Google đang cổ súy rất tích cực cho xu hướng "phần mềm như một dịch vụ". Ảnh: Google Apps.

Chính các doanh nghiệp nhỏ và các thương hiệu bản địa mới là kẻ chiến thắng trên thị trường phần-mềm-như-một-dịch-vụ (SaaS) tại châu Á, chứ không phải những tập đoàn quốc tế khổng lồ.

Theo nghiên cứu mới nhất của hãng Springboard Research, dù quy mô hoạt động hết sức khiêm tốn, song khối doanh nghiệp bản địa vẫn kiểm soát tới 54% thị trường.

Trong khi ấy, những "đại gia" như WebEx hay Salesforce.com chỉ có thể chia sẻ 46% miếng bánh còn lại mà thôi.

"Mô hình SaaS rất đặc biệt: ở đó, dường như chưa có sự khác biệt giữa sản phẩm do doanh nghiệp phần mềm khu vực cung cấp với các thương hiệu đa quốc gia.

Khả năng tiếp cận và thu hút người dùng của hai khối này hoàn toàn ngang ngửa nhau", Giám đốc nghiên cứu Balaka Baruah của Springboard cho biết.

SaaS là một thuật ngữ mới xuất hiện trong môi trường công nghệ, dùng để chỉ những ứng dụng phần mềm có thể truy cập và sử dụng được qua mạng Internet, thay vì cài đặt và chạy trực tiếp trên từng máy tính.

Các doanh nghiệp SaaS chịu trách nhiệm phát triển phần mềm và quản lý máy chủ lưu ký các ứng dụng nói trên.

"Hãy dè chừng Ấn Độ, Trung Quốc!" 

Từ góc độ người dùng mà nói, một ứng dụng SaaS khi chạy trên nền trình duyệt cũng giống như các dịch vụ Gmail hay Google Docs vậy.

Tại châu Á hiện nay, các ứng dụng SaaS được sử dụng nhiều nhất vẫn là phần mềm văn phòng truyền thống, kiểu như xử lý văn bản, bảng tính và email.

Một số dịch vụ khác cũng khá thông dụng là ứng dụng bảo mật, quản lý nguồn nhân lực và các giải pháp quản lý nhân sự/tuyển dụng.

Kinh doanh và hoạt động trên nền tảng Internet cũng giúp cho các doanh nghiệp SaaS cỡ nhỏ dễ dàng vượt qua những rào cản truyền thống về phân phối, địa bàn, ngân sách... để mở rộng tầm với.

"Cưỡi trên con sóng Internet, các hãng phần mềm bản địa không chỉ chinh phục được thị trường trong nước mà còn có thể vươn ra bên ngoài biên giới, miễn là họ thực sự sở hữu những ứng dụng tối ưu", ông Baruah nhận định.

"Những quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc không hề thiếu vắng nhân tài IT, vì thế, thị trường SaaS tại châu Á trong thời gian tới chắc chắn sẽ vô cùng sôi động.

Hàng loạt các hãng phần mềm mới sẽ mọc lên và một lần nữa, châu Á sẽ trở thành mảnh đất nhọc nhằn với các hãng SaaS phương Tây".

(Theo Vietnamnet/VNUnet)



Bình luận

  • TTCN (0)