Microsoft vừa công bố cuộc tái cơ cấu nội bộ cực lớn để sắp xếp lại việc phát triển dòng sản phẩm từ Windows tới máy tính bảng với hi vọng, đánh bại các đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực di động và điện toán đám mây.

Ảnh
Steve Ballmer muốn thống nhất các bộ phận trong công ty thành "One Microsoft".

Công ty đang cố gắng giải quyết sự thiếu phối hợp, đấu đá nội bộ và phát huy đổi mới trong doanh thu hàng năm 74 tỉ USD và tổ chức 98 nghìn nhân viên. Chẳng hạn như, hệ điều hành Windows được phát triển riêng biệt dành cho PC và thiết bị di động sẽ được xếp vào thành một nhóm. Động thái này nhằm đi theo mục tiêu của CEO Steve Ballmer trở thành công ty “thiết bị và dịch vụ”.

Microsoft đã phải vất vả để cạnh tranh trong thế giới các thiết bị di động và dịch vụ dựa trên nền web, vốn bị Apple và Google thống trị. Công ty đã ra mắt máy tính bảng Surface năm 2012. Nhưng thiết bị không thể cạnh tranh được với iPad hay thiết bị Android do Samsung và các hãng khác chế tạo.

Windows 8 phát hành vào năm ngoái cũng xa lạ với người dùng PC vốn quen thuộc với giao diện lâu năm của hệ điều hành Windows. Trong những thứ khác lạ đó là việc bỏ đi nút “Start” quen thuộc.

Theo nhà phân tích Colin Gillissaid thuộc công ty BGC, công ty không thực hiện cải tổ lớn nếu như không gặp vấn đề nghiêm trọng.

Ballmer đang cố gắng mang các sản phẩm ra thị trường nhanh hơn và làm cho công ty hoạt động hiệu quả hơn cũng như muốn lôi kéo mọi người sử dụng các sản phẩm của Microsoft như Word và Office, trên các thiết bị khác chứ không phải chỉ trên máy tính cá nhân.

Kỉ nguyên mới

Ballmer, đảm nhận vị trí CEO thay cho nhà sáng lập Bill Gates từ năm 2000 cho biết, ông muốn công ty giống như Apple - đã vượt Microsoft về doanh số và giá trị cổ phiểu trên thị trường trong vài năm qua.

Trong một email dài gửi đến tất cả các nhân viên và được công bố trên website báo chí của công ty, Ballmer đã định rõ việc tái cơ cấu tổ chức và chiến lược phía sau việc này.

Công ty sẽ được tổ chức theo nhiệm vụ: Kĩ thuật, Tiếp thị, Phát triển kinh doanh và truyền thông, Nghiên cứu và Chiến lược cao cấp, Tài chính, Nhân sự, Pháp lí và Điều hành chính (bao gồm công việc hiện trường, hỗ trợ, hoạt động thương mại và CNTT).

Bốn lĩnh vực kĩ thuật

"Sẽ có bốn lĩnh vực kĩ thuật: Hệ điều hành, Ứng dụng, Điện toán đám mây và các Thiết bị", Ballmer giải thích, trong đó thay đổi quan trọng của Microsoft là cố gắng làm cho Windows, Xbox và các nền tảng Windows Phone tương tác tốt hơn với nhau.

Bộ phận Hệ điều hành

Do Terry Myerson, người trước đây điều hành bộ phận Windows Phone, dẫn đầu. Nó bao gồm mọi hệ điều hành, Windows, Windows Phone, và Xbox OS. Dịch vụ đám mây cho PC cũng nằm trong nhóm này. Trước đây, ông Terry Myerson chỉ tập trung vào Windows Phone và bây giờ đảm nhiệm hệ điều hành hàng đầu dành cho tất cả các thiết bị từ PC truyền thống tới máy tính bảng và bộ điều khiển game cầm tay.

Bộ phận Thiết bị và Giải trí

Do Julie Larson Green, người trước đây điều hành bộ phận Windows đứng đầu. Người phụ nữ này sẽ chịu trách nhiệm phát triển phần cứng, chuỗi cung ứng từ nhỏ tới lớn cũng như các dịch vụ game, âm nhạc, video và những nội dung giải trí khác bao gồm tất cả trò chơi, âm nhạc, video và giải trí khác (Surface, máy chơi game và nghe nhạc Xbox, chuột, bàn phím…).

Bộ phận Dịch vụ và Ứng dụng

Do Qi Lu, trước đây điều hành Bing, đứng đầu, phụ trách “danh mục tìm kiếm, liên lạc, năng suất” (bao gồm cả bộ phận Office). Mảng này tập trung nghiên cứu, mở rộng các ứng dụng, và công nghệ cốt lõi trong sản xuất, thông tin liên lạc và các sản phẩm tìm kiếm (Office, Bing, MSN, Dynamics CRM and ERP, Skype, Yammer, Lync...).

Bộ phận Doanh nghiệp và Đám mây

Do Satya Nadella, trước đây điều hành mảng Máy chủ và Công cụ, giám sát cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và đám mây.

Mảng doanh nghiệp và điện toán đám mây sẽ chịu trách nhiệm phát triển công nghệ đầu cuối như trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu và công nghệ CNTT cụ thể cho từng doanh nghiệp và các công cụ lập trình. Ông sẽ điều hành trung tâm phát triển dữ liệu, xây dựng và phát triển chúng (Windows Server, Windows Azure, System Center, SQL Server, Visual Studio...).

Các nhiệm vụ ngoài kĩ thuật

Ngoài 4 bộ phận kĩ thuật, còn có các mảng khác. Mảng tiếp thị giờ đây được điều hành bởi Tami Reller, người từng là giám đốc tài chính Windows. Giám đốc tác nghiệp (COO) Kevin Turner tiếp tục quản lí tình hình kinh doanh toàn cầu, marketing, dịch vụ, hỗ trợ và hệ thống cửa hàng của Microsoft. Tony Bates, người từng đứng đầu Skype, giờ đây có nhiệm vụ lớn lao hơn đó là quản lí phát triển doanh nghiệp. Ông có nhiệm vụ duy trì đối tác với Yahoo hay Nokia. Nhóm tài chính sẽ do Amy Hood điều hành, ông sẽ báo cáo kết quả trực tiếp lên COO Kevin Turner.

Với lần tái cấu trúc này, Microsoft muốn tập trung vào "Một Microsoft", nơi mọi người làm việc chung trong các bộ phận thay vì cạnh tranh nội bộ với nhau.

Đối với nhiều người, điều này có vẻ như Microsoft chỉ đơn giản là bắt chước nền tảng của Apple, và ở một mức độ thấp hơn là Google. Thật vậy, những thay đổi mà ông Ballmer vạch ra từng được thực hiện ở hai công ty này.

Chẳng hạn, tại Apple, Jonathan Ive đã được trao quyền kiểm soát giao diện phần mềm của công ty sau nhiều năm chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của phần cứng. Trong khi tại Google, các phòng ban của cả hai hệ điều hành trên điện thoại di động và máy tính để bàn đã được sáp nhập với một giám đốc điều hành duy nhất, Sundar Pichai.

Tuy nhiên, đây là một bí mật mở (open secret), và Ballmer trước đó đã tuyên bố về mong muốn nhân rộng mô hình thành công của Apple. Trong các phiên bản gần đây của danh sách Fortune 500, bảng xếp hạng các công ty theo doanh thu, Apple xếp hạng 19 với doanh thu 156,5 tỉ USD và lợi nhuận là 41,7 tỉ USD. Trong khi đó, Microsoft xếp thứ 110, với doanh thu 73,7 tỉ USD và lợi nhuận là 17 tỉ USD.

Tái cơ cấu gần đây nhất của Microsoft được thực hiện từ năm 2008. Khi đó Ballmer quyết định chia bộ phận dịch vụ và nền tảng của công ty thành ba bộ phận riêng biệt, gồm Windows, dịch vụ trực tuyến, máy chủ và các công cụ.

Tổng hợp từ VnMedia/ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)