Công ty Công nghệ thông tin điện lực miền Trung (CPCIT) đã xuất xưởng hơn 370.000 công tơ điện tử “made in Vietnam”. Số công tơ này đã được lắp đặt tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, được các đơn vị trong và ngoài ngành đánh giá cao về tính chính xác và độ ổn định.

Các sản phẩm công tơ điện tử (CTĐT) do CPCIT nghiên cứu sản xuất được đánh giá là sản phẩm “made in Viet Nam” có độ chính xác và độ nhạy cao, được đưa vào sử dụng trên lưới điện phân phối như một chiếc “cân” phản ánh đúng đắn lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng. Từ quá trình thiết kế đến triển khai sản xuất và đưa vào sử dụng, dòng sản phẩm công tơ điện tử đã thông qua các đợt đánh giá tính năng kĩ thuật và thử nghiệm chất lượng nghiêm ngặt của các cơ quan chuyên ngành. Các sản phẩm đã được Bộ Công Thương đưa vào danh mục hàng hóa, thiết bị trong nước sản xuất được.

Ông Trần Dũng - Giám đốc CPCIT khẳng định: “Từ năm 2001, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu công tơ điện tử và luôn ý thức rằng, công tơ điện tử đo đếm điện năng là sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người tiêu dùng điện nên trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành. Trước khi xuất xưởng, tất cả công tơ điện tử đều đã được thử nghiệm, kiểm tra chất lượng đảm bảo nhiều chỉ tiêu. Hiện nay, chúng tôi tự sản xuất được khoảng 70% linh kiện để lắp ráp công tơ điện tử, số linh kiện còn lại vẫn phải nhập khẩu”.

Theo kế hoạch đến cuối năm 2017, EVN CPC sẽ thay thế toàn bộ công tơ cơ bằng CTĐT ở khu vực thành phố, thị trấn, khu vực đông dân cư; phấn đấu đến năm 2022 sẽ hoàn thành cơ bản việc lắp đặt công tơ điện tử cho toàn bộ khách hàng sử dụng điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

So với công tơ điện cơ, công tơ điện tử có nhiều ưu điểm vượt trội như: Độ chính xác của công tơ điện tử đến ± 1%, cao hơn so với công tơ điện cơ là ± 2%; hoạt động tin cậy, ổn định; kết cấu nhỏ gọn, thuận tiện trong việc lắp đặt; có khả năng mở rộng và tích hợp thêm các module rời nhằm bổ sung các tiện ích riêng theo nhu cầu của người sử dụng; đo đếm đa chức năng và đặc biệt là có các cổng giao tiếp dữ liệu cho phép kết nối vào các hệ thống thu thập dữ liệu tự động từ xa qua các mạng truyền dẫn phổ biến như RF, PLC, GSM, GPRS, CDMA, 3G, wifi…

Qua quá trình sử dụng sản phẩm công tơ điện tử, các bên liên quan đều thừa nhận rằng, đây là hướng đi tất yếu phù hợp với xu thế phát triển lưới điện thông minh của Việt Nam; sản phẩm này được đón nhận vì đảm bảo quyền lợi cho cả bên mua và bên bán điện.

Đối với khách hàng sử dụng điện, việc ghi chỉ số công tơ được thực hiện từ xa bằng thiết bị đọc chỉ số công tơ di động, toàn bộ số liệu được ghép tự động vào chương trình kinh doanh điện năng, do đó loại bỏ được các sai sót khách quan cũng như chủ quan từ người ghi điện.

Đối với ngành điện, ứng dụng công nghệ vào việc tự động ghi chỉ số và nhập chỉ số công tơ là bước cải tiến cơ bản so với cách ghi chữ thông thường, giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo trụ gây ra, đồng thời tăng năng suất lao động.

Theo Công Thương



Bình luận

  • TTCN (0)