Nhiều điểm điện thoại công cộng như thế này của VNPT đã không còn nữa.

Theo ông Tô Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, 5 tháng đầu năm 2013 doanh thu dịch vụ cố định tiếp tục giảm khoảng 10%. Trước đó, VNPT cho biết mỗi năm dịch vụ điện thoại cố định lỗ cả nghìn tỉ đồng.

Ông Tô Mạnh Cường cho biết, 5 tháng đầu năm 2013, VNPT đạt doanh thu 46.201 tỉ đồng, bằng 35,11% kế hoạch, tăng trưởng gần 8% so với cùng kì năm 2012. Đặc biệt, doanh thu các dịch vụ quốc tế chiều về của VNPT tăng gấp rưỡi so với cùng kì năm ngoái nhưng doanh thu dịch vụ cố định của VNPT vẫn tiếp tục giảm khoảng 10%.

Trước đó, ông Vũ Tiến Dương, Phó Ban Kinh doanh của VNPT cho biết, vào thời điểm cực thịnh, VNPT có tới 13 triệu thuê bao điện thoại cố định. Thế nhưng, với xu thế không thể cưỡng nổi là di động lên ngôi thì điện thoại cố định đang rơi vào tình trạng bĩ cực bởi có quá nhiều thuê bao "dứt áo ra đi". Trong khi đó, các thuê bao "trung thành" với mạng cố định lại sử dụng dịch vụ này cầm chừng chủ yếu mang tính chất dự phòng trong hộ gia đình. Hiện VNPT chỉ còn khoảng hơn 5 triệu thuê bao cố định và chưa thể dự báo được sẽ giảm tiếp đến mức độ nào.

Chưa dừng lại ở con số buồn về sự sụt giảm thuê bao, phía VNPT cho biết doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định cũng giảm mạnh. Năm ngoái, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định của VNPT đạt khoảng 40.000 đồng/tháng. Nhưng ông Vũ Tiến Dương cho hay, hiện doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao điện thoại cố định chỉ còn có 33.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi thuê bao chỉ gọi khoảng 13.000 đồng/tháng, còn lại 20.000 đồng là cước thuê bao.

Theo tính toán của VNPT hồi năm ngoái, bình quân mỗi phút gọi nội hạt có giá thành là 650 đồng, trong khi họ đang phải bán cho khách hàng là 400 đồng/phút. Vậy là, cứ mỗi phút gọi nội hạt VNPT phải bù lỗ 250 đồng.

Ông Vũ Tiến Dương cho hay, vẫn chưa có con số chính xác là VNPT lỗ bao nhiêu từ dịch vụ cố định nhưng chắc phải lên tới cả nghìn tỉ đồng mỗi năm.

Thực tế, cũng có một số ít khách hàng ở nông thôn có nhu cầu về điện thoại cố định nhưng VNPT rất khó đáp ứng do thu tiền từ các thuê bao này không đủ tiền trả tiền thuê cột treo cáp của Điện lực. Nguồn tin của báo Bưu điện Việt Nam cho hay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có công văn tính tiền VNPT treo cáp trên cột điện điện lực tại các vùng công ích. Trong khi thỏa thuận trước đó của VNPT và Tập đoàn Điện lực sẽ không thu phí treo cáp tại những vùng công ích này.

"Với tình hình như hiện nay khi khách hàng ở một số vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa muốn sử dụng dịch vụ điện thoại cố định thì VNPT đành phải mời khách hàng dùng dịch vụ khác thay thế", ông Vũ Tiến Dương nói.

Tại buổi làm việc với Viễn thông Hòa Bình gần đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhận định, nếu VNPT vẫn giữ điều kiện mô hình và tổ chức kinh doanh như hiện nay sẽ gặp nhiều trở ngại. Doanh thu từ điện thoại cố định giảm, nhưng doanh thu các dịch vụ khác như băng rộng, thuê kênh... đã bù đắp một phần cho sự sụt giảm đó. Trên thực tế, các viễn thông tỉnh vẫn phụ thuộc vào dịch vụ di động và cơ chế nội bộ quá lớn.

Còn theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, doanh thu điện thoại cố định có xu hướng suy giảm, nhưng trên đường dây điện thoại cố định cần phát triển các ứng dụng như Internet băng rộng, phát thanh - truyền hình. Do đó, hạ tầng băng rộng cố định rất quan trọng và VNPT phải có thêm nhiều dịch vụ hơn nữa trên mạng cố định. Trước đây, chúng ta hỗ trợ vùng công ích cho người dân theo hình thức trực tiếp nên thậm chí người dân không có nhu cầu sử dụng, khi dừng hỗ trợ công ích thì nhiều người cắt bỏ dịch vụ luôn. Sắp tới, sẽ thay đổi chính sách công ích thông qua hỗ trợ hạ tầng băng rộng để trợ giúp người dân hiệu quả hơn.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)