Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, cảm nhận về sự hài lòng của người dân chính là thước đo hiệu quả của Chính phủ điện tử.

Công khai, minh bạch nền hành chính

Tại hội thảo “Phát triển Chính phủ điện tử: Tăng cường hợp tác, minh bạch và gắn kết công dân”, ông Phạm Minh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho biết, cải cách hành chính và đẩy mạnh ứng dụng CNTT là hai nhiệm vụ song hành. Cải cách hành chính là nền tảng để đẩy mạnh ứng dụng CNTT và ngược lại, ứng dụng CNTT để cải cách hành chính hướng tới sự minh bạch, công khai.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh: “Không có CNTT thì không thể minh bạch thủ tục hành chính. Ví dụ như nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp thì khó kiểm soát được và không biết cần bao nhiêu thời gian, nhưng nộp qua mạng thì người dân sẽ biết hồ sơ đang được thụ lí, giải quyết đến đâu”.

Sau 3 năm triển khai Chương trình quốc gia về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước (2011 - 2015) và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước (2011 - 2020), Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Theo khảo sát của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG, tất cả các cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố ở Việt Nam đều có trang/cổng thông tin điện tử; 90% các đơn vị trực thuộc các bộ, sở, ngành, quận, huyện đã trang bị hộp thư điện tử; 95% các bộ, cơ quan ngang bộ, 98% UBND tỉnh và 54% UBND huyện sử dụng phần mềm quản lí văn bản và điều hành trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tâm - Tổng giám đốc IDJ ASEAN, cuộc khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 8 - 2013 cho thấy, 43% doanh nghiệp cho rằng dịch vụ công liên quan đến thuế rất khó khăn. Ngoài ra, dịch vụ liên quan tới hải quan, đăng kí cấp giấy phép kinh doanh, kho bạc… gây cản trở doanh nghiệp. Trung bình, mỗi doanh nghiệp FDI tại Việt Nam mất hơn 800 giờ cho các thủ tục thuế trong 1 năm, trong khi con số này ở các nước khác là 267 giờ!

Lãnh đạo UBND TP HCM thẳng thắn, ở một địa phương luôn dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước như TP HCM thì cảm nhận của người dân về ứng dụng CNTT vẫn mờ nhạt.

Cần lãnh đạo hăng hái

Ông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam đánh giá, Chính phủ điện tử phải hướng tới 3 lĩnh vực quan trọng gồm: chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử và công dân điện tử. Trong đó, chính quyền điện tử đang có tiến bộ rõ và nhanh. Nhưng Chính phủ với doanh nghiệp thì chưa thực hiện được nhiều và Chính phủ với công dân còn mờ nhạt. “Không có công dân điện tử thì không có Chính phủ điện tử”, ông Lê Doãn Hợp nói.

Đánh giá cao vai trò của ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước nhưng ông Lê Mạnh Hà nêu thực tế, còn có sự không thống nhất trong triển khai chương trình này. Ví dụ, tại TP HCM, trước đây 60% thủ tục đăng kí kinh doanh được cấp qua mạng song sau khi Bộ KH-ĐT có quy định mới thì không có doanh nghiệp nào thực hiện đăng kí qua mạng được. “Quy định mới khiến ứng dụng CNTT thụt lùi đến 10 năm”, ông Lê Mạnh Hà nói.

Theo ông Lê Kim Sơn - Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng, sự tương tác giữa công dân và chính quyền khi ứng dụng CNTT là rất lớn. Trước đây, một số cơ quan của Đà Nẵng thực hiện lấy tín nhiệm qua bỏ phiếu trực tiếp thì tín nhiệm rất cao. Nhưng hơn 1 năm qua, công việc này được thực hiện qua mạng, tín nhiệm của cán bộ giảm mạnh. “Đây là sự tín nhiệm thực sự, không có sự vị nể hay sợ mất lòng. Người dân còn đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn với chính quyền qua mạng”, ông Lê Kim Sơn thông tin.

Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, cải cách hành chính gắn với Chính phủ điện tử lệ thuộc vào 3 vấn đề lớn: Người đứng đầu có quyết liệt hay không, hạ tầng CNTT có thống nhất không và kỉ luật báo cáo với Chính phủ. Theo lãnh đạo Hiệp hội truyền thông số, ứng dụng CNTT thì số lượng biên chế trong các cơ quan sẽ giảm, dẫn tới thừa nhân sự và để lại các tác động xã hội. Nhưng phải chấp nhận hi sinh yếu tố này để đạt được mục tiêu khác, và cần có chính sách giải quyết vướng mắc đi kèm. Ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh: “Lãnh đạo hăng hái, quyết tâm sẽ xây dựng được Chính phủ điện tử”.

Theo An Ninh Thủ Đô




Bình luận

  • TTCN (0)