Dư luận nhiều lần đặt câu hỏi về mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe của bệnh nhân và người vận hành thiết bị chụp X-quang.

Theo thống kê của Cục An toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN), hiện nay toàn quốc có tới hơn 4000 cơ sở có hoạt động liên quan tới bức xạ và hạt nhân, trong đó 2930 cơ sở X-quang y tế thuộc diện quản lí và cấp phép của Sở Khoa học – Công nghệ theo phân cấp. Hơn 900 cơ sở có các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử như các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, quặng phóng xạ… Đó là số liệu được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác quản lí Nhà nước về ATBXHN do Cục ATBXHN (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức gần đây.

Chụp X-quang để chẩn đoán hình ảnh là hoạt động không thể thiếu trong điều trị của ngành y tế. Do đó, y tế là ngành có nhiều hoạt động liên quan tới bức xạ hạt nhân nhất. Nhiều cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM) có 13 đơn vị y học tiến hành công việc bức xạ, sử dụng tới gần 40 thiết bị X-quang chẩn đoán các loại, 2 máy gia tốc xạ trị cùng nhiều thiết bị khác. Các bệnh viện cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện đều có một vài thiết bị bức xạ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu dự hội nghị, đội ngũ nhân viên kĩ thuật sử dụng thiết bị chiếu chụp X-quang còn hạn chế. Đa số nhân viên chiếu chụp X-quang chỉ mới tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng, không được đào tạo chuyên sâu về X-quang trong khi thường xuyên tiếp xúc với bức xạ độc hại nhưng nhiều người chưa ý thức rõ về an toàn bức xạ.

Theo quy định, nhân viên thực hiện các công việc liên quan đến bức xạ phải được đào tạo và cấp chứng chỉ. Hiện cả nước có 7 đơn vị tham gia đào tạo cấp giấy chứng nhận về an toàn bức xạ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một chương trình đào tạo thống nhất về an toàn bức xạ.

Tại các cơ sở y tế có sử dụng công nghệ liên quan tới bức xạ và hạt nhân, do điều kiện cơ sở vật chất nên đa số đều không đạt điều kiện về diện tích phòng đặt thiết bị. Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 605 cơ sở bức xạ sử dụng 1118 thiết bị X-quang các loại. Trong số đó, chỉ có 20% cơ sở đạt điều kiện về diện tích phòng đặt thiết bị.

Mặc dù vậy, song so với cả nước, TP.HCM vẫn là một trong những địa phương có số nguồn bức xạ nhiều nhất, kể cả số lượng cơ sở có nguồn phóng xạ; TP.HCM cũng là nơi trung chuyển các nguồn bức xạ đi một số tỉnh khác.

Tuy nhiên, theo báo cáo tính đến nay chưa có sự cố bức xạ nào xảy ra trên địa bàn như mất nguồn phóng xạ, chiếu xạ quá liều... gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng, an toàn và an ninh xã hội. Đối với các phòng chiếu chụp X-quang, Luật Năng lượng Nguyên tử quy định rất khắt khe. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều cơ sở, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến.

Theo ông Lê Lê Văn – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa: “Khu vực ngoài phòng chiếu chụp X-quang ở nhiều nơi, đặc biệt là cửa ra vào và cửa sổ phòng chụp có mức độ cao gấp 10-20 lần mức độ cho phép”. Dư luận đã nhiều lần đặt câu hỏi về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân, người vận hành thiết bị khi tiến hành chụp X-quang.

Theo báo cáo của Cục ATBXHN thì trung bình hàng năm, toàn quốc đã tiến hành thanh tra hơn 1000 cơ sở bức xạ. Kết quả này cho thấy công tác thực thi pháp luật đã được tăng cường, giúp cho các chủ cơ sở nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn cho con người, môi trường cũng như ngăn ngừa sự cố bức xạ và hạt nhân xảy ra.

Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết 10 năm công tác quản lí Nhà nước về ATBXHN, chưa có một con số thống kê cụ thể có bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi bức xạ khi tiếp xúc với thiết bị y tế. Nhiều tham luận, báo cáo được đưa ra xung quanh việc quản lí an toàn bức xạ trong ngành y tế nhưng đa số là “báo cáo thành tích”.

Theo VnMedia




Bình luận

  • TTCN (0)