Kim Scheinberg, vợ của một nhân viên Apple, chia sẻ trên trang hỏi đáp Quora, rằng bà được yêu cầu phải "quên mọi thứ mà bà biết" liên quan đến dự án Mac OS (từ năm 2000) mà chồng bà đang tham gia. Thậm chí, ngôi nhà của họ cũng bị sắp đặt lại để đáp ứng chuẩn bảo mật mà Apple đề ra.

Các thông tin về iPhone, iPad đang xuất hiện nhiều và chính xác hơn, nhưng điều đó không có nghĩa Apple đã loại bỏ những quy tắc khắt khe trong việc bảo vệ sản phẩm như trước.

Vì sao thế giới lại "khát" các tin đồn về sản phẩm Apple hơn của những hãng sản xuất điện thoại, máy tính bảng khác? Câu trả lời đầu tiên đương nhiên là do iPhone, iPad là những thiết bị di động hot nhất hiện nay. Sức nóng của nó mở ra ngành kinh doanh tiền tỉ cho việc phát triển ứng dụng, phụ kiện (nhất là case bảo vệ). Trong khi các công ty khác cho ra đời hơn chục, nếu không muốn nói là hàng chục, sản phẩm khác nhau chỉ trong 12 tháng thì số sản phẩm phần cứng mà Apple trình làng mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay nên thiết bị "Quả táo" luôn gây tò mò và được chờ đón.

Chưa kể, khoảng cách từ thời điểm công bố đến khi thiết bị được Apple bán trên thị trường chỉ tầm 7-10 ngày. 10 ngày là quá ngắn cho các chuyên gia và giới kinh doanh phụ kiện kịp trở tay để xây dựng ứng dụng phù hợp với màn hình mới hay sản xuất bộ vỏ vừa vặn với iPhone thế hệ mới. Vì thế, họ cần biết trước thông tin và đó phải là thông tin chính xác vì chỉ cần sai lệch một chút về vị trí để loa, giắc cắm... là toàn bộ lô hàng sản xuất trước sẽ thành đồ bỏ đi. Việc dự đoán iPhone sẽ trông như thế nào, ra đời vào tháng mấy cũng mang lại uy tín và nguồn thu lớn cho các hãng phân tích thị trường. Do đó, họ sẵn sàng trả những khoản tiền lớn nhằm mua chuộc "nguồn tin nội bộ", hay thuyết phục công nhân trong nhà máy "cho mượn" bộ khung smartphone trong khoảng thời gian ngắn hoặc chụp trộm sản phẩm. Nhà máy Foxconn vẫn luôn khuyến cáo nhân viên giữ bí mật, nhưng luôn có những kẽ hở họ không thể ngờ tới.

iPhone, iPad dễ bị lộ hơn trước đơn giản do sự quan tâm ngày càng cao và những "cám dỗ" quanh việc mua bán, trao đổi thông tin ngày một lớn. Tuy nhiên, không như những sản phẩm khác, người ta cũng vẫn phải chờ tới lễ ra mắt mới biết được iPhone mới trông ra sao và những tin rò rỉ chỉ mang tính rời rạc về nắp lưng, linh kiện... do Apple luôn áp dụng quy trình nghiêm ngặt trong việc bảo vệ sản phẩm:

Ảnh
Một nhóm chuyên gia phát triển ứng dụng iPad, được Apple chọn cho sử dụng sản phẩm trước lễ công bố, đã kể rằng Apple yêu cầu công ty họ phải có một phòng không có cửa sổ và đích thân hãng này đến thay khóa mới. "Họ khoan lỗ trên ghế và lắp khung cho iPad rồi ròng máy vào ghế bằng xích xe đạp. Mỗi máy được gắn khung khác nhau nên chúng tôi không biết iPad trông như thế nào. Sau đó, Apple chụp chi tiết các thớ gỗ. Nếu bất kì bức ảnh nào bị lọt ra ngoài, họ có thể dò ra iPad đó được chụp từ chiếc ghế nào", một thành viên trong nhóm kể lại trên Business Insider.
Ảnh
Khi bước vào dây chuyền lắp ráp sản phẩm Apple, các công nhân sẽ phải quẹt thẻ, quét vân tay. "Bảo vệ nhà máy còn sử dụng thiết bị dò kim loại để đảm bảo không có bất cứ vật thể bằng kim loại nào được mang khỏi xưởng. Nếu phát hiện, cảnh sát sẽ lập tức được gọi tới", một công nhân giấu tên khẳng định với Reuters.
Ảnh
Cũng theo Reuters, để đảm bảo không ai biết mọi thứ về sản phẩm hoàn chỉnh, Apple thuê nhiều nhà sản xuất cùng cung ứng linh kiện cho iPhone, iPad như chip, màn hình... Họ còn đưa cho các đối tác những sản phẩm khác nhau để dễ dàng lần ra nguồn thông tin rò rỉ.
Ảnh
Trong cuốn Inside Apple, Adam Lashinsky mô tả: "Mỗi nhân viên Apple là một mắt xích trong chuỗi zíc zắc và chỉ một người có thể xâu chuỗi lại với nhau là CEO - vai trò mà Steve Jobs trao lại cho Tim Cook. Những căn phòng không cửa sổ, bị khóa trái là nơi sản phẩm được thảo luận. Ngay cả lãnh đạo cao cấp cỡ Phó chủ tịch cũng chỉ được mời vào để trình bày về phần họ phụ trách trong thiết kế chung rồi được yêu cầu rời khỏi phòng. Ít ai hình dung toàn bộ sản phẩm trông như thế nào".
Ảnh
Các nhân viên của Apple sẽ biết một dự án lớn chuẩn bị diễn ra khi công nhân xây dựng xuất hiện tại trụ sở. "Các bức tường tạm thời được dựng lên. Cửa sổ, từng dùng kính trong suốt, thì nay được phủ mờ. Không thông tin nào được đưa vào hay phát ra từ phòng đó mà lại không có lí do", Lashinsky cho hay.
Ảnh
"Tại Apple, các mẫu thử đều khắc số seri bằng laser và được ghi nhận bởi hệ thống theo dõi trung tâm (iTrack). Chế độ an ninh được ưu tiên tối đa và các mẫu thử phải luôn được khóa khi không sử dụng tới. Có một quy định ngầm trong công ty rằng đồng nghiệp của bạn không nên biết bạn đang làm gì", một cựu nhân viên Apple viết trên Quora.
Ảnh
Hình phạt nào dành cho người làm lộ thông tin mật của Apple? Walter Shimoon là một trong những lãnh đạo cao cấp của Flextronics International - công ty chuyên sản xuất sạc cho thiết bị của "Quả táo", nên có trong tay nhiều thông tin nội bộ về Apple. Năm 2009, ông này đã bán dữ liệu mật cho công ty nghiên cứu Primary Global Research với giá 27.500 USD, trong đó có thông tin về 2 sản phẩm sẽ ra mắt trong năm 2010 của Apple là điện thoại iPhone 4 và máy tính bảng iPad, tại thời điểm đó có mật danh K48. Ông bị bắt vào tháng 12/2010 và bị tòa án Manhattan (Mỹ) khép tội gián điệp, có nguy cơ đối mặt 30 năm tù. Tuy nhiên, do sự thành khẩn hợp tác với các nhà chức trách, Shimoon chỉ phải bồi thường 46.000 USD theo phán quyết mới nhất đưa ra ngày 1/7 vừa qua.

Theo Số Hóa




Bình luận

  • TTCN (1)
dragonlance  291

tl;dr
Vào xem tưởng bài có liệt kê các biện pháp cho ngắn gọn, dễ đọc chứ:
1. Abc...
2. Def...
...