Đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam là khi cơ quan nhà nước tổ chức xin ý kiến thì không ai quan tâm, không hỏi han gì nhưng đến khi luật áp vào lại kêu than.

Đó là ý kiến của ông Vũ Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) tại buổi tọa đàm giới thiệu và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT về việc tham gia Hiệp định CNTT mở rộng ITA 2 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 5/6/2013 tại TP.HCM.

Mặc dù đã chuyển thư mời tới hàng chục doanh nghiệp ở TP.HCM nhưng các đại diện doanh nghiệp tới tham dự góp ý lại chưa được 10 người. Số lượng đã ít như vậy nhưng đến khi xin ý kiến đóng góp thì một số doanh nghiệp lại từ chối vì đến để “lắng nghe” là chính!?

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Trọng Đường phải góp ý thẳng thắn với các doanh nghiệp tham dự. Theo ông Đường, đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam là khi cơ quan nhà nước tổ chức xin ý kiến thì không ai quan tâm, không hỏi han nhưng đến khi chính sách áp vào rồi thì kêu ầm lên, mà lúc đó có kêu thì chỉ nói cho vui thôi! Chẳng hạn, lúc đàm phán gia nhập WTO hay đàm phán về Hiệp định Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc, Bộ TT&TT nhiều lần xin ý kiến doanh nghiệp, đăng tải trên website 45 ngày mà không nhận được một ý kiến nào. Gửi công văn cho các hiệp hội, doanh nghiệp chỉ nhận được câu trả lời chung chung hoặc không trả lời. Ai cũng nghĩ rằng đây là chuyện của người khác chứ không phải việc của mình, đến lúc áp thuế chẳng hạn thuế nhập khẩu máy tính 0%, thuế nhập khẩu linh kiện 5% (có linh kiện đặc biệt lên đến 10 - 30%) thì bắt đầu viết đơn, thư, email, phát biểu khắp trên các diễn đàn.

"Dù muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp song Bộ TT&TT không thể lúc nào cũng theo sát, vì thế mới cần lấy ý kiến. Nên nhớ rằng đây là quyền lợi của chính các doanh nghiệp bởi khi áp chính sách rồi thì doanh nghiệp không thể kêu được. Ngay cả việc góp ý cho Hiệp định liên quan đến hàng trăm nước, trên cả luật trong nước, thế nhưng cũng không thấy ai góp ý. Trong khi đó, việc tham gia Hiệp định CNTT mở rộng ITA 2 sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của các doanh nghiệp, nhiều khi chỉ 1 mặt hàng đưa vào Hiệp định cũng khiến doanh nghiệp có nguy cơ dẫn đến phá sản", ông Đường nói.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư kí Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho biết, hàng năm HCA đều lấy ý kiến đóng góp cho nhiều dự thảo của Bộ TT&TT, tuy nhiên số doanh nghiệp tham gia chưa nhiều. Kể cả khi UBND TP tổ chức họp cũng vậy, chỉ những doanh nghiệp bị "đụng chạm" thì tham gia họp tiếp, còn các đơn vị chưa bị ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì chẳng màng tới, điều này gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp. Như sự kiện tọa đàm cũng vậy, Bộ TT&TT và các Hiệp hội đã đưa thông tin đến doanh nghiệp từ web, mail, thậm chí gọi điện thoại xác nhận đi dự, thế nhưng cũng chẳng thấy doanh nghiệp tham gia.

Về công tác lấy ý kiến cho việc tham gia Hiệp định CNTT mở rộng (ITA 2), ông Đường cho biết sẽ kết thúc vào cuối tháng 7/2013, vì thế hi vọng các doanh nghiệp sẽ tích cực đóng góp ý kiến hơn.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)