Hình minh họa

Các viên chức tình báo Mỹ mới đây thu thập những thông tin nóng về năng lực hạt nhân của Iran từ những bức ảnh chụp trên Internet. Họ vớ được nhiều tài liệu, kể cả một cẩm nang huấn luyện khủng bố, tại các hội nghị quốc tế và trên một số hình thức diễn đàn công cộng. Thậm chí họ tìm thấy thông tin trong các thư viện đại học nước ngoài và những bản tin trên đài phát thanh.

Suốt 40 năm qua, các Tổng thống Mỹ bao giờ cũng bắt đầu một ngày mới bằng việc đọc một bản tóm lược tuyệt mật về các vấn đề đe dọa an ninh và quan hệ toàn cầu được thu thập đa phần từ những điệp viên và vệ tinh giám sát tình báo có độ bảo mật cao. Tuy nhiên ngày nay, bản tóm lược hàng ngày phục vụ Tổng thống Mỹ và các báo cáo tình báo chủ đạo khác thường ít dựa vào những bản tin mật từ các điệp viên mà thay vào đó là dựa vào tài liệu sẵn có cho hầu như bất kỳ ai.

Các viên chức tình báo Mỹ mới đây thu thập những thông tin nóng về năng lực hạt nhân của Iran từ những bức ảnh chụp trên Internet. Họ vớ được nhiều tài liệu, kể cả một cẩm nang huấn luyện khủng bố, tại các hội nghị quốc tế và trên một số hình thức diễn đàn công cộng. Thậm chí họ tìm thấy thông tin trong các thư viện đại học nước ngoài và những bản tin trên đài phát thanh.

Những tài liệu như vậy vốn được gọi là “thông tin tình báo nguồn mở”, thường được cộng đồng an ninh (gồm 16 cơ quan liên bang) và tình báo Mỹ gọi tắt là OSINT (open-source intelligence). Theo các viên chức tình báo, sự bùng nổ thông tin hiện có thông qua Internet và nhiều nguồn công cộng khác đã đẩy việc sưu tập và phân tích tài liệu đó lên hàng top danh sách ưu tiên chính thức trong thế giới do thám.

Chậm chuyển đổi

Không dễ gì có sự thay đổi trong thể chế quan liêu bàn giấy – thường đo lường mức độ thành công tình báo thông qua năng lực lấy cắp những bí mật. Những tiểu ban cấp liên bang liên tiếp chỉ trích cộng đồng tình báo không biết theo kịp thời đại, nhanh hơn và xông xáo hơn, trong việc khai thác “thông tin tình báo nguồn mở”.

Đó không phải là một công việc nhẹ nhàng, cho phép bạn xem qua hàng núi tài liệu mới rút tỉa được một chân lý nào đó, và nó trở thành thông tin tình báo cực kỳ hấp dẫn. Mỗi tài liệu hữu dụng tiềm năng phải được xem qua, vì các quốc gia thù địch và các nhóm khủng bố (như Al-Qaeda) bắt đầu sử dụng Internet ngày một nhiều hơn. Chúng có nhiều kênh mở khác để tung ra những thông tin gây mất định hướng cho những kẻ truy đuổi chúng.

Thế nhưng các cơ quan an ninh và tình báo vẫn vượt qua những chiêu lừa đó, và khai phá ngày một nhiều các “kho chứa thông tin tình báo có giá trị”. Frances Townsend, cựu trợ lý cố vấn an ninh quốc gia về an ninh đối nội và chống khủng bố của Tổng thống Bush, tiết lộ: “Chẳng có gì gọi là bất thường nếu trong bản tóm lược dành cho tổng thống mỗi sáng có tài liệu trích đi từ các nguồn mở.

Chúng tôi gọi đó là một thành tố rất quan trọng trong thông tin đưa vào các phân tích tình báo của chúng tôi”. Các viên chức tình báo đều xem đó là một bước tiến cần thiết. Nhiều nguồn mở có thể cung ứng đến 90% thông tin cần thiết đáp ứng cho hầu hết nhu cầu của tình báo Mỹ, theo Thomas Fingar – Phó giám đốc Cục Tình báo quốc gia – trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Từ những động thái mới trong chính giới Nga, sự lây lan của dịch cúm gia cầm, hay khả năng công nghệ của các quốc gia đối nghịch, “đều là một điểm sáng quan trọng cần khai thác từ nguồn thông tin mở. Với phương châm "Hiểu rõ đối thủ mới là tình báo”, cộng đồng tình báo đầu tư ngày một “nặng đô” hơn vào việc cải tiến tốc độ thu thập thông tin nguồn mở.

Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thành lập Trung tâm nguồn mở (OSC) ở ngoại ô Washington. Chính tại OSC, các viên chức CIA phát hiện nhiều thứ như các website phục vụ cho Al-Qaeda, các nguồn xuất phát băng video tung lên mạng về những hô hào thánh chiến của Osama bin Laden và tay sai. Các cơ quan an ninh khác, như FBI và DIA, đang gấp rút đào tạo thế hệ các chuyên gia phân tích để khai thác các nguồn mở. Đó là bước tiến bộ đáng kể trong một thế giới ít có sự chuyển biến về nhận thức.

“Biết mình biết ta”

Ellen Tudisco, Chánh văn phòng OSINT của Cục Tình báo quốc phòng (DIA), thừa nhận rằng có “một dạng ràng buộc pháp lý đối với các nguồn thông tin mật”. Tuy nhiên, bà cho biết đã nhận thức được bạn có thể hiểu đối thủ của mình bằng cách nhìn vào những gì họ nói, và điều đó có trong thông tin nguồn mở”. Kinh nghiệm của DIA phản ánh xu hướng ngày một rõ về sự chấp nhận nguồn thông tin mở và phải chấp nhận những trở ngại mà các cơ quan tình báo đối mặt trong khi sử dụng các nguồn thông tin mở đó.

Trong vòng 18 tháng kể từ lúc thành lập văn phòng, nhân viên của bà Tudisco đông dần từ 2 lên đến 15 người. Bà thú nhận phải mất ít nhất 9 tháng nữa mới đạt tới mục tiêu cho phép tất cả các nhà phân tích DIA truy cập vào Internet để dạy họ cách làm việc bí mật trong thế giới ngầm (tình báo).

Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng đối mặt với những thách đố tương tự. Khoảng 11.000 nhân viên FBI giờ đây biết truy cập Internet bằng laptop, theo trợ lý giám đốc Wayne Murphy thuộc văn phòng giám đốc tình báo của FBI. Khoảng 19.000 nhân viên khác chờ đến lượt học truy cập thông tin trên laptop, nhưng phải chờ đến cuối năm 2009 mới có đủ trang thiết bị công nghệ cho toàn bộ nhân viên FBI làm việc hoàn toàn trên máy tính và laptop.

FBI hiện là một trong nhiều cơ quan an ninh nhận trọng trách bảo đảm không cho thông tin nhạy cảm của chính phủ và của lĩnh vực tư nhân rò rỉ qua nguồn thông tin mở. Nói đơn giản là hạn chế tối đa rò rỉ thông tin, nếu không sẽ bị cộng đồng tình báo khai thác vô tội vạ.

Thông điệp này cũng ngụ ý cần đưa ra những ưu tiên mới dành cho công tác bảo vệ nguồn dữ liệu. Joel Brenner, viên chức quản trị phản gián tại văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia, tin rằng đứng trước các nguy cơ các thông tin mật khó giữ kín, chính phủ cần xác định rõ chúng ta thật sự cần bảo vệ thông tin gì, và làm sao bảo vệ chúng tốt nhất. Theo ông, chắc chắn phản gián là một vấn đề đau đầu không chỉ cho người có bí mật cần giữ, mà còn cho cả mọi người có liên quan trong hệ thống.

(Theo CAND)



Bình luận

  • TTCN (0)