Từ 15/5, Sở TT&TT Hà Nội sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, xử lí vi phạm theo quy trình xử lí đối với các trường hợp vi phạm Nghị định 77/2012 và Nghị định số 90/2008 về chống thư rác đối với các doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện theo quy định.

Theo đó, các doanh nghiệp di động sẽ phải chủ động đưa các thông tin khuyến cáo người sử dụng trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp về tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo cũng như ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại nhắn tin rác, các số điện thoại thực hiện cuộc gọi lừa đảo hoặc chấm dứt hợp đồng kinh tế đối với các doanh nghiệp nội dung vi phạm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp di động phải chủ động xây dựng phương án kĩ thuật nhằm kiểm soát tốc độ tin nhắn và nội dung tin nhắn, phát hiện tin nhắn rác và tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp dịch vụ nội dung qua tin nhắn có đầu số (CSP).

Ngoài ra, đối với CSP, các đơn vị này phải khẩn trương thực hiện các thủ tục để đăng kí mã số quản lí, tên định danh đối với Bộ TT&TT. Đồng thời, CSP phải soát khỏi hệ thống các trò chơi không rõ nguồn gốc, có yếu tố lừa đảo, đồi trụy cũng như loại bỏ các dịch vụ có nội dung nhảm nhí, vi phạm thuần phong mĩ tục, mê tín dị đoan... Bên cạnh đó, CSP sẽ phải có hệ thống cho phép người sử dụng đăng kí sử dụng dịch vụ và hệ thống tiếp nhận yêu cầu từ chối sử dụng dịch vụ của người sử dụng. Đối với chương trình phần phần mềm cài đặt trên máy điện thoại có chức năng cho phép tải thông tin, dịch vụ nhưng có tính phí, các CSP phải có thông tin cảnh báo, niêm yếu chính xác về giá, cước đồng thời phải cho phép người dùng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ mỗi lần thực hiện với mức phí đã được quy định.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hầu như doanh nghiệp CSP nào cũng sử dụng SIM trả trước để phát tán tin nhắn rác dưới nhiều hình thức khác nhau, phát tán trực tiếp hoặc thông qua đối tác để cùng ăn chia lợi nhuận. Nội dung tin nhắn rác thường bao gồm dẫn người dùng tải game hay truy cập website thông tin rồi trừ tiền người dùng, lừa đảo tặng quà hay sử dụng dịch vụ miễn phí hoặc với mức phí thấp nhưng thực tế mức phí trừ tiền rất cao, dụ người dùng gọi đến đầu số 1900xxxx, truyện đồi trụy để tăng doanh thu, mạo danh doanh nghiệp khác để trừ tiền, lừa đảo nạp thẻ điện thoại... "Nhiều CSP cố tình vi phạm quy định để thực hiện các cuộc gọi nhỡ, cuộc gọi lừa đảo để trừ tiền người dùng", ông Minh cho biết thêm.

Ngày 20/3/2013, Sở TT&TT Hà Nội đã chính thức ban hành kế hoạch thực hiện Nghị định về chống thư rác trên địa bàn Hà Nội nhằm thực hiện có hiệu quả việc chống thư rác tại Thủ đô, góp phần bảo vệ người sử dụng dịch vụ viễn thông. Quy trình xử lí đối với các đầu số, số điện thoại nhắn tin rác, số điện thoại thực hiện cuộc gọi nhỡ lừa đảo trên địa bàn TP.Hà Nội vừa được Sở TT&TT ban hành cùng với kế hoạch thực hiện Nghị định về chống thư rác, gồm có 5 bước.

Cụ thể: 1- Người cung cấp thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo cung cấp thông tin tại Phòng VH-TT các quận/huyện/thị xã hoặc Phòng tiếp dân của Sở TT&TT Hà Nội; 2-Nơi tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo thống kê các đầu số, số điện thoại nhắn tin, gọi điện sai phạm và gửi về Sở TT&TT (29 Phòng VH-TT sẽ thống kê, gửi danh sách định kì mỗi tháng 1 lần); 3-Phòng BCVT của Sở TT&TT Hà Nội sẽ tổng hợp những số điện thoại, đầu số nhắn tin sai quy định của các đơn vị gửi về và tham mưu để lãnh đạo Sở ra văn bản đề nghị các DN thông tin di động ngừng cung cấp dịch vụ các thuê bao nhắn tin sai quy định, thực hiện cuộc gọi lừa đảo và chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh với các DN cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn dùng đầu số để phát tán tin nhắn rác, lừa đảo; 4-Các DN thông tin di động, DN viễn thông báo cáo Sở kết quả thực hiện đồng thời cung cấp thông tin chi tiết về chủ thuê bao hoặc DN đã kí kết đầu số với đơn vị; 5-Thanh tra Sở TT&TT sẽ thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện theo báo cáo của các DN thông tin di động, DN viễn thông và xử lí vi phạm.

Theo ICTNews


Bình luận

  • TTCN (0)