Việc các ứng dụng OTT đang làm các nhà mạng tổn thất hàng nghìn tỉ đồng từ các dịch vụ cơ bản như SMS, thoại và giá cước 3G quá thấp nên không thể "bù lỗ" được đang là những vấn đề khiến các nhà mạng ở Việt Nam "đau đầu" tìm lời giải.

Doanh thu giảm 40-50% vì các ứng dụng OTT

Tại Hội thảo dịch vụ OTT (Over The Top) trên hạ tầng băng rộng mới đây, đại diện MobiFone cho biết, giá cước 3G ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất thế giới, thấp hơn các nước 40 - 90%. Do đó, những ứng dụng OTT nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet sẽ khiến nhà mạng tổn thất hơn 1.000 tỉ đồng/năm, trong khi lượng tiền data thu về không đáng bao nhiêu vì cước dữ liệu quá rẻ.

Chưa dừng ở đó, cũng theo MobiFone, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, số lượng thuê bao và lưu lượng 3G tăng rất mạnh, gấp khoảng 5 lần so với ngày bình thường, khi nhiều thuê bao đã sử dụng các dịch vụ trên nền 3G như SMS, thoại miễn phí, mạng xã hội. Vì vậy, các dịch vụ SMS và thoại truyền thống của MobiFone trong dịp Tết đã giảm gần 30% so với cùng kì năm ngoái.

Còn theo đại diện VinaPhone, bên cạnh việc giảm doanh thu các dịch vụ cơ bản vì ứng dụng OTT, giá cước 3G cũng đang khiến các nhà mạng ở Việt Nam “đau đầu”. Bởi vì, dù giá cước dữ liệu của Việt Nam thuộc diện thấp trong khu vực và thế giới nhưng số lượng thuê bao sử dụng 3G trên mạng VinaPhone chỉ chiếm 15-20% tổng số thuê bao có trên mạng và doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng, trong khi chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn.

Gần đây, trên các phương tiện thông tin truyền thông, đại diện Viettel cho biết, các dịch vụ cơ bản đang chiếm gần 80% doanh thu của đơn vị thì nay đã có thể cung cấp miễn phí trên Internet, có xu thế làm xói mòn doanh thu chính đơn vị. Theo đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của đơn vị 1500 tỉ đồng. "Nếu 100% thuê bao, tức trên 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và dùng Viber thì doanh thu của đơn vị có thể bị giảm đi 40 - 50%"..

Cùng quan điểm, một đại diện công ty viễn thông cho biết, cước dữ liệu 3G thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các nhà mạng ở Việt Nam, trong khi nhu cầu về băng thông tăng lên rất nhanh. Vì vậy, chúng ta phải cân đối lại mức giá cước dữ liệu. Như tại Mỹ, dịch vụ OTT không tác động quá nhiều đến bài toán doanh thu của các mạng di động vì cước dữ liệu của họ ở mức 10 USD/1 GB. Ngoài ra, các nhà mạng cũng xóa bỏ những mức cước không giới hạn và quy định tăng dung lượng các gói ở mức 1 GB nên người dùng dù chỉ sử dụng 100 Mb vẫn phải nộp mức phí 10 USD cho 1 GB dữ liệu.

Không lợi nhuận, nhà mạng sẽ khó nâng cao chất lượng mạng 3G

Tại buổi công bố khảo sát Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM năm 2012 được tổ chức vào tháng 5/2013, đại điện hãng viễn thông cho biết, năm 2012, số lượng khách hàng sử dụng 3G tăng gấp 5 lần so với năm 2011, nhu cầu trải nghiệm dịch vụ của người dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn, chẳng hạn trước đây truy cập các trang wap (dạng text) để tiết kiệm băng thông thì hiện nay truy cập những trang web có đủ cà tranh ảnh, video… Khi người dùng trải nghiệm nhiều hơn thì những khiếm khuyết nhất định của mạng lưới trước đây sẽ bộc lộ rõ hơn. Đòi hỏi của khách hàng về việc nâng cao chất lượng băng thông 3G đang trở thành thách thức lớn đối với nhà mạng.

Các mạng di động khác cũng cho biết, trong khoảng 1 năm trở về đây số lượng khách hàng sử dụng smartphone tăng lên nhanh chóng. Theo ước tính thì gần một nửa số điện thoại bán ra trên thị trường hiện nay là smartphone.Đó là chưa kể đến, số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường di động Flurry (Mỹ), Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng số lượng smartphone, tablet chạy Android và iOS trong năm vừa qua với tốc độ tăng trưởng 266%, chỉ đứng sau Colombia. Thêm vào đó thị trường cũng có nhiều ứng dụng data cho điện thoại smartphone hơn so với trước. Điều này kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu của khách hàng tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, Việt Nam là một trong những nước có giá cước 3G rẻ nhất trên thế giới. Giá cước 3G cũng như các dịch vụ hàng hóa khác, khi mới mở dịch vụ, ví dụ như cửa hàng thì người chủ sẽ cho không hoặc bán dưới giá thành mua vào hay đầu tư. Tuy nhiên, sau khibắt đầu có khách thì để bảo đảm tái đầu tư, giá cước phải dần tăng lên dựa trên cơ sở giá thành.

“Doanh nghiệp không thể tái đầu tư phát triển nếu không có lợi nhuận. Trong suốt hơn 10 năm qua, giá cước dịch vụ viễn thông hầu như không tăng, thu nhập GDP đã tăng 2 lần. Do đó, sẽ cần điều chỉnh cước cho phù hợp giá thành”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh,

Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông khẳng định, với tình hình hiện tại, các nhà mạng buộc phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng 3G để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra, dù với các ứng dụng OTT, người dùng có thể gọi điện, nhắn tin hình ảnh, video miễn phí nhưng nếu các nhà mạng tiếp tục không có lợi nhuận từ mạng 3G thì sẽ không thể có sức để tiếp tục đầu tư mạng lưới cũng như phát triển thị trường viễn thông thì chính chất lượng các dịch vụ OTT cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Bài học từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu nhà mạng không có lợi nhuận từ mạng 3G thì họ sẽ không đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng mạng và chính người dùng sẽ là những người chịu hậu quả đầu tiên”, vị chuyên gia này dẫn chứng.

Theo VnMedia




Bình luận

  • TTCN (2)
Nguyễn Hồng Khanh  20

không dùng 3G thì dùng wifi. 3G sóng như hạch. ở trong nhà éo có miếng sóng mà tối ngày đòi nâng giá. nếu nâng giá thì người đầu tiên ngắt 3G sẽ là ta

Minh Tuấn  250

Mạng 3G như shit ấy sao so với 3G của hàn quốc được.
Giờ nta có LTE - A lun rồi.