong điện thoại cũ) cũng có thể khiến thần kinh bị tổn thương và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ em.

Cơn ác mộng về chất độc từ rác thải điện tử không chỉ giới hạn ở các nước thứ ba. Nó còn đe dọa vấn đề sức khỏe tại Mỹ, nơi vài năm gần đây, các nhà tù thường yêu cầu tù nhân xử lí rác thải công nghệ. Chính phủ, nhà sản xuất và người tiêu dùng có thể thực hiện các bước đi tốt hơn để xử lí rác thải điện tử, ngăn chặn tình trạng ứ đọng rác thải điện tử và mối nguy hại do chúng gây ra.

Ví dụ, Mỹ vẫn là nước công nghiệp duy nhất chưa phê chuẩn Basel Convention, một điều ước quốc tế chống lại việc xuất khẩu hay vận chuyển rác thải công nghệ độc hại. Thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế là một bước chung tay với nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề liên quan tới rác thải độc hại.

Các mô hình hạn chế rác thải điện tử

Đạo luật Tái chế đồ điện tử có trách nhiệm được giới thiệu trước Quốc hội năm 2011 không cho phép xuất khẩu rác thải độc hại từ Mỹ sang các quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế. Mục tiêu là ngăn chặn việc “xả” rác thải công nghệ sang các nước nghèo nhất thế giới và từ đó khuyến khích quản lí rác thải an toàn hơn. Đạo luật nhận được sự hỗ trợ của cả hai đảng song chưa bao giờ được bỏ phiếu để trở thành hiện thực.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) lại mang tới hình mẫu quản lí công nghiệp có khả năng chuyển gánh nặng xử lí về các hãng đã sản xuất sản phẩm điện tử. Chỉ thị Quy định về rác thải điện và điện tử (WEEE) yêu cầu những người bán đồ điện tử phải chấp nhận bất cứ sản phẩm nào đã qua sử dụng do khách hàng mang tới để tái chế. Mục tiêu của chỉ thị là tái chế an toàn 85% toàn bộ rác thải công nghệ của EU tới năm 2019. Tương tự, Nhật Bản cũng yêu cầu nhà sản xuất mở các cơ sở tái chế riêng hoặc thỏa thuận với bên thứ ba để tái chế một số sản phẩm, từ máy tính, điện thoại di động tới tivi, điều hòa không khí.

Nếu các nhà sản xuất chế tạo sản phẩm có khả năng tái chế dễ dàng, mọi việc sẽ được giải quyết đơn giản hơn. Ví dụ, phần lớn điện thoại đều thiết kế để khó bị tháo rời. Thay đổi cách gắn keo, hàn và vít linh kiện với nhau khiến việc tháo dỡ điện thoại hỏng dễ hơn, giảm rủi ro do tái chế không đúng cách (như trường hợp những đứa trẻ Ghana).

Ngoài ra, có những mô hình kinh doanh điện thoại có lợi cho cả nhà sản xuất, người tiêu dùng. Ví dụ, nhà sản xuất có thể bán sản phẩm đồng thời cho phép người mua đăng kí dịch vụ tái chế hoặc đổi điện thoại cũ lấy điện thoại mới thay vì quẳng chúng đi. Công ty chấp nhận thiết bị cũ và tái sử dụng linh kiện cũ. Xerox áp dụng mô hình tương tự cho máy photocopy mà không gây ảnh hưởng gì tới doanh số hay lợi nhuận.

Theo ICTnews/TNT




Bình luận

  • TTCN (0)