Với lịch sử 250 năm phát triển, bộ từ điển bách khoa Britannica là một trong số các công trình đồ sộ, vĩ đại và quý giá nhất của trí tuệ loài người. Tuy nhiên, bộ từ điển này cũng thường bị coi là một ví dụ điển hình về sự tiến thoái lưỡng nan của người đổi mới (Innovator's Dilemma). Những người sở hữu Britannica cũng hiểu thấu vấn đề này, họ đang bắt đầu thay đổi cách làm ăn của mình. Cuộc thử nghiệm đầu tiên của Britannica là một món quà cho cộng đồng blogger.

Hơn 200 năm nay, tất cả đều thật "tuyệt vời" khi Britannica vẫn là kho tàng nằm trong "thâm cung bí sử" của một số ít người bỏ tiền ra sở hữu. Cho đến khi Internet xuất hiện, một cơn cuồng phong đã tạo ra những dư chấn tai hại cho công việc kinh doanh của công ty quản lí bộ từ điển bách khoa này. Theo Comscore, với mỗi trang được xem trên từ điển bách khoa trực tuyến có trả phí Britannica.com thì có tới 184 số trang tương tự được ghé qua trên từ điển trực tuyến miễn phí Wikipedia (3,8 tỉ so với 21 triệu lượt trang được tải hàng tháng). Nói một cách ngắn gọn, sự thờ ơ với Britannica chính là một ví dụ điển hình cho Innovator's Dilemma, lí giải thất bại của một số công ty lớn trước sự bùng nổ của công nghệ mới.

Bình thường, người sử dụng có thể mua bộ Britannica đồ sộ 32 tập, bao gồm 65 ngàn bài viết với 44 triệu từ với giá 1.400 USD hay truy cập trực tuyến với giá 70 USD/năm. Nhưng nay người sử dụng internet đang có một cơ hội lớn để truy cập miễn phí vào tài nguyên của bộ bách khoa này khi nhà quản lí phát hành một chương trình mới gọi là Britannica Webshare, dành cho các webmaster, nhất là cộng đồng blogger đang phát triển rầm rộ cùng kỉ nguyên web 2.0. "Chương trình này nhắm tới người dùng internet mà họ xuất bản nội dung web với những chế tài nhất định, có thể là các blogger, webmaster hay nhà văn. Chúng tôi có quyền từ chối với những người tham gia xuất bản nội dung trực tuyến kém chất lượng muốn sử dụng dịch vụ này", quy định của Britannican có ghi.

Theo đó, là các blogger hay những người tham gia xuất bản nội dung web, bạn chỉ cần đăng kí một tài khoản, cung cấp địa chỉ trang tin, miêu tả một vài chi tiết cho nhà cung cấp. Chờ đợi để Britannica kiểm tra và chấp phép. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến nổi danh như Facebook, MySpace và Twitter, chắc chắn sẽ là những đối tượng được ưu tiên trước hết.

Một khi đã được chấp phép, người sử dụng sẽ được cung cấp một đoạn mã dưới dạng widgets (công cụ) để nhũng vào blog hay trang tin của mình. Các widgets của Britannica Webshare được chia làm nhiều lĩnh vực như khoa học, đời sống, lịch sử, văn chương, triết học, thể thao, nghệ thuật... Chẳng hạn, dưới đây là widgets về các đời tổng thống Mỹ.

Một mũi tên trúng hai đích

Britannica đã có những bước đi đúng như xây dựng đội ngũ cộng tác viên lên đến 4000 người (không trả tiền) và thường là chuyên gia trong các lĩnh vực phụ trách. Nhưng, đối với người dùng thì có vẻ như vẫn còn nhiều những "bức bách", nhất là buộc phải trả tiền để được quyền truy nhập nội dung của bộ bách khoa. Điều này đồng nghĩa với việc các bộ máy tìm kiếm "ngậm ngùi" khi không thể thống kê chỉ mục cho các nội dung đó. Và, với thế giới mạng, nó cũng có nghĩa là dường như không tồn tại.

Thay vì cung cấp nội dung miễn phí và rộng mở với cộng đồng, những người quản lí của Britannica sử dụng một cách thức mới để thu lợi nhuận bằng chính cung cụ mới này dành cho blogger và các webmaster nói chung. Bởi lẽ, thông tin trên các widget là miễn phí nên thiếu tính chuyên sâu. Muốn được truy nhập toàn văn, người dùng buộc phải đóng phí. Xem ra, cái cách mà Britannica đang làm thực sự là một "đòn" đánh vào lòng mong ngóng của cộng đồng trước "thâm cung bí sử" lâu nay. Đúng là một mũi tên trúng hai đích, vừa tìm kiếm lòng tin, vừa lôi kéo khách hàng.

Nhìn về tương lai, có lẽ Britannica cần phải thay đổi, trước hết là cung cấp miễn phí nội dung trên Internet và nên sử dụng hình thức wiki, cho phép người sử dụng biên tập, sửa chữa. Điểm khác biệt so với Wikipedia có thể là Britannica đảm bảo độ tin cậy hơn khi có sự góp mặt của các chuyên gia. Cách làm này sẽ tiếp bước Citizendium, do Larry Sanger, vốn là đồng sáng lập ra Wikipedia xây dựng mới đây.

Tiếp tục bán tuyển tập bách khoa cho các thư viện nhưng cũng thật khó để từ bỏ món lời lớn từ cộng đồng người sử dụng trực tuyến, Britannica sẽ vấp phải những khó khăn nếu như không tiếp tục thích ứng trước kỉ nguyên công nghệ. Một bộ đại từ điển bách khoa trực tuyến và miễn phí như Wikipedia là quá đủ, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu như người dùng có một lựa chọn khác, đáng tin cậy hơn là Britannica.

Văn Vượng (tổng hợp từ Techcrunch & Britannicanet)



Bình luận

  • TTCN (3)
Hải Nam  30903

Britannica đọ sao lại Wikipedia khi mà Google một phát là vào wiki luôn. Google cũng tự giết mình. Không biết nếu Google blacklist cái wikipedia đi thì Google và Wikipedia sẽ ra sao nhỉ Big Grin

Vượng Nguyễn  3466

Đúng là Britannica đã tự "khai tử" mình ra khỏi "tiền giả định" của người dùng khi không "bị" liệt kê chỉ mục nội dung trên các bộ máy tìm kiếm.

Minh Linh

Britannica không khai tử thì không được vì cái gì Britannica có thì người dùng sẽ đưa lên Wikipedia thôi ! Có thể Google sẽ đưa ra một bộ từ điển cho riêng mình, đánh vào tâm lý người viết là được thể hiện mình (hơn là vô danh trên Wikipedia - thực tế thì người tra cứu Wikipedia nếu không phải Wikipedian sẽ không để ý ai là người đóng góp chính cho một mục từ).

Và người đọc sẽ được lợi!