Kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ 3G tại Việt Nam do công ty Nielson thực hiện cho rằng người dùng không hài lòng về chất lượng đường truyền 3G. Các nhà mạng đã thừa nhận điều này, tuy nhiên các nhà cung cấp dịch vụ có lí do riêng của họ.
Khảo sát cho thấy số lượng người dùng mạng 3G tại Việt Nam trong năm 2012 đã tăng gấp 5 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù người dùng đã rất hài lòng về vùng phủ sóng, nhưng tốc độ đường truyền chưa làm họ hài lòng. Trước đó, năm 2011, vấn đề người dùng 3G phàn nàn nhất đó chính là vùng phủ sóng của mạng 3G.
Phát biểu tại buổi công bố khảo sát Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM năm 2012 diễn ra sáng nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng dịch vụ 3G tại Việt Nam đã bùng nổ sau 3 năm triển khai. "Quá trình triển khai 3G tại Việt Nam trong thời gian qua rất thành công do thời điểm phù hợp. Năm 2009 - thời điểm triển khai 3G tại Việt Nam, thiết bị 3G, thiết bị mạng lưới tương đối rẻ và dịch vụ 3G bắt đầu phát triển, ứng dụng rộng rãi, chỉ sau 3 năm, số lượng người dùng 3G tăng rất nhanh với hàng chục triệu người dùng", Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng số lượng người dùng tăng mạnh và nhu cầu của khách hàng ngày càng lớn, đặc biệt các ứng dụng tiêu tốn băng thông liên tiếp xuất hiện là những thách thức buộc các nhà mạng phải nỗ lực để nâng cấp hậ tầng, dịch vụ. Tham gia sự kiện, ông Hồ Đức Thắng - Phó giám đốc VinaPhone, đã bày tỏ quan điểm đồng tình với kết quả khảo sát về chất lượng 3G do báo Bưu điện Việt Nam phối hợp với công ty phân tích thị trường Nielson thực hiện.
Theo ông Thắng, đối với mạng 3G, chất lượng là một điều quan trọng và được chính người dùng và các nhà mạng quan tâm. Nhà mạng này cho hay ngay trong quá trình khai thác dịch vụ, VinaPhone đã nhận thấy rất rõ điều này.
Trước câu hỏi liệu có phải dịch vụ 3G tại Việt Nam đang đi xuống sau 3 năm triển khai (từ năm 2009), đại diện VinaPhone lập luận không phải do chất lượng đi xuống, việc truy cập 3G, ngoài các nội dung mà khách hàng muốn truy cập thì tốc độ phụ thuộc vào đường truyền tại nơi người sử dụng.
Ông Thắng cho rằng việc nhiều người không hài lòng với tốc độ đường truyền 3G là bởi vì nhu cầu của khách hàng ngày càng đòi hỏi cao, không chỉ đơn thuần là những nội dung text (văn bản) mà là các đoạn video, các trò game đòi hỏi băng thông lớn.
VinaPhone cho biết rất quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu dịch vụ của người dùng, tuy nhiên trong quá trình triển khai có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng mạng. “Rất có thể trong quá trình triển khai, chúng tôi đã cân chỉnh mạng để làm sao phù hợp với khả năng mạng của chúng tôi, ưu tiên tập trung vào những nơi có nhu cầu lớn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Do đó, trong khi cân chỉnh cũng có thể phát sinh không được như mong muốn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc chiến lược của Viettel Telecom, cho rằng thực sự số lượng khách hàng tăng lên 5 lần trong năm 2012 so với năm 2011 là một thách thức lớn đối với nhà mạng.
Cũng đồng quan điểm với đại diện VinaPhone, ông Dũng cho rằng khi 3G trở thành dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống thì trải nghiệm của người dùng càng ngày càng đòi hỏi cao hơn. “Khi số lượng người dùng 3G tăng cao thì những khiếm khuyết nhất định đã tồn tại từ lâu nhưng đến bây giờ mới bộc lộ rõ”, ông Dũng lấy ví dụ như câu chuyện về data (dữ liệu). “Trước đây chúng ta tiết kiệm băng thông bằng cách vào các trang WAP thì nay chúng ta chỉ muốn vào các trang web có ảnh và thậm chí xem cả video trên các thiết bị di động”.
Ông Dũng thừa nhận, nhu cầu đòi hỏi của các khách hàng về băng thông là một thách thức lớn đối với các nhà mạng trên thế giới và cả Việt Nam.
Đại diện nhà mạng quân đội cũng bày tỏ quan điểm chính Viettel và các nhà mạng khác cần phải nỗ lực hơn nữa để tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo Dân Trí
Bình luận