Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Cục Tần số Vô tuyến điện cần chủ động tiếp nhận công nghệ 4G để đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh của thị trường viễn thông Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2025.

Ngày 9/6, Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động và kỉ niệm 20 năm ngày thành lập của Cục Tần số Vô tuyến điện đã được tổ chức. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, quá trình 20 năm phát triển của Cục Tần số gắn liền với sự phát triển nhanh chóng của thông tin vô tuyến nói chung và thông tin di động nói riêng. Cục đã quản lí hiệu quả, minh bạch nguồn tài nguyên quý giá phổ tần số tuyến điện. "Qua đó, Cục Tần số đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và thúc đẩy cạnh tranh, tạo động lực cho sự phát triển thị trường thông tin di động, đặc biệt trong giai đoạn triển khai mạng 3G", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.

20 năm qua, Cục đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế đồng thời bảo vệ và mở rộng chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, vệ tinh. Vượt qua nhiều khó khăn, Cục Tần số đã đăng kí thành công, giành được vị trí quỹ đạo 132 độ Ðông và 131,8 độ Ðông, tạo tiền đề cho việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 cũng như vệ tinh VNRedsat -1 gần đây. "Thời gian tới, Cục cần đi sâu nghiên cứu, dự báo nhu cầu sử dụng tần số của khách hàng, dự báo sự phát triển của công nghệ để có thể định hướng đúng công tác quản lí. Cần chủ động tiếp nhận công nghệ 4G để đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh của thị trường viễn thông Việt Nam trong giai đoạn 2015-2025", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Ảnh
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho lãnh đạo Cục Tần số Vô tuyến điện.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, trong 20 năm qua, Cục Tần số đã làm tròn nhiệm vụ quản lí và khai thác tần số trên mọi phương diện; góp phần quan trọng trong việc quản lí kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Công tác cấp phép, kiểm soát tần số được áp dụng công nghệ quản lí tiên tiến, trang thiết bị hiện đại. Trên cơ sở đó, vừa đảm bảo được yêu cầu phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến tại Việt Nam đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động thông tin vô tuyến điện, phát hiện và xử lí kịp thời các vụ việc can nhiễu, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt, đảm bảo an toàn thông tin cho quốc phòng an ninh. "Chúng ta cũng đã giành được các quỹ đạo vệ tinh để phóng thành công vê tinh VINASAT-1, VINASAT-2, VNRedsat -1. Sở hữu vệ tinh riêng đã tạo thế chủ động cho đất nước trong việc đảm bảo thông tin liên lạc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, quốc phòng an ninh", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son kết luận.

Một trong những thành tích nổi bật nhất của Cục Tần số trong 20 năm qua là chủ trì thực hiện các thủ tục đăng kí vị trí quỹ đạo và đàm phán thỏa thuận với 27 quốc gia. Sau hơn 10 năm kiên trì, sáng tạo thực hiện các thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh hết sức phức tạp, chúng ta đã có được vị trí quỹ đạo 132 độ Ðông, sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh VINASAT-1. Trên cơ sở đó, ngày 19/4/2008, VINASAT-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo, mở ra một kỉ nguyên mới về thông tin và truyền thông, đem lại nhiều lợi ích to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trên đà thắng lợi, Cục đăng kí và đàm phán thành công vị trí quỹ đạo 131,8 độ Ðông để Tập đoàn VNPT và các đối tác tiếp tục phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-2 lên quỹ đạo vào năm 2012. Mới đây, Cục đã đàm phán thành công quỹ đạo và tần số để phóng vệ tinh viễn thám VNRedsat -1.

Như vậy, Việt Nam đã có hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm rủi ro giữa các vệ tinh; củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đồng thời đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần tăng cường khả năng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)