Nhaccuatui là một trong những website nghe nhạc trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam.

Sau một thời gian tạm lắng trước thông tin Nhaccuatui “bán mình” cho trang web Baidu (TQ), mới đây trên một vài diễn đàn công nghệ lại tiếp tục râm ran chuyện trang nhạc này lừa người dùng cài mã độc.

Chuyện bắt đầu nóng lên trên các diễn đàn công nghệ sau khi một thành viên của diễn đàn HVA cho biết đã phát hiện trang web Nhaccuatui (NCT) có “dính dáng” đến phần mềm chơi nhạc TTPlayer vốn bị nghi ngờ phát tán mã độc trên máy tính người dùng.

Ngày 5/6, báo Dân trí cũng nhận được một phản ánh của bạn đọc cho hay website nghe nhạc trực tuyến hàng đầu Việt Nam NCTó dấu hiệu lừa người dùng cài phần mềm gián điệp của Trung Quốc có nguồn gốc từ công ty Baidu.

Theo phản ánh của bạn đọc, trang web NCT lừa người dùng vào website event.nhaccuatui.com với lời mời chào hấp dẫn là tải phần mềm “Nhaccuatui player” về máy sẽ có cơ hội trúng iPhone 5, Sony Xperia Z, Samsung galaxy S4, Áo thu và thẻ cào điện thoại.

“Ngay khi download về, phần mềm này đã bị trình duyệt Chrome của Google báo nguy hiểm, và sau khi người dùng cài đặt, giao diện phần mềm nghe nhạc “nhaccuatui player” hiện lên. Khi đó, người dùng không hiểu biết về tin học sẽ tưởng đây là phần mềm nghe nhạc bình thường, nhưng thực ra ẩn chứa bên trong là phần mềm gián điệp”, bạn đọc chứng minh. “Chỉ cần mở file “nhaccuatui.exe” bằng notepad sẽ hiển lên các mã code của phần mềm. Tìm kiếm từ khóa “baidu”, sẽ phát hiện ra phần mềm Nhaccuatui do chính Baidu viết”.

Bạn đọc tỏ ra lo ngại với những người cài đặt phần mềm này của NCT thì sẽ bị thu thập toàn bộ thông tin trong máy tính, từ các file tài liệu đến mật khẩu. Thậm chí, hacker Trung Quốc có thể điều khiển từ xa máy tính của họ

Phản ánh này đã được báo Dân trí chuyển tới công ty an ninh mạng Bkav để phân tích và kiểm tra. Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Sơn của Bkav cho biết phân tích của công ty không thấy dấu hiệu phần mềm này có chứa mã độc để thu thập thông tin, tài liệu trên máy hay cho phép remote từ xa.

Phân tích của Bkav không thấy dấu hiệu phần mềm Nhaccuatui có chứa mã độc để thu thập thông tin, tài liệu trên máy hay cho phép remote từ xa như phản ánh.

Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc nghiên cứu & phát triển, Bkav

Đối với thông báo nguy hiểm trên trên duyệt Chrome, theo ông Sơn đây là thông báo chung khi tải một file thực thi .exe (ở trên một số phiên bản Chrome cũ).

Ông Sơn cho rằng: “Phần mềm NCT Player có thể là sản phẩm hợp tác giữa NCT với trang web Baidu của Trung Quốc vì có một số module tương tự TTPlayer (một phần mềm của Baidu)”.

Trong khi đó, ông Nhan Thế Luân, Tổng giám đốc Công ty NCT - đơn vị chủ quản website nghe nhạc trực tuyến Nhaccuatui – tỏ ra bất ngờ trước phản ánh từ độc giả cũng như “cáo buộc” trên các trang diễn đàn công nghệ.

Ông Luân hoàn toàn phủ nhận về việc Nhaccuatui lừa người dùng để cài đặt phần mềm gián điệp. Ông khẳng định việc trình duyệt Chrome cảnh báo nguy hiểm là do file tải về là file thực thi .exe - một “động thái” quen thuộc của trình duyệt Chrome nhằm cảnh báo sớm với người dùng.

Ông Luân cũng cho biết: “Phần mềm Nhaccuatui Player là do NCT mua lại từ phía Baidu và cập nhật lại, nâng cấp thêm một số tính năng. Hiện NCT đang giữ mã nguồn và kiểm tra rất kĩ vấn đề khác liên quan”.

Theo đại diện của trang web nghe nhạc trực tuyến phổ biến tại Việt Nam, NCT mua lại phần mềm này để hoàn tất trong bộ sản phẩm còn thiếu trên Desktop (bên cạnh app, wap, mobile, TV do NCT tự phát triển) vì việc này sẽ tiết kiệm khoảng 6 tháng đến 1 năm thời gian phát triển sản phẩm cho NCT.

Ông Luân cũng nói rõ việc mua lại phần mềm là một hoạt động bình thường trong việc hợp tác của các công ty với nhau. Ông nói thêm NCT còn mua và hợp tác vài sản phẩm của Nhật, Hàn, Trung Quốc khác nữa về Mobile, Game... để phát triển cho thị trường Việt Nam.

CEO của NCT cho rằng một số người cố tình không hiểu hoặc có ý đồ xấu cố tình tung tin gây ảnh hưởng đến công công ty.

Trước đó, hồi giữa tháng 3, ông Luân đã lên tiếng phủ nhận tin đồn về việc NCT bị công ty Baidu của Trung Quốc thâu tóm.

Theo ông Luân, hiện NCT đang có 50% cổ phần từ các nhà đầu tư và đối tác chiến lược, như Quỹ đầu tư IDG, Quỹ đầu tư Cyber Agent Venture, YANTV; 35% cổ phần nắm giữ bởi 2 nhà đồng sáng lập là ông Nhan Thế Luân và ông Nguyễn Minh Kha, Phó Giám đốc NCT; 15% cổ phần còn lại do các nhân viên đang làm việc tại NCT nắm giữ.

Theo Dân Trí




Bình luận

  • TTCN (4)
Nguyễn Triết Học  953

Nhạy cảm

Việt Nam và Trung Quốc hiện đang rất nhạy cảm, từ chuyện game có đường lưỡi bò, cho tới các trang mạng xã hội, rồi cả công cụ Danh bạ website, thì phần mềm chơi nhạc là một nhạy cảm lớn.
Mình thắc mắc là tại sao không mua phần mềm nghe nhạc của Hàn, Mỹ, Úc...mà mua của Trung Quốc. Rẻ chăng? Cũng chẳng là gì nhưng vì có cái "dớp" trước rồi nên tránh thì tốt nhất.
Riêng phần mềm, mình ủng hộ hàng Việt nhưng mua của Trung Quốc về sửa thì mình sẽ gỡ ra. 2 hôm trước cài nhưng khi chạy và duyệt web thì phần mềm làm máy chạy chậm hẳn. 2 hôm nay không dùng nữa. Thật ra cũng khó nói vì chỉ bản beta thôi, bản Final chắc sẽ ổn hơn. Nhưng mình sẽ không dùng nó nữa. Đơn giản, mình không thích sản phẩm này nữa.

Nguyễn Hồng Khanh  20

cũng chả sao

cũng chả sao. nếu NCT đã cương quyết nói vậy thì vẫn dùng. đơn giản vì nó ổn định chứ ko có rắc rối gì cho máy tính của mình. hơn nữa. cũng may trong đầu ko có 2 chữ ghét bỏ hàng của TQ. đơn giản vì VN mình chưa thấy ai viết được phần mềm nghe nhạc nào có thể nói là coi dược cả. nên việc NCT mua lại rồi cập nhật là chuyện hiển nhiên của 1 cty kinh doanh. ko có gì đáng để bị "tố"" cả

tinhphong  41

tuy mình ko xài nhưng thấy những cái lý do đưa ra hết sức nhảm. Để phát hiện có virus hay không thì nên để các phần mềm diệt virus và nhà bảo mật đưa ra kết quả chứ Chrome là cái gì mà biết được phần mềm đó có mã độc hay ko, nó báo người dùng 1 ulr dẫn tới trang có chứa mã độc thì còn nghe được, còn cái vụ dùng notepad để xem được "mã code" nữa chứ . Hồi xưa giờ VNG toàn phát hành game của china mà ai cũng chơi ầm ầm đó, có chết ai đâu.

111411  5

Tôi chỉ thấy nhục cho việt nam mà thôi

Nếu nói đến game có thể việt nam chưa viết được.

Còn bây giờ không lẽ đến phần mềm nghe nhạc thôi mà việt nam không viết nỗi sao